Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Bến xe Tam Bạc đóng cửa: Nhiều người lo mất việc, hành khách tiếc nuối
Giang Chinh (vnexpress) - 16/06/2015 11:01
 
12h đêm 15/6, bến xe Tam Bạc (Hải Phòng) đóng cửa trong nỗi lo mất việc của nhiều nhân viên, lái xe và sự tiếc nuối của hành khách.
xe-khach-JPG-8304-1434383328.jpg

Bến xe có lượng khách du lịch đông nhất Hải Phòng vắng ngắt trước giờ đóng cửa.

Bến Tam Bạc - bến xe khách du lịch lớn nhất Hải Phòng sau nhiều lần trì hoãn di dời, đã chính thức đóng cửa theo quy hoạch chỉnh trang đô thị của UBND TP. Chiều 15/6, bến lác vài khách, khác hẳn với không khí đông đúc vốn có.

Không hồ hởi chào mời người ra vào như mọi khi, những nhân viên nhà bến, đội quân cửu vạn, xe ôm khoảng 40 người ngồi ủ rũ, kiệm lời. Có người gắt lên: "Buồn muốn chết còn hỏi gì nữa, mất việc rồi".

Anh Nguyễn Quốc Đoàn - Trưởng bến xe Tam Bạc ngồi thừ trong phòng làm việc. "Anh chị em không ai muốn bến đóng cửa, chuyển đi vì ảnh hưởng công việc và thu nhập", anh nói. "Bản thân tôi khi chuyển sang bến Niệm Nghĩa cũng bị xuống chức. May mà không mất việc", anh thở dài.

u-ru-JPG-7446-1434383328.jpg

Người cửu vạn, xe ôm lo sợ công việc không còn, cuộc sống gia đình thêm phần khó khăn.

Ủng hộ chủ trương di dời bến xe để chỉnh trang đô thị, song ông Bùi Đức Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần xe khách Thanh Long, cho rằng thông báo đóng cửa quá gấp khiến doanh nghiệp không kịp xoay xở. Tuyến Hà Nội - Hải Phòng bị áp đặt về Thượng Lý cách bến xe cũ hơn 5 km, xa các quận nội thành theo ông Bình là không bình thường.

"Doanh nghiệp Thanh Long và Hoàng Long cũng như vài đơn vị khác đều kiến nghị được chuyển về bến xe khách Niệm Nghĩa hay bến Cầu Rào vì hai bến nói trên mới khai thác được 50% công suất, nhưng không được chấp thuận mà không có lý do thỏa đáng", ông Bình nói và bày tỏ nghi ngờ có sự cạnh tranh không lành mạnh.

Chung quan điểm, các doanh nghiệp vận tải Thanh Long, Vinaxuki Hà Nội, Đoàn Xuân không đồng ý với thông báo quá gấp của Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng, bởi hợp đồng doanh nghiệp ký kết với bến xe là đến hết 31/12/2015.

khach-1-JPG-3608-1434383328.jpg

Những vị khách cuối cùng ở bến Tam Bạc.

Chờ xe xuất bến, chị Nguyễn Thị Thủy (38 tuổi, quê Hải Phòng lấy chồng và công tác tại Hà Nội) không giấu cảm xúc nuối tiếc khi hay tin đây là những chuyến xe cuối cùng ở Tam Bạc. Chị cho biết, bến vừa gần gũi vừa tiện lợi cho người dân cũng như du khách. "Biết làm sao được, quy luật của sự phát triển là vậy. Cái cũ mất đi thay thế bằng cái mới tốt hơn", chị nói.

Anh Hoàng Tú đến từ Hải Dương buột miệng: "Tôi thích chơi đồ điện tử và thường về chợ Sắt kiếm đồ cho mình, cho người nhà, bạn bè, bước xuống xe là có thể lang thang một vòng chợ rồi trở lại rất nhanh. Bến chuyển đi, lần sau về tôi không còn cơ hội một bước xuống xe là tới chợ".

Trung tá CSGT Trần Trọng Vấn, Trạm số 1, Công an Hải Phòng tâm sự, anh tự hào là người đầu tiên khoác ba lô về giữ an ninh trật tự cho bến và cũng là người cuối cùng chia tay với bến. Theo anh Vấn, bến Tam Bạc được đánh giá tốt về mọi phương diện, đặc biệt là tình hình an ninh trật tự. 25 năm gắn bó với anh em nhà bến và nhà xe, trung tá Vấn cảm thấy hụt hẫng khi bến đóng cửa.

Được thành lập năm 1989 tại ngã ba sông Lấp, bến Tam Bạc khi đó tuềnh toàng với hoạt động đón khách chủ yếu của ôtô 12 chỗ, 16 chỗ. Sau nhiều lần nâng cấp, Tam Bạc trở thành điểm có tuyến xe đường dài chất lượng cao đầu tiên cả nước, được các tỉnh khác đến học tập kinh nghiệm. Nay, bến Tam Bạc được đánh giá không còn phù hợp với đô thị phát triển bởi vị trí nằm giữa trung tâm thành phố. 

Năm 2011, Hải Phòng chủ trương di dời bến Tam Bạc nên đã kêu gọi đầu tư xây dựng bến xe Thượng Lý, hoàn thành trong tháng 5/2015, với số vốn 50 tỷ đồng.

Ngày 13/5/2015, Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng ra văn bản hỏa tốc báo cáo UBND Thành phố về phương án đóng cửa bến Tam Bạc và điều chuyển hoạt động các tuyến vận tải khách về Thượng Lý vào 31/5. Việc di chuyển phải rời thời hạn vì doanh nghiệp phản đối dữ dội.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư