Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Năm xu thế lớn của thị trường công nghệ trong năm 2017
Nhã Nam - 21/12/2016 08:23
 
Hitachi vừa công bố một báo cáo trong đó nhấn mạnh 5 xu thế lớn của thị trường công nghệ trong năm 2017. Theo báo cáo này, tất cả mọi lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp đều được hưởng lợi ích khi khu vực châu Á Thái Bình Dương vươn lên dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.
TIN LIÊN QUAN

Hitachi Data Systems (HDS), một đơn vị thành viên thuộc sở hữu toàn bộ của Tập đoàn Hitachi, Ltd. (TSE:6501), vừa công bố một báo cáo quan trọng của hãng về xu thế kinh doanh và công nghệ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2017.

Theo ông Hubert Yoshida, Giám đốc Công nghệ của Hitachi Data Systems và ông Russell Skingsley, Giám đốc Công nghệ của Hitachi Data Systems tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số sẽ tiếp tục là vấn đề trọng tâm trong các chiến lược công nghệ thông tin của doanh nghiệp trong năm 2017, khi xuất hiện các xu thế mới trong một số lĩnh vực.

.
.

Kết quả khảo sát của Hitachi đã xác định được năm xu thế lớn của thị trường công nghệ trong năm 2017.

Theo đó, xu thế thứ nhất là để nâng cao năng suất lao động cần tập trung nhiều hơn vào con người, quy trình và kết quả kinh doanh.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), mặc dù có sự bùng nổ về công nghệ mới trong vòng 10 năm vừa qua, năng suất làm việc vẫn sụt giảm so với 10 năm trước. Và nguyên nhân, theo ông Yoshida, là do các quy trình mới không theo kịp được sự phát triển của công nghệ.

“Lợi ích lớn nhất mà một cơ sở hạ tầng và mô hình điện toán đám mây linh hoạt đem lại là khả năng cho phép những người am hiểu kinh doanh và có những ý tưởng kinh doanh sáng tạo nhất triển khai các dự án công nghệ của chính mình. Có nghĩa là sức mạnh sáng tạo được đặt vào tay những người có ý tưởng hay nhất”, ông Skingsley bổ sung thêm.

Xu thế thứ hai, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang môi trường điện toán đám mây

Theo ông Ed Anderson, Phó chủ tịch phụ trách Nghiên cứu của Gartner, các chiến lược ưu tiên ứng dụng điện toán đám mây đang đóng vai trò nền tảng để duy trì lợi thế cạnh tranh trong một thế giới biến động nhanh hiện nay.

“Rõ ràng là, mô hình điện toán đám mây chủ yếu trong tương lai gần sẽ là mô hình điện toán đám mây lai (hybrid cloud), bởi lẽ, dù hầu hết mọi người đều hiểu rõ những lợi ích về độ linh hoạt của môi trường điện toán đám mây nhưng lại chưa sẵn sàng chuyển đổi toàn bộ sang môi trường điện toán đám mây công cộng ở thời điểm hiện tại. Chúng tôi dự đoán, xu thế này sẽ tiếp tục được duy trì trong suốt cả năm 2017”, ông Skingsley bình luận.

Xu thế thứ ba, mô hình công nghệ thông tin lai (mô hình hai chế độ)

Mô hình công nghệ thông tin lai nhắc tới đến hai chế độ của mô hình công nghệ thông tin. Đó là Truyền thống - nhấn mạnh tính an toàn, chính xác và độ sẵn sàng; và Phi tuyến tính - nhấn mạnh độ linh hoạt và tốc độ.

Cũng giống như việc môi trường điện toán đám mây lai sẽ tiếp tục là mô hình phổ biến nhất trong những năm tới, mô hình công nghệ thông tin lai cũng sẽ tiếp tục là một mô hình cần thiết.

Xu thế thứ tư, một trung tâm dữ liệu tập trung

Dữ liệu đang ngày càng trở nên quý giá hơn. Một nghiên cứu mới đây của IDC đã cho thấy, 53% các tổ chức trong khu vực coi dữ liệu lớn và công nghệ phân tích dữ liệu có ý nghĩa quan trọng và đã ứng dụng hoặc có kế hoạch ứng dụng các công nghệ này trong tương lai gần. Các công ty đang tìm kiếm những cách thức mới để liên hệ và hợp nhất dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau nhằm có được nhiều thông tin hơn trong khi vẫn điều chỉnh mục đích của dữ liệu cũ để phục vụ nhiều nhu cầu sử dụng khác nhau.

Và xu thế thứ năm, đó là mức độ nhận thức ngày càng cao về IoT trong trung tâm dữ liệu.

Việc kết nối mạng cho vạn vật sẽ ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống, và mặc dù đây không phải là một xu thế lớn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm tới. Tuy nhiên, theo ông Yoshida, những quyết định về công nghệ thông tin mà chúng ta đưa ra vào năm 2017 cần phải tính đến cả IoT.

“Việc tích hợp môi trường CNTT (IT) và Công nghệ Vận hành (OT) với phân tích dữ liệu là bước đi đầu tiên. Hiện nay, IoT đòi hỏi các nhà khoa học và nhà nghiên cứu về dữ liệu có kiến thức chuyên môn sâu về lĩnh vực tên miền và hầu hết các dự án đang còn nằm trong giai đoạn PoC (proof-of-concept - chứng minh khả năng). Trong năm 2017, chúng ta sẽ chuyển sang một giai đoạn mà khi đó chúng ta sẽ có công thức để triển khai các dự án IoT”, ông Yoshida bình luận. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư