Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
4 cổ phiếu cần quan tâm ngày 17/8
 
Đầu tư CK trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 17/8 của các công ty chứng khoán.

1. VIC: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Vietcombank (VCBS)

Tập đoàn Vingroup  - CTCP (mã VIC) đang có vị thế đầu ngành trong hầu hết các mảng kinh doanh cùng triển vọng phát triển dài hạn khi liên tục phát triển được các dự án bất động sản mới có quy mô lớn với vị trí đẹp tại các thành phố lớn giúp gia tăng quỹ đất để đảm bảo cho phát triển dài hạn và duy trì vị thế đầu ngành trong mảng kinh doanh bất động sản nhà ở, cho thuê bất động sản và du lịch giải trí.

Hơn nữa, VIC có kết quả bán hàng ấn tượng sẽ là cơ sở VIC hạch toán doanh thu trong những năm tới, cụ thể: năm 2015 đã bán (14.000 căn hộ, biệt thự và nhà phố) và gần thêm gần 5.000 căn hộ, biệt thự và nhà phố trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng giá trị hợp đồng đạt trên 125.000 tỷ đồng, trong đó khách hàng đã thanh toán khoảng 50.000 tỷ đồng.

Năm 2016, VIC sẽ vượt kết hoạch kinh doanh do đóng góp lớn của mảng bất động sản mặc dù mảng bán lẻ chưa đạt hiệu quả và bào mòn một phần lớn kết quả lợi nhuận. Ngoài ra, chúng tôi vẫn cẩn trọng theo dõi sát đối với tốc độ bán hàng đang chậm lại của mảng chuyển nhượng bất động sản và hiệu quả kinh doanh của mảng bản lẻ khi VIC đang có sự chuyển hướng chiến lược bán lẻ từ mở rộng độ phủ sáng tăng cường hiệu quả kinh doanh.

Với EPS forward 2016 là 1.161 đồng/CP, tương ứng P/E forward là 42,2 lần, cao hơn nhiều so với mức trung bình ngành và mức PE toàn thị trường. Tuy nhiên, theo phương pháp NAV, giá trị hợp lý ước tính của VIC đạt khoảng 55.000 đồng/CP (tăng 25% so với định giá năm 2015), trong khi VIC hiện có vị trí đầu ngành tại nhiều mảng kinh doanh kèm với triển vọng tăng trưởng ổn định, chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu VIC.

2. BMP: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Vietcombank (VCBS)

CTCP Nhựa Bình Minh (mã BMP) là công ty có tình hình tài chính lành mạnh với doanh thu trong 10 năm qua tăng trưởng bình quân khoảng 21%/năm. Hiện tại thị trường nhựa xây dựng đang chịu sự cạnh tranh gay gắt nhưng với kỳ vọng sự phục hồi của bất động sản trong năm 2016 thì nhựa xây dựng vẫn khả quan. Hiện công suất của công ty đã lấp đầy. Giá hạt nhựa PVC có tăng nhẹ nhưng vẫn thấp hơn so với năm 2015.

Năm 2016, BMP đặt mục tiêu doanh thu tiếp tục tăng trưởng nhưng lợi nhuận không tăng trưởng, cụ thể kế hoạch doanh thu đạt 3.330 tỷ đồng, tăng trưởng 12%; lợi nhuận trước thuế đạt 600 tỷ đồng, giảm 10% so với năm trước; tỷ lệ cổ tức tối thiểu là 20%.

Kế hoạch lợi nhuận được đặt trên cơ sở nhận định tình hình giá nguyên liệu dự kiến sẽ tăng; gia tăng chi phí khuyến mãi, thưởng để tăng tính cạnh tranh, chi phí bảo hiểm xã hội theo chính sách mới từ năm 2016 tăng 2,2 tỷ đồng/năm.

Dựa vào kết quả thực hiện 7 tháng đầu năm 2016, và các năm gần đây chúng tôi cho rằng BMP có thể hoàn thành tốt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế đã đặt ra, EPS tương ứng 13.000 đồng/cổ phiếu. Vì vậy chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ đối với BMP.

3. TNG: Khuyến nghị mua

CTCK Vietcombank (VCBS)

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2016, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG) ghi nhận các kết quả tăng trưởng khả quan. Cụ thể, doanh thu đạt 856 tỷ đồng, tăng 7,37% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 37,16% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 41 tỷ đồng, tăng 19,38% so với cùng kỳ và hoàn thành 35,78% kế hoạch.

Tuy nhiên, doanh thu quý II/2016 bị sụt giảm nhẹ 0,45% so với cùng kỳ, chỉ đạt 498 tỷ đồng, đóng góp khoảng 51% tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2016 do thay đổi về tỷ lệ mặt hàng FOB và gia công, nhưng lợi nhuận sau thuế của quý II/2016 lại tăng trưởng khá mạnh 16,90%, đạt 27 tỷ đồng.

Chúng tôi cho rằng công ty sẽ vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhưng sẽ chỉ gần hoàn thành kế hoạch kinh doanh do việc chuyển dịch đơn hàng dệt may sang các nước có chi phí nhân công rẻ hơn như Bangladesh, Campuchia… sẽ ảnh hưởng xấu tới tình hình kinh doanh của TNG nói riêng và các công ty dệt may xuất khẩu nói chung trong nửa 6 tháng cuối năm 2016.

Theo đó, chúng tôi dự báo doanh thu 2016 của TNG đạt 2.279,5 tỷ đồng, tăng trưởng 18,48% và hoàn thành 98,94% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế 105,65 tỷ đồng, giảm 6,10% cùng kỳ và hoàn thành 93,08% kế hoạch. EPS forward (đã pha loãng với giả định TNG sẽ tiếp tục trả cổ tức bằng cổ phiếu đợt 1/2016 theo tỷ lệ 10% mệnh giá) ước đạt 3.397 đồng/cp, tương ứng với P/E ở mức 4,89 lần.

Giá cổ phiếu TNG đã giảm rất mạnh từ đầu tháng 7 đến nay, gần 13,87% và mức P/E hiện tại của TNG là khá thấp so với trung bình ngành là 7,43 lần. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu TNG khi thị trường điều chỉnh về giá hợp lý

4. VCB: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Vietcombank (VCBS)

Lũy kế 6 tháng, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (mã VCB) ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực với 4.271 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 35,6% so với cùng kỳ, hoàn thành 56% kế hoạch cả năm. Kết quả tích cực thể hiện trong hầu hết các mảng kinh doanh.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần tăng trưởng 29,5%, đến từ tăng trưởng mạnh cho vay khách hàng, tập trung tại các phân khúc lợi suất cao, trong khi duy trì mặt bằng vốn thấp so với thị trường.

Thu nhập ngoài lãi tăng trưởng 16,9%, chủ yếu đến từ hoạt động dịch vụ, tăng 11,3% và kinh doanh ngoại hối, tăng trưởng 18%, 2 mảng kinh doanh VCB vốn có thế mạnh.

CIR đang có xu hướng tăng nhẹ, là hệ quả tất yếu khi ngân hàng đẩy mạnh mảng bán lẻ nhưng VCB vẫn là ngân hàng có quản lý chi phí hiệu quả.

Dù đã giảm chi phí dự phòng, VCB vẫn trích lập dự phòng khá thận trọng trong nửa đầu năm.

Kết quả kinh doanh tích cực trong 6 tháng và tính mùa vụ khi hoạt động cho vay càng sôi động về cuối năm củng cố quan điểm của chúng tôi từ đầu năm là VCB sẽ vượt xa kế hoạch trong năm nay. Lợi nhuận trước thuế dự báo đạt 9.248 tỷ đồng, tăng 35,45% so với năm trước, vượt 23,3% kế hoạch đề ra.

Với giá cổ phiếu hiện tại 54.500 đồng/cổ phiếu, VCB đang được giao dịch với P/B dự phóng đạt 2,8 lần, cao hơn 2,5 lần trung bình ngành. Chúng tôi cho rằng mức giá hiện tại đã phản ánh tương đối kết quả kinh doanh VCB trong năm nay, và giữ khuyến nghị NẮM GIỮ.

Thị trường chứng khoán chờ đón thương vụ IPO “khủng” nhất năm 2016
Với giá trị vốn hoá của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) và lượng cổ phiếu đấu giá có giá trị tương ứng là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư