Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
30 năm đổi mới kinh tế: Khát vọng sống và hành trình đột phá tư duy (Bài 1)
Bảo Duy - 23/12/2015 11:29
 
Một trong những thành công lớn nhất của công cuộc Đổi mới năm 1986 của Việt Nam là đưa được khái niệm “kinh tế nhiều thành phần” vào Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI, tạo nên bước đột phá của kinh tế Việt Nam sau giai đoạn “cải tạo tư bản”. Kể từ đó, từ khóa của Đổi mới gắn liền với bước tiến của tư duy về kinh tế thị trường và kinh tế tư nhân. Báo Đầu tư trân trọng giới thiệu loạt bài về 30 năm Đổi mới kinh tế.

Bài 1: Từ khóa của Đổi mới là kinh tế tư nhân

Chuyến đi về vùng ký ức

Câu chuyện 30 năm đổi mới kinh tế với ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bỗng xuất hiện “nhân vật” không ngờ tới – đó là Cuba.

Ông Vũ Tiến Lộc và “nhân vật đặc biệt” cùng trở về sau một chuyến bay dài 27 tiếng vòng quanh trái đất, trong đoàn tháp tùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại NewYork (Mỹ), đồng thời thăm chính thức Cộng hòa Cuba hồi tháng 9/2015.

.
Thủ tướng Phan Văn Khải trong ngày công bố quyết định lấy ngày 13/10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam

“Chúng tôi đã đến New York – một thành phố 8 triệu dân, GDP 1.000 tỷ USD, không có doanh nghiệp nhà nước. Chúng tôi cũng đã có mặt ở Havana, thủ đô của đất nước 11 triệu dân, GDP 70 tỷ USD (theo cách tính của Cuba là 1 USD = 0,9 Peso) và không có doanh nghiệp tư nhân, vẫn đang áp dụng chế độ tem phiếu. Khi làm việc với Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Cuba, ông ấy vẫn nói về việc phải ưu tiên phát triển doanh nghiệp nhà nước. Khái niệm về một môi trường kinh doanh bình đẳng chưa có”, ông Lộc kể với giọng nói đầy hào hứng bởi những gì vừa trải qua, mà ông gọi là chuyến đi ngược thời gian về Việt Nam 25-30 năm trước trong tư duy kinh tế.

Không phải bỗng nhiên, Cuba được ông Lộc nhắc tới với tên gọi nền kinh tế không có doanh nghiệp tư nhân. Với ông, NewYork là điển hình của nền kinh tế thị trường, trong khi Cuba là một trong số ít mẫu hình của kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp còn tồn tại. Họ bắt đầu nói về sự thay đổi, dù chưa phải cách nói Đổi mới như Việt Nam, chỉ là cập nhật mô hình kinh tế - một cách nói thận trọng hơn rất nhiều - nhưng chứa đựng sống động hình ảnh của kinh tế Việt Nam 30 năm trước. Khi đó, với những bước trăn trở đầu tiên của Đổi mới, Đại hội Đảng lần thứ VI bắt đầu nhắc tới khái niệm kinh tế nhiều thành phần. Rất nhiều năm sau, kinh tế thị trường rồi kinh tế tư nhân mới lần lần xuất hiện trong các văn kiện chính thức của Đảng, mở đầu cho những bước đột phá về tư duy phát triển kinh tế.

“Ai cũng nhìn thấy sự tương phản của hai thể chế kinh tế. Sự phát triển của thế giới đã chỉ ra rằng, ở đâu chọn kinh tế tư nhân là động lực thì ở đó kinh tế phát triển. Khu vực doanh nghiệp nhà nước có vai trò rất quan trọng, nhưng doanh nghiệp tư nhân phải là động lực của phát triển, không thể khác”, ông Lộc nói.

Vị thế không thể khác của kinh tế tư nhân này đang được nhắc tới nhiều hơn, mạnh mẽ hơn trong Hiến pháp năm 2013, trong Nghị quyết 09/NQ-TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 9/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong thông điệp của những người lãnh đạo cao nhất của đất nước. Nhưng đây không phải là một sự tất yếu của lịch sử.

Nhu cầu sống và vươn lên

Phần lớn doanh nhân tên tuổi của Việt Nam hôm nay, những người đang góp công của, trí tuệ đưa nền kinh tế Việt Nam bước vào nhóm thu nhập trung bình, có tiếng nói trong thị trường xuất khẩu nhiều mặt hàng… là nhân chứng của cuộc hoài thai khó khăn của khu vực kinh tế tư nhân 30 năm qua, từ giai đoạn “đào tận gốc, trốc tận rễ” – cải tạo tư bản những năm sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đến những phép thử đầu tiên với cơ chế thị trường những năm 90 của thế kỷ trước.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải là một trong số đó. Ông kể, thời bắt đầu làm ăn, ông và những người kinh doanh luôn trong tâm thế “chân trong – chân ngoài”. Trong và ngoài trong câu chuyện của ông Dương và những doanh nhân thời đó không chỉ là “trong nhà nước - ngoài tư nhân”, mà còn là “trong tù -ngoài gia đình”.

Cũng khó trách thời cuộc. Chặng đường chuyển đổi của nền kinh tế, thực chất là cuộc đấu tranh về tư duy quản lý, nên có do dự, lần chần, không thể tránh những sai sót, chưa đồng bộ của cơ chế, chính sách. Cuộc đời chìm nổi của Vua lốp Nguyễn Văn Chẩn ở Hà Nội chỉ là ví dụ hay được nhắc tới. Số đông người dân kinh doanh giai đoạn này đều phải bươn trải, cũng trả giá, có người phải đánh đổi cả cuộc đời. Thành công tới hôm nay như ông Dương là không nhiều.

“Cũng có người hỏi, tại sao chúng tôi có được niềm đam mê và sự quyết liệt đi tới ngày hôm nay. Động lực của chúng tôi là động lực của con người – phải sống và vươn lên”, ông Dương chia sẻ.

Thực tế 30 năm đổi mới của Việt Nam cho thấy, nhu cầu sống và vươn lên đã tạo nên những cơn sóng ngầm trong nền kinh tế Việt Nam đêm trước Đổi mới. Có những người thành công, nhưng không ít người đã chấp nhận trở thành những viên gạch lát đường, nhưng nỗ lực của họ đã tác động tới nhận thức, tư duy của những người lãnh đạo cao nhất của đất nước qua từng thời kỳ.

Lịch sử đã ghi nhận một sự kiện đặc biệt, chỉ 6 tháng trước khi Đại hội Đảng lần thứ VI khai mạc, đó là quyết định soạn lại báo cáo chính trị Đại hội Đảng do đích thân Tổng bí thư Trường Chinh trực tiếp chỉ đạo và thực hiện. Những đòi hỏi tất yếu từ thực tế cuộc sống đã phá vỡ tư duy giáo điều, xơ cứng trong tư duy quản lý thời đó.

Để tiếp sau, công cuộc Đổi mới được phát động vào năm 1986, chính thức được thể chế hóa trong các đạo luật về kinh doanh vào đầu năm những năm 90 của thế kỷ XX, những doanh nghiệp đầu tiên của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam chính thức bước ra ánh sáng.

Chỉ trong 10 năm, kể từ sau khi có Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 - 1991, Việt Nam lần đầu có khoảng 40.000 doanh nghiệp không thuộc nhà nước.

“Vua tôm” Lê Văn Quang – người đứng thứ 54 trong Top 100  người có ảnh hưởng nhất đến ngành thủy sản toàn cầu; “Vua mít” Nguyễn Lâm Viên – người phá vỡ mọi rào cản, đưa sản phẩm hoa quả sấy khô Việt Nam ra thế giới; hay gia nghiệp ông “nâng niu bàn chân Việt” Vưu Khải Thành Bitis… đều bắt đầu chính trong giai đoạn này.

Ở ngoài Bắc, đây cũng là thời điểm khởi nghiệp của doanh nhân Trương Gia Bình với FPT - thương hiệu đưa Việt Nam vào bản đồ của thị trường phần mềm thế giới; Phạm Đình Đoàn với Tập đoàn Phú Thái – khai mở lĩnh vực phân phối hiện đại, Vũ Văn Tiền với Geleximco, Trần Đình Long với Hòa Phát trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, bất động sản...

Nhưng cuộc cách mạng tư duy về quyền kinh doanh của người dân chỉ thực sự bắt đầu bằng Luật Doanh nghiệp năm 1999. Hàng loạt rào cản về gia nhập thị trường được gỡ bỏ. Trong vòng 15 năm, khoảng 500.000 doanh nghiệp tư nhân với hàng trăm ngàn doanh nhân xuất hiện.

Đây là thời điểm nhiều thương hiệu Việt thành danh, bứt phá trong nhiều lĩnh vực. FPT, Hoàng Anh Gia Lai, Thaco, VinGroup, Massan, Minh Phú, Hùng Vương, Phú Thái, Saigon Co.op, Đồng Tâm, Minh Long, Thiên Long,… Nhiều doanh nhân Việt Nam đã tranh thủ được cơ hội để tích lũy kinh nghiệm, tài sản và bắt đầu bước chân ra thế giới, sánh ngang với những tên tuổi lớn trong các bảng xếp hạng toàn cầu. Hình ảnh Việt Nam trong nền kinh tế thế giới xác lập vị thế rõ nét hơn...

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc và nhiều doanh nhân đã thành danh hôm nay có lẽ sẽ không thể quên ngày 13/10/2004. Đó là lần đầu tiên kể từ Đổi mới, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam gặp doanh nghiệp tư nhân, để trao quyết định công nhận Ngày doanh nhân Việt Nam.

Đúng 58 năm trước ngày này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi những lời tâm huyết: “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng”.

Năm đó, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã nói: “Nếu không có một đội ngũ doanh nhân đủ trình độ, có năng lực cạnh tranh cao, không có những thương hiệu Việt Nam đi khắp thế giới thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị đào thải, Việt Nam không thể thoát được đói nghèo”.

Sau 70 năm lời gửi gắm của Bác Hồ với giới công thương, 30 năm đổi mới kinh tế, hơn 10 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đã góp phần quan trọng, chung tay đưa Việt Nam thoát nghèo.

Nhưng, sau khi kinh tế tư nhân đã được chấp nhận, đang được xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế, thì câu hỏi, khu vực này đã đủ sức để trở thành đầu tàu của nền kinh tế hay chưa lại nổi lên.

(Còn tiếp)

Đại hội của đổi mới
Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần thứ XXIV nhiệm kỳ 2015 – 2020 đang diễn ra (ngày 13 và 14/9) tại Hà Nội được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư