Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
170.000 tỷ đồng trái phiếu bổ sung sẽ đầu tư vào đâu?
Hà Tâm - 24/10/2013 14:39
 
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng nay (24/10), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, việc nâng bội chi ngân sách lên 5,3% vào năm 2014 và bổ sung 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 là cần thiết. Đồng thời cam kết, nguồn vốn trên sẽ được rót vào những công trình, dự án trọng điểm, thiết thực. >>> Phát hành thêm 170.000 tỷ đồng “vốn mồi” >>> Ngân sách "cầm chắc" hụt thu hơn 63.000 tỷ đồng

Chính phủ vừa đề nghị Quốc hội cho phép nâng bội chi ngân sách năm 2014 lên 5,3% và phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng vốn TPCP trong giai đoạn 2014-2016. Trong đó, không bao gồm 75.000 tỷ đồng đã có trong kế hoạch 2012-2015.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay: “Hiện chúng ta đang có hàng nghìn công trình của các giai đoạn trước đang làm dở dang, nếu không hoàn thành để đưa vào sử dụng thì sẽ rất lãng phí, nền kinh tế không có nguồn lực mới. Còn nếu bỏ thêm một ít chi phí nữa để đưa vào sử dụng thì sẽ tạo nguồn lực mới cho kinh tế đất nước phát triển. Ví dụ, nếu dự án quốc lộ 1A hoàn thành thì sẽ khiến lưu thông của nền kinh tế tăng lên, tăng trưởng GDP nhờ vậy cũng sẽ tăng. Hay nếu chúng ta có vốn đối ứng để đưa vào giải phóng được 20 tỷ USD vốn ODA những năm tới thì tạo nguồn lực rất lớn cho xã hội”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh bên hành lang Quốc hội (Ảnh: Đức Thanh)

Bộ trưởng khẳng định, đề xuất của Chính phủ lần này về phát hành thêm trái phiếu Chính phủ rất quan trọng, thiết thực, không phân bổ tràn lan mà có trọng tâm, trọng điểm vào những công trình, dự án thiết thực. Do đó, Quốc hội nên thông qua đề xuất này.

Tán thành đề xuất tăng đầu tư công của Chính phủ, Ts. Trần Du Lịch, đại biểu quốc hội Tp.HCM cho rằng, trong điều kiện nền kinh tế bị nghẽn tín dụng, muốn tăng tổng cầu, tạo lan tỏa cho nền kinh tế, trước mắt cần tăng đầu tư công.

“Hiện nay, một số công trình bức xúc thấy rõ về vốn nhưng không có nguồn để triển khai. Tuy nhiên, cùng với tăng bội chi, phát hành thêm trái phiếu chính phủ, cần có cơ chế giám sát đặc biệt. Đồng thời, phải đánh giá nguyên nhân tại sao nợ đọng xây dựng cơ bản lại lên trên 90.000 tỷ đồng. Tôi cho rằng, cần phân loại các dự án dang dở để xử lý. Những dự án nằm trong kế hoạch, có bố trí vốn ngân sách nhưng thiếu nguồn thì phải ưu tiên. Những dự án nằm trong kế hoạch xây dựng những năm sau nhưng địa phương, ngành thực hiện trước thì trừ vào vốn những năm sau. Những dự án xây dựng tùy tiện thì phải xử lý trách nhiệm cán bộ”, ông Lịch đề xuất.

Được biết, với tổng mức vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung 170 nghìn tỷ đồng, Chính phủ đề xuất bố trí 61,68 nghìn tỷ đồng đầu tư dự án Quốc Lộ 1A và Quốc lộ 14 (Đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên).
Tiếp theo, sẽ bổ sung vốn cho các dự án đang đầu tư dở dang bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 2011-2015 để thúc đẩy tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng 73,32 nghìn tỷ đồng.
20 nghìn tỷ đồng khác sẽ được sử dụng làm vốn đối ứng các dự án ODA, là phần vốn đối ứng cho các dự án do các bộ, ngành cơ quan Trung ương quản lý và hỗ trợ các địa phương nghèo, khó khăn theo Quyết định 60/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, 15 nghìn tỷ đồng sẽ được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tập trung chủ yếu cho các xã nghèo thuộc các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc và các vùng khó khăn khác.
Nếu kế hoạch này được thông qua, dự kiến có thêm khoảng 75% dự án giao thông, thủy lợi, các bệnh viện đang đầu tư dở dang trong kế hoạch trái phiếu Chính phủ 2011-2015 được bổ sung đủ vốn để hoàn thành; phát huy được hiệu quả nguồn vốn đã đầu tư.
Ông Cao Sĩ Kiêm, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, việc siết đầu tư công thời gian qua có hiệu quả tích cực song cũng khiến nhiều DN vạ lây. Nhiều dự án sắp hoàn thành trở nên dang dở, lãng phí. Do đó, nếu phát hành thêm trái phiếu chính phủ, tăng bội chi, ngoài ưu tiên vốn cho các công trình trọng điểm, Chính phủ cũng phải ưu tiên trả nợ xây dựng cơ bản cho DN.

Được biết, theo tính toán của một đại biểu quốc hội tỉnh Lai Châu, tăng trưởng GDP phụ thuộc vào 3 yếu tố: năng suất lao động, vốn đầu tư và năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP). Ở nước ta, yếu tố vốn đầu tư tạo ra tới 57-60% tăng trưởng GDP song tổng đầu tư xã hội lại sụt giảm khá nhanh những năm qua. Do đó, nếu không tăng đầu tư công, kinh tế sẽ ngả từ sắc hồng nhẹ hiện nay sang sắc xám những năm sau.

Ngân sách "cầm chắc" hụt thu hơn 63.000 tỷ đồng
Bức tranh tổng thể về ngân khố quốc gia năm 2013 vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước Quốc hội cho thấy, mặc dù...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư