CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS)

CTCP Vĩnh Hoàn (mã VHC) tiếp tục có một quý nữa kinh doanh gặp khó khăn khi doanh thu thuần trong quý II/2017 tăng nhẹ 11%, đạt 2.360 tỷ đồng thì lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 581 tỷ đồng (giảm 33% so với cùng kỳ). Điều này lý giải do giá cá tra nguyên liệu tăng cao từ quý III/2016 kéo dài đến tháng 4/2017 (tăng từ 21.000 đồng/kg lên gần 26.000 đồng/kg).

Mặc dù đã tự chủ được 60-65% cá tra nguyên liệu nhưng với việc giá cá tra đầu vào “tăng nóng” trong thời gian gần đây đã đẩy giá thành của VHC trong 2 quý đầu tiên lên khá cao, hệ quả là biên lãi gộp của VHC chỉ còn ở mức 13,2% so với con số 14,7% cả năm 2016.

Về thị trường đầu ra, Trung Quốc chính thức vượt mặt Mỹ trở thành nước nhập khẩu cá tra nhiều nhất ở Việt Nam. Trong khi đó, Mỹ và EU đang áp đặt một loạt biện pháp bảo hộ cá thịt trắng tại nước này như đạo luật Farm Bill của Mỹ hay chiến lược quảng bá cá tra nuôi tại Việt Nam có hại cho sức khỏe của EU.

Việc tăng trưởng ở những thị trường mới Trung Quốc, Nhật Bản, Mexico… đã cân bằng xuất khẩu giảm ở những thị trường cũ Mỹ, EU…, do đó doanh thu xuất khẩu cá tra trong 2 quý đầu năm không tăng trưởng, và VHC cũng không phải ngoại lệ.

Xét về dài hạn, VHC vẫn có những dấu hiệu tích cực như nâng cao khả năng tự chủ nguyên liệu từ 60-65% lên 80%, điều này có thể giúp đảm bảo ổn định biên gộp; sản phẩm collagen và gelatin chiết xuất từ cá tra đạt 1,92 triệu USD doanh thu chỉ trong 2 quý đầu năm trong khi cả năm ngoái sản phẩm làm đẹp này mới chỉ có 1 triệu USD doanh thu; giá cá tra nguyên liệu đã ổn định và đang có xu hướng giảm do bước vào mua thu hoạch nên cung cá tra ra thị trường tăng nhanh.

Xét về phân tích kỹ thuật, giá cổ phiếu đang ổn định quanh mốc 50.000 giảm 16% từ 60.000 sau khi kết quả kinh doanh quý 2 được công bố. Nếu xét thời gian rộng hơn và biên độ rộng hơn, VHC đã đi ngang quan vùng giá 45.500 - 60.000 trong vòng 1 năm gần đây.

Do đó, ngưỡng cản 45.500 sẽ khá đáng chú ý trong bối cảnh có những thông tin không tích cực trong ngắn hạn như cơ quan giám sát USDA kiểm tra tất cả lô cá tra nhập khẩu vào Mỹ từ tháng 8. Do đó, chúng tôi khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu VHC và sẽ cập nhật khi có thông tin mới nhất.

2. Khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu PHR

CTCK BIDV (BSC)

Giá cao su thanh lý cao hơn đáng kể so với kỳ vọng trước đây, đạt 250 triệu/ha, so với mức 160 triệu cùng kỳ và so với kỳ vọng 220 triệu của chúng tôi giả định.

VSIP 3 dự kiến bồi thường 1 tỷ đồng/ha đối với 691 ha thu hồi từ vườn cao su của Phước Hòa. Dự kiến sẽ chuyển nhượng 300 ha trong 2017 và 391 ha trong 2018. Ngoài ra, Phước Hòa được hưởng 20% lợi nhuận của VSIP 3 trong suốt vòng đời dự án.

BSC cho rằng giá cổ phiếu Phước Hòa thời điểm hiện tại đã phản ánh một phần những thông tin tích cực đột biến, bao gồm cả phần lợi nhuận từ việc VSIP bồi thường, cũng như thông tin thoái vốn khỏi NTC.

BSC cho rằng PHR sẽ được chấp nhận ở mức giá cao hơn khi những thông tin nói trên dần được công bố chính thức, theo đó, chúng tôi khuyến nghị theo dõi cổ phiếu PHR với mức giá mục tiêu 12 tháng là 45.900 đồng/CP.
Đồng thờim ước tính trong 2017 Phước Hòa có thể ghi nhận 1.465 tỷ đồng doanh thu (tăng 24,3% so với năm trước) và 373,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 67,2% so với năm trước).

3. Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu BMP

CTCK Maritime (MSI)

Doanh thu của CTCP Nhựa Bình Minh (mã BMP) vẫn tăng trưởng ổn định nhờ vào các chính sách linh hoạt sát với tình hình và nhu cầu của thị trường, quy mô sản xuất lớn và năng suất lao động cao, doanh số tiêu thụ luôn được đảm bảo tốt, chính sách chiết khấu cho đại lý hợp lý và chế độ chăm sóc khách hàng tốt … BMP có lịch sử chi trả cổ tức (tiền mặt) rất đều đặn với mức cổ tức và tỷ suất cổ tức cao.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2 của nhà máy Bình Minh Long An được Công ty nỗ lực hoàn thiện trong năm 2017 nhằm đánh dấu kỷ niệm 40 năm thành lập doanh nghiệp, góp phần tăng năng lực sản xuất của Bình Minh, đặc biệt là mảng phụ tùng ống nước, đáp ứng được nhu cầu vẫn còn đang rất cao của thị trường.

Về cơ cấu nợ của BMP hoàn toàn là nợ ngắn hạn, chủ yếu là khoản khách hàng ký quỹ đặt cọc để được mua hàng trả chậm, các khoản dự phòng (nợ xấu, truy thu thuế …) cũng đã được trích lập đầy đủ. Công ty vẫn tiếp tục khuyến khích khách hàng dùng hình thức chiết khấu thanh toán ngay nhằm giảm thiểu rủi ro thu hồi nợ có thể xảy ra trong tương lai.

Mặt khác, BMP hiện chưa cần dùng nguồn vốn bên ngoài mà có thể tự trang trải cho tất cả các khoản đầu tư ngắn hạn, dài hạn của Công ty, nhờ vào những nguồn sau (tính lũy kế đến hết tháng 06/2017): lượng tiền và tương đương tiền là 352 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển 1.171 tỷ đồng, và lũy kế lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 307 tỷ đồng. Sở hữu lượng tiền mặt dồi dào nên rủi ro thanh khoản của Công ty gần như không có. Dư địa mở rộng quy mô sản xuất của Công ty vẫn còn rất lớn.

Hệ thống phân phối lên đến 1.536 đại lý trên cả nước với tiềm năng tăng trưởng vẫn tích cực trong dài hạn được đánh giá là một trong những lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ của BMP.

Tuy nhiên, thách thức đối với BMP là giá nguyên vật liệu biến động tăng trong giai đoạn đầu năm 2017 tác động tiêu cực đến lợi nhuận cả năm của Công ty.

Thêm vào đó, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ và đáng chú ý là việc gia nhập thị trường ống nhựa của HSG, một doanh nghiệp có lợi thế sẵn có về hệ thống phân phối rộng khắp cũng như chính sách chiết khấu cao cho đại lý.

Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị giữ cổ phiếu BMP với giá mục tiêu là 89.710 đồng/cp cho mục tiêu ngắn hạn. Tuy nhiên trong trung và dài hạn, chúng tôi khuyến nghị mua với lợi thế về thương hiệu, hệ thống phân phối mạnh và khả năng tăng trưởng giá vẫn còn tích cực.