Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
15 Tập đoàn Hoa Kỳ tìm cơ hội hợp tác lĩnh vực hàng không với Việt Nam
Hà Minh - 28/04/2016 17:10
 
Tại Hội thảo về “Công nghệ và Dịch vụ Hàng không Việt Nam-Hoa Kỳ” do Phòng Thương vụ Hoa Kỳ thuộc Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh và Công ty công nghệ kỹ thuật Techgel TPHCM đồng tổ chức sáng 28/4 ở TP Đà Nẵng, 13 Tập đoàn, Tổng Công ty của Hoa Kỳ chuyên cung cấp các loại dịch vụ, khoa học công nghệ cho các hãng hàng không lớn trên thế giới đã đến tìm hiểu cơ hội hợp tác với ngành Hàng không Việt Nam.

Hội thảo cũng thu hút lãnh đạo Cục hàng không Việt Nam, các hãng hàng không tư nhân (Vietjet Air), Vietnam Airline, Star Airline… và khoảng 50 nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Việt Nam muốn tìm hiểu và tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, hiện nay, Việt Nam có 21 sân bay dân sự đang hoạt động, bao gồm: Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và gần đây là Cam Ranh. Sắp tới, sẽ có những cảng HKQT Phú Quốc, Cát Bi (Hải Phòng)…  Trong năm 2015, 21 sân bay này đang hoạt động với công suất khoảng 70 triệu hành khách/năm, nâng mức tăng trưởng vận chuyển đường hàng không 10 năm qua lên gần 15%/năm.

Các đại biểu, nhà đầu tư trao đổi bên hành lang Hội thảo. Ảnh: Hà Minh
Các đại biểu, nhà đầu tư trao đổi bên hành lang Hội thảo. Ảnh: Hà Minh

Theo ông Cường, giai đoạn từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, hàng không Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân) đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 10%/năm, số lượng hành khách đi máy bay đạt hơn 300 triệu vào năm 2030.

Theo kế hoạch, đến 2020 sẽ có 23 sân bay được khai thác (trong đó có 13 cảng HKQT), công suất 113 triệu lượt hành khách/năm. Hiện có có một thách thức lớn đối với cảng HKQT Tân Sơn Nhất TP HCM) theo ông Cường là quá tải do nhu cầu đi lại bằng máy bay của người dân ngày càng cao.

Vì vậy, Cục Hàng không đang cấp bách để nâng cao năng suất của cảng hàng không này. Theo kế hoạch, từ nay đến 2020, sẽ tăng từ 35-40 triệu hành khách/năm (hiện đã đạt 29 triệu hành khách/năm). Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2020, sẽ đầu tư cảng HKQT Long Thành đạt 25 triệu khách/năm, diện tích 5.000 ha để chia sẻ với Tân Sơn Nhất. Khi đưa vào hoạt động sẽ khai thác đồng thời cảng Tân Sơn Nhất và Long Thành.Theo công suất thiết kế, đến năm 2030, khi hoàn thành giai đoạn 2, cảng HKQT Long Thành sẽ đạt công suất khai thác từ 80 đến 100 triệu hành khách/năm với các loại máy bay hiện đại.

Tại miền Trung, theo ông Cường, sân bay Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) chưa được phát triển như như kỳ vọng, thời gian tới, Cục hàng không sẽ có hướng kêu gọi đầu tư để phát triển thành Trung tâm bảo dưỡng, sưa chữa máy bay và đào tạo phi công cho cả Việt Nam. Đồng thời, xây dựng nơi đây thành Trung tâm trung chuyển hàng hóa tầm cỡ khu vực và quốc tế…

Cũng theo ông Cường, tất cả những kế hoạch trên để đi đến một tổng kế hoạch đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 25 cảng hàng không, trong đó có 15 cảng HKQT, công suất 282 triệu lượt hành khách/năm.

Ông Cường hy vọng thông qua Hội thảo lần này, đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty đến từ Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như các nhà đầu tư sẽ hứng thú với những danh mục đầu tư ở các sân bay hiện hữu và sân bay xây dựng mới trong tương lai mà pháp luật Việt Nam cho phép.

Đáp lại những thiện chí kêu gọi đó từ Cục hàng không Việt Nam, đại diện lãnh đạo Công ty Honey Well tại Việt Nam mong muốn được hợp tác cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hàng không vũ trụ; các công nghệ điều khiển cho tòa nhà, động cơ phụ máy bay… cho các thị trường quan trọng từ xăng, dầu tới ô tô và hàng không vũ trụ để hỗ trợ Việt Nam thành một đất nước xanh hơn, an toàn và tiết kiệm năng lượng.

Tập đoàn Parsons có trụ sở tại Hồng Kông có mặt tại Hội thảo cũng mong muốn được cung cấp các giải pháp tài trợ vốn toàn dự án mà Việt Nam cho phép, bao gồm: tư vấn chiến lược, nghiên cứu khả thi, hoạch định, thiết kế, xây dựng, tổng thầu xây dựng công trình (EPC)…

Ngoài ra, Tập đoàn Pratt & Whitney của Hoa Kỳ, Tập đoàn dẫn đầu thế giới về cung cấp thiết kế, chế tạo và dịch vụ cho động cơ máy bay và các hệ thống năng lượng phụ trợ cũng đặc biệt quan tâm đến việc nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không quốc tế, quốc nội của Việt Nam và việc mua sắm, trang bị các loại máy bay mới chất lượng, an toàn của các hãng hàng không Nhà nước và tư nhân của Việt Nam.

Là diễn giả từ đầu đến cuối Hội thảo, bà Rena Biter, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh ghi nhận những đề xuất của Cục hàng không Việt Nam và mong muốn hợp tác làm ăn của các Tập đoàn đến từ Hoa Kỳ.

Theo bà Rene Biter, do nhu cầu đi lại bằng đường hàng không và việc xây dựng nhiều sân bay mới ngày càng cấp thiết tại Việt Nam, Việt Nam rất cần các công nghệ hàng không, thiết bị, dịch vụ thiết kế kỹ thuật.

Hội thảo lần này sẽ kết nối  các nhà phát triển dựa án hàng không tại Việt Nam với công nghệ hàng không tiên tiến nhất và các nhà cung cấp thiết bị của Hoa Kỳ, Đồng thời, đây cũng là cơ hội chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động hàng không bao gồm việc ứng dụng các công nghệ, dịch vụ tiên tiến nhất trong lĩnh vực xây dựng và vận hành cảng hàng không. Tại hội thảo, thông qua nhiều hình thức gợp gớ, các cơ hội hợp tác giữ các công ty trong ngành hàng không các nước đã được trao đổi đầy đủ và chi tiết.

Hải Phòng xúc tiến mở thêm các tuyến hàng không mới
Để chuẩn bị cho việc khánh thành và đưa khu bay, Nhà ga hàng không của Cảng hàng không quốc tế Cát Bi vào hoạt động và khai thác hiệu quả, sáng nay...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư