Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
3 cổ phiếu cần quan tâm ngày 18/1
 
Đầu tư xin trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 18/1 của các công ty chứng khoán.

1. Xem xét mua vào cổ phiếu VCB

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đã xuất hiện tín hiệu cho thấy khả năng hình thành nhịp tăng ngắn hạn, khi đường giá cắt ra biên trên của Bollinger Bands, đồng thời hai biên đang mở rộng ra. Trước đó, VCB đã phá vỡ vùng kháng cự ngắn hạn 35-36, với khối lượng giao dịch đột biến và gấp 2 lần mức bình quân 20 phiên.

Tuy nhiên, giá VCB cũng đang tiếp cận đến vùng cản 38,5-39, vùng có sự hiện diện của ngưỡng Fibonacci Retracement 50% (của nhịp giảm từ tháng 8/2016 đến 12/2016) và các đỉnh/đáy xác lập trong nhiều giai đoạn trước đó. Do đó, nhịp tăng của VCB đang tạm thời chững lại khi chạm đến vùng kháng cự này.

Khả năng duy trì xu hướng tăng (được xác lập bởi các tín hiệu kỹ thuật như đề cập ở trên) sẽ phụ thuộc vào mức độ tích cực của khối lượng giao dịch trong các phiên giao dịch sắp tới.

Nhà đầu tư có thể xem xét mua VCB khi điều chỉnh về vùng hỗ trợ 36-37 với giá mục tiêu kỳ vọng là 41- 42 và giá cắt lỗ là dưới 35.

2. Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu SFG

CTCK BIDV (BSC)

Kết thúc năm 2016, tổng sản lượng tiêu thụ CTCP Phân bón Miền Nam (mã SFG) tăng khoảng 10%, doanh thu thuần tăng khoảng 1%, đạt khoảng 2.361 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 110 tỷ đồng trong năm 2016 (tăng 4% so với năm trước) và hoàn thành kế hoạch năm, tương đương EPS là 1.694 đồng/cp.

Kết quả kinh doanh năm 2016 tăng trưởng chậm do hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu và giá phân bón liên tục giảm do dư cung. Giá NPK trung bình năm 2016 của công ty giảm 5-7% so với mức giá này năm 2015.

Công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần tăng trưởng 10% trong năm 2017, đạt khoảng 2.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế kế hoạch tương đương mức thực hiện năm 2016, đạt 110 tỷ đồng.

Chúng tôi dự báo, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2017 đạt lần lượt là 2.591 tỷ đồng (tăng trưởng 10%) và 99 tỷ đồng (tăng trưởng 12%), tương đương EPS 2017 là 1.916 đồng/cp. Dự báo của chúng tôi chưa tính đến việc giá phân bón có thể phục hồi trong năm 2017 và kỳ vọng thay đổi chính sách thuế VAT đầu vào đối với các doanh nghiệp phân bón. Chi phí thuế VAT đầu vào ước tính trong năm 2016 của SFG khoảng 45 tỷ đồng.

Nhận định cổ phiếu SFG thanh khoản tương đối ít và vận động giá chưa thực sự rõ ràng trong biên độ lớn. Chỉ số Beta trong quá khứ cho biết cổ phiếu hầu như không ảnh hưởng bởi xu hướng thị trường chung, chỉ số Beta đạt giá trị khá thấp ở mức -1.93 gần đâu cho thấy SFG đang vận động ngược chiều xu hướng thị trường và nhạy.

Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư thực hiện nắm giữ SFG trong biên độ giá 10.7-11.3 nếu có sự hỗ trợ thêm của yếu tố thanh khoản thị trường và biến động giá ổn định hơn và rõ ràng về mặt xu hướng. Mức kháng cự tại 12.2, vùng giá hỗ trợ 10.4.

3. Khuyến nghị mua mạnh cổ phiếu DBD

CTCK BIDV (BSC)

CTCP Dược – Trang Thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar, mã DBD) cho biết, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế năm 2016 ước đạt lần lượt là 1.500 tỷ đồng (tăng 22% so với năm trước) và 170 tỷ đồng, tương đương EPS 2016 là 2.596 đồng/cp.

Chúng tôi dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2017 của Công ty đạt lần lượt là 1.630 tỷ đồng (tăng trưởng 9%) và 152 tỷ đồng (tăng trưởng 12%), tương đương EPS 2017 là 2.909 đồng/cp.

Bidiphar sẽ là nhà sản xuất tân dược lớn thứ 2 xét về doanh thu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, sau DHG. 9 tháng đầu năm 2016, tổng doanh thu của Công ty đạt 1000 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ), cao hơn DMC (đạt 897 tỷ đồng). Công nghệ sản xuất hiện đại nhất cả nước cùng danh mục thuốc đặc trị, có giá trị cao sẽ là yếu tố thu hút sự chú ý của các công ty dược phẩm ngoại.

2 dòng sản phẩm chủ lực của DBD là thuốc ung thư và thuốc đông khô, chiếm khoảng 27% tổng doanh thu. Công suất sản xuất 2 dòng sản phẩm này tiếp tục tăng nhờ đầu tư nhà máy Bidiphar công nghệ cao. Nhu cầu tiêu thụ tăng nhanh, đặc biệt trong phân khúc thuốc ung thư. Tính trung bình, mỗi ngày có khoảng 315 trường hợp tử vong vì căn bệnh ung thư. Số ca nhiễm bệnh mới được dự báo tăng lên tới 190.000 người vào năm 2020.

Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị Mua mạnh cổ phiếu DBD với giá mục tiêu là 42.800 đồng/cp, upside 71%.

Diễn biến các cổ phiếu cần quan tâm tuần qua: VIB không "hot", giảm gần 11% cả tuần
Sự dẫn dắt của các cổ phiếu lớn đã giúp chỉ số Vn-Index đã có được mốc 685 điểm trong tuần qua. Trong khi đó, hầu hết các mã được CTCK...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư