Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
10 năm chưa xây nhà máy, Xi măng Phú Sơn vẫn níu kéo
Thế Hoàng - 24/10/2017 08:59
 
Dự án Nhà máy Xi măng Phú Sơn (Ninh Bình), công suất 1,2 triệu tấn/năm, được cấp giấy phép đầu tư giữa năm 2007, nhưng đến nay chưa có nhà máy nào xuất hiện.
TIN LIÊN QUAN

Khởi công rầm rộ…

Dự án Xi măng Phú Sơn được đầu tư bởi Công ty cổ phần Xi măng Phú Sơn. Năm 2007, chủ đầu tư dự án được UBND tỉnh Ninh Bình chấp thuận chủ trương đầu tư. Đây là dự án liên doanh giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp Séc.

Theo kế hoạch được công bố từ gần chục năm trước, công trình xây dựng Nhà máy Xi măng Phú Sơn sẽ hoàn thành vào tháng 10/2010, chạy thử và bàn giao đưa vào sử dụng để đi vào sản xuất từ đầu năm 2011.

.
.

Kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư với tổng thầu xây dựng EPC (Tập đoàn INEKON Group - Cộng hoà Séc) và đã được Công ty cổ phần Xi măng Phú Sơn báo cáo cam kết với UBND tỉnh tại Công văn số 50/CV-XMPS ngày 10/6/2008. Trong văn bản ghi rõ, Nhà máy xi măng Phú Sơn sẽ được xây dựng trong thời gian 30 tháng, kể từ tháng 6/2008 đến tháng 12/2010, được phân ra làm 4 công đoạn.

Nhà máy Xi măng Phú Sơn giai đoạn I có vốn đầu tư theo thời giá tháng 8/2008 là 3.016 tỷ đồng. Trong đó, Công ty cổ phần Phú Sơn tham gia 20% tổng số vốn; BIDV tham gia tài trợ 20% và giữ vai trò làm đơn vị đại lý giải ngân, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Cộng hòa Séc (CEB) sẽ tham gia tài trợ 60% tổng vốn đầu tư, bao gồm chi phí nhập khẩu thiết bị từ Cộng hoà Séc và một phần chi phí trong nước.

Tại thời điểm đó, ông Nguyễn Hồng Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Phú Sơn cho biết, trên cơ sở kế hoạch xây dựng Nhà máy gồm 4 công đoạn trong thời gian 30 tháng, Công ty sẽ tập trung nhân lực, vật lực để chỉ đạo nhà thầu chính và các nhà thầu phụ thi công xây dựng công trình chính theo đúng kế hoạch, tiến độ, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, nhằm sớm đưa Nhà máy đi vào sản xuất

Chỉ trong một thời gian ngắn, chủ đầu tư tiến hành san lấp mặt bằng xong diện tích đất 34,6 ha để triển khai xây dựng nhà máy. Công ty cho xây dựng hệ thống tường rào bao quanh khu đất, văn phòng điều hành, tòa nhà 3 tầng, nhà máy nước, nhồi hàng trăm cọc bê tông…

Chủ đầu tư muốn gì?

Mới đây, ngày 11/9/2017, UBND tỉnh Ninh Bình đã có Văn bản số 600/UBND-VP4 thông báo thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư và quỹ đất của dự án Nhà máy Xi măng Phú Sơn do không triển khai đúng kế hoạch cam kết.

Tính từ năm 2009, sau khi tiến hành san lấp mặt bằng và xây dựng tường rào, không có gì thay đổi thêm ở khu vực Dự án.

Thậm chí, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Ninh Bình, Công hàm số 721/2013 ngày 28/3/2013 của Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Hà Nội về việc điều chỉnh tiến độ dự án Xi măng Phú Sơn, đưa Dự án Xi măng Phú Sơn vào danh mục các dự án dự kiến đầu tư giai đoạn 2012-2015 (tại Phụ lục I kèm theo Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011).

Nhưng sau đó, đã không có gì thay đổi, cho tới tận thời điểm hiện tại.

Ngày 16/09/2017, Công ty cổ phần Xi măng Phú Sơn lại có Văn bản số 22/CV-PS gửi UBND tỉnh Ninh Bình, giải trình lý do khó khăn về mặt tài chính dẫn đến sự chậm trễ trong xây dựng nhà máy thời gian dài vừa qua.

Một Dự án có mốc thời gian đầu tư, hoàn thành, nhưng không triển khai được thì hoàn toàn có thể đưa ra khỏi Quy hoạch.

Tại văn bản này, Công ty cam kết sẽ bắt đầu tiến hành lại hoạt động xây dựng Nhà máy Xi măng Phú Sơn từ ngày 20/11/2017. Công ty này cho biết, đến thời điểm hiện tại, Công ty đã thu xếp xong nguồn vốn bổ sung cho Dự án. Công ty sẽ giải trình trực tiếp nguyên nhân chậm tiến độ dẫn đến phải gia hạn tiến độ, đề xuất kế hoạch thi công phần còn lại của Dự án và mốc thời gian hoàn thành.

Tuy nhiên, cơ hội cho chủ đầu tư không còn nhiều. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho hay, Bộ đang tiến hành rà soát, thẩm định lại các dự án xi măng trong Quy hoạch 1488 để làm cơ sở lập quy hoạch mới.

“Đối với các dự án, trong đó có Nhà máy Xi măng Phú Sơn, chúng tôi sẽ xem xét tình hình triển khai đến đâu, để có tham mưu, đề xuất với Chính phủ. Cần thiết sẽ phải đề xuất loại bỏ Dự án ra khỏi Quy hoạch Xi măng”, ông Bắc nhấn mạnh.

Lý do là một dự án được đưa vào Quy hoạch và có mốc thời gian đầu tư, hoàn thành dự án, nhưng không triển khai được thì hoàn toàn có thể tính toán đưa ra khỏi Quy hoạch.

Hơn thế, đầu tư xi măng thời điểm này không còn “ngon ăn” như chục năm về trước, khi cầu luôn vượt nguồn cung. Các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu cũng đang vật vã tiêu thụ sản phẩm do nguồn cung dư thừa gần 30 chục triệu tấn.

Không hiểu Phú Sơn tính toán thế nào với một dự án đã trễ tiến độ và cả cơ hội tới cả chục năm trời?

Bình luận bài viết này
  • Bùi Văn Tưởng 13:33 | 08-03-2021
    Xin chào! Tôi là một người dân tại Phú Sơn, nhà tôi nằm ngay cạnh tường bao Nhà máy Xi măng Phú Sơn luôn, khi dự án này về năm 2007 lúc đó tôi còn đi học cấp 3 chưa hiểu nhiều, và người dân quê tôi cũng mong muốn có công việc làm nên đã đồng ý cho chủ đầu tư giải phóng mặt bằng, nhưng hiện tại tới này đã là năm 2021, đã có rất nhiều bài báo viết về dự án này, trong đó có VTV1 có về phỏng vấn và Chủ tịch xã Phú Sơn đã nói lên nguyện vọng người đân quê tôi là hiện nay không còn muốn nhà máy xi măng mọc lên nữa, vì dân quê tôi đã hiểu hơn về tác hại môi trường khi dự án đi vào hoạt động, bản thân tôi và người dân quê tôi rất mong muốn tỉnh Ninh Bình chuyển đổi dự án đầu tư xi măng sang dự án đầu tư khác không hoặc ít ảnh hưởng tới môi trường sống người đân lân cận, ví dự như nhà máy Vinacasai Ninh Bình sau khi đi vào hoạt động khu vực lân cận đã chịu ảnh hưởng về môi trường quá nặng nề. Tôi rất mong Báo Đầu tư tiêp tục quan tâm về dự án này, và mong muốn thay mặt người dân quê tôi nói lên nguyện vọng với UBND tỉnh Ninh Bình. Cho tới nay, dự án này vẫn luôn án binh bất động và là nơi chăn thả gia súc của người dân quê tôi, thực sự rất lãng phí. Xin cảm ơn!
Xem thêm trên Báo Đầu Tư