CTCK Bảo Việt (BVSC)

Kết quả kinh doanh năm 2017 của CTCP Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (mã PVS) khả năng sẽ sụt giảm khá mạnh so với cùng kỳ và khó tăng trưởng trong năm 2018 nếu PXS chưa thành công ty con của PVS trong thời gian này.

Tuy nhiên, nếu giá PXS giảm về vùng 9.000 đồng/CP thì chúng tôi đánh giá đây là một cơ hội khá hấp dẫn để tích lũy cho đầu tư dài hạn.

Tại mức giá này, tỷ suất cổ tức là 8,89% (mức cổ tức theo kế hoạch năm 2017. Tỷ suất cổ tức tính theo tỷ lệ cổ tức năm 2016 là 14,44%) cao hơn mức lãi suất tiền gửi. Với mức giá này thì P/B chỉ còn ở mức 0,64, là mức khá thấp. Chúng tôi sẽ cập nhật thêm khi có tin tức liên quan đến hoạt động tái cơ cấu.

2. Khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu DRC

CTCK Bảo Việt (BVSC)

CTCP Cao su Đà Nẵng (mã DRC) là doanh nghiệp săm lốp tốt nhất trong ngành, thương hiệu lâu năm và quản trị minh bạch.

Đơn hàng xuất khẩu lốp Radial tăng mạnh, giá bán ngày càng cải thiện và gần như chắc chắn công suất giai đoạn 1 sẽ được lấp đầy trong năm nay.

Bên cạnh đó, Trung Quốc không bị đánh thuế bán phá giá đối với lốp Radial xe tải vào thị trường Mỹ sẽ giảm rủi ro cho ngành săm lốp Việt Nam.

Biên lợi nhuận nửa cuối 2017 của DRC sẽ dần được cải thiện với xu hướng giảm lại của giá cao su như hiện nay.

Suất cổ tức hấp dẫn 9% và P/E forward 9,6 lần là rất hấp dẫn đối với một cổ phiếu bluechip, vì DRC đang thực hiện khấu hao nhanh nhà máy Radial. Giả định trường hợp DRC khấu hao bình thường như CSM, thì P/E forward chỉ ở mức 8,1 lần.

Giá cổ phiếu DRC đã giảm mạnh trong nhiều tháng gần đây do nhiều thông tin tiêu cực về giá đầu vào và yếu tố cạnh tranh. Tuy nhiên, với những tín hiệu tích cực từ hoạt động sản xuất kinh doanh, BVSC cho rằng đây là thời điểm tốt để bắt đầu xem xét và tích luỹ cổ phiếu DRC, khuyến nghị OUTPERFORM với giá mục tiêu 37.400 đồng/CP.

3. Giá mục tiêu của VGC là 15.678 đồng/CP

CTCK Vietcombank (VCBS)

Năm 2016, doanh thu thuần của Tổng công ty Viglacera – CTCP (mã VGC) đạt 8.077,8 tỷ đồng (tăng 3,3% so với năm trước, hoàn thành 98% kế hoạch), lợi nhuận trước thuế tăng trưởng mạnh mẽ đạt 765,6 tỷ đồng (tăng trưởng 46%, hoàn thành 137% kế hoạch).

Động lực tăng trưởng đến từ nhóm sản xuất vật liệu xây dựng. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh bất động sản chưa có nhiều khởi sắc.

Tiển vọng của VGC là tăng trưởng mảng gạch ốp lát tập trung tại việc mở rộng công suất granite tại nhà máy Mỹ Đức. Mảng gạch ngói sẽ có chuyển biến tích cực khi chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ gạch xây sang ngói và tăng cường đầu tư sản phẩm gạch clinker mới.

Trong khi đó, các mảng kính xây dựng, sứ vệ sinh sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực nhờ (1) các dự án mới đi vào hoạt động, tăng công suất tạo ra nguồn thu mới, (2) điều chỉnh cơ cấu sang các mặt hàng có giá trị cao hơn, tối ưu hóa biên lợi nhuận, (3) các sản phẩm mới bao gồm kính LowE và siêu trắng có những lợi thế nhất định.

Mảng bất động sản khu công nghiệp sẽ tăng trưởng tốt hơn trong năm 2017 khi Khu công nghiệp Yên Phong mở rộng bước đầu được triển khai, dự kiến VGC sẽ thu về 700 tỷ đồng tiền thuê đất từ Samsung trong năm nay.

Mảng bất động sản nhà ở chưa có nhiều biến chuyển bởi các dự án nhà ở lớn vẫn đang trong giai đoạn đầu tư, dự kiến điểm rơi lợi nhuận mảng này sẽ tập trung trong năm 2018-2019.

Theo chỉ đạo của nhà nước, Bộ xây dựng sẽ hạ tỷ lệ sở hữu tại VGC xuống còn 51% qua phương thức phát hành. Điều này có thể gây ra rủi ro pha loãng đối với cổ phiếu VGC.

Dự báo năm 2017, VGC có thể đạt được 9.299 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng 15,1% so với năm trước), và 1.030 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 46% so với năm trước).

EPS forward ước đạt 1.545 đồng/cp sau phát hành. Dựa trên 3 phương pháp định giá, chúng tôi đưa ra giá mục tiêu sau đợt đấu giá cho VGC đạt 15.678 đồng/CP.