Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
4 cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/11
 
Đầu tư trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 4/11 của các công ty chứng khoán.
1. PLC: PE khá hấp dẫn, ở mức 8,4 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (mã PLC) vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2015 với doanh thu thuần đạt 5.289 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của PLC tăng nhẹ do doanh thu từ mảng nhựa đường, chiếm khoảng 55% tổng doanh thu, tăng 14,1% so với cùng kỳ do hưởng lợi từ việc là nhà cung cấp chính cho các dự án cầu đường trọng điểm như: nâng cấp QL1A, đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, dự án cảng hàng không Nội Bài (Nhà ga T2).

Mặc dù chi phí tài chính ròng 9 tháng đầu năm 2015 tăng 4 lần so cùng kỳ lên 98 tỷ đồng do lỗ chênh lệch tỷ giá và chi phí hoạt động tăng 14,3% so với cùng kỳ lên 533,8 tỷ đồng. Giá nguyên liệu đầu vào (có nguồn gốc từ dầu thô) giảm mạnh so với cùng kỳ làm cho biên lợi nhuận gộp tăng 4,3 điểm % so với cùng kỳ lên 18,6% trong 9 tháng đầu năm 2015. Do đó, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2015 tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 274,8 tỷ đồng.

Với báo cáo kết quả 9 tháng đầu năm 2015, PLC đã hoàn thành 87,4% kế hoạch doanh thu và vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2015 nhẹ 0,7%. Với 3 tháng còn lại của năm, PLC gần như chắn chắn sẽ vượt xa kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2015 do giá dầu chưa có dấu hiệu hồi phục làm giá nguyên liệu đầu vào có thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp.

Tháng 8/ 2014, PLC đã hoàn thành đầu tư mở rộng nhà máy Dầu nhờn ở Thượng Lý (Hải phòng) nâng công suất lên 50.000 tấn/năm (từ 25.000 tấn). Trong năm 2015-2016, PLC lên kế hoạch tiếp tục mở rộng gấp đôi công suất nhà máy Nhà Bè lên 50.000 tấn. Tính đến cuối quý III/2015, chi phí xây dựng dở dang tại nhà máy Nhà Bè là hơn 62,3 tỷ đồng.

PLC đang được giao dịch tại P/E lũy kế là 8,4 lần, tương đối hấp dẫn so với tăng trưởng EPS xấp xỉ 40%. Tỷ suất sinh lợi của PLC khá cao với ROE và ROA lần lượt đứng ở mức 28,8% và 9,9%.

2. KHP: PE bốn quý gần nhất ở mức 7,3x

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Điện lực Khánh Hoà (KHP) ghi nhận kết quả kinh doanh quý III/2015 không khả quan với lỗ ròng 2,4 tỷ đồng trong khi doanh thu tăng 23,8%.

Như chúng tôi nhận định trong bản tin ngày 1/9/2015, tỷ suất lợi nhuận của KHP đã giảm đáng kể do điều chỉnh giá mua điện từ Tổng Công ty Điện lực Miền Trung theo quyết định ngày 25/8/2015. Theo đó, giá điện mà KHP mua từ Tổng Công ty Điện lực Miền Trung để phân phối được điều chỉnh với giá bình quân 2015 là 1.367,9 đồng/kWh, tăng 10% so với giá bình quân 2015 dự kiến hồi đầu năm, và tăng 11% so với giá bình quân năm 2014. Trong khi đó, giá bán điện mà KHP phân phối ra thị trường bình quân 2015 chỉ được điều chỉnh tăng khoảng 6% so với năm trước, thấp hơn mức tăng giá mua vào.

Giá mua điện cũng được áp dụng hồi tố từ 1/1/2015, vì vậy chi phí SXKD trong quý III/2015 đã tăng cao lên 893,1 tỷ đồng, xấp xỉ bằng doanh thu trong quý. Do đó, công ty bị lỗ 18,1 tỷ đồng từ hoạt động SXKD chính. Thu nhập tài chính ròng 11,5 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi tiền gửi cao, vẫn không đủ bù đắp hết số lỗ từ hoạt động SXKD chính nên công ty vẫn bị lỗ ròng 2,4 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng 2015, doanh thu tăng 16% so với cùng kỳ, đạt 2.309,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 5,5% so với cùng kỳ, đạt 51,1 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận hoạt động giảm đáng kể từ 2,7% trong 9 tháng đầu năm 2014 xuống còn 1,5% trong 9 tháng đầu năm 2015. Cổ phiếu KHP giao dịch với P/E bốn quý gần nhất 7,3x.

3. PGS: PE dự phóng 6,6 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam (mã PGS) vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc tạm ứng cổ tức đợt 1/2015 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% mệnh giá (1.000 đồng/CP) trên kế hoạch chi trả 14% cổ tức bằng tiền mặt cho 2015. Ngày đăng ký cuối cùng và ngày thực hiện chi trả lần lượt là 20/11 và 04/12. Tính đến thời điểm cuối quý III/2015, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 107,8 tỷ đồng (2.156 đồng/CP), tiền và tương đương tiền đạt 438,6 tỷ đồng (9.770 đồng/CP).

Trước đó, PGS đã công bố KQKD 9 tháng đầu năm 2015 với lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2015 giảm 15,4% so với cùng kỳ, chỉ đạt 148 tỷ đồng trong khi doanh thu giảm đến 20,2% chỉ đạt 4.460 tỷ đồng.

Mức giảm lợi nhuận sau thuế chậm hơn mức giảm doanh thu do PGS được hưởng lợi nhờ giá chi phí đầu vào được thả nổi theo FO, biên lợi nhuận gộp tăng từ 15,5% trong 9 tháng đầu năm 2014 lên 19,1% trong 9 tháng đầu năm 2015. Sau 9 tháng đầu năm, PGS lần lượt hoàn thành 63% kế hoạch doanh thu (7.078 tỷ đồng) và 84,7% kế hoạch lợi nhuận trước thuế (224 tỷ đồng) năm 2015.

Chúng tôi đánh giá cao khả năng PGS vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế trong năm 2015 do PGS có đóng góp thêm từ hợp đồng cung cấp khí CNG cho nhà máy Samsung CE kể từ tháng 12 với công suất giai đoạn 1 là 12 triệu Sm3.

PGS đang được giao dịch tại P/E dự phóng 2015 là 6,6 lần, so với trung bình ngành khí là 10 lần. PGS và công ty con, CTCP CNG Việt Nam, hiện là nhà cung cấp CNG duy nhất tại thị trường miền Nam.

4. GSP: Khuyến nghị mua vào

CTCK MB (MBS)

Là công ty duy nhất trực thuộc Tổng Công ty Vận tải Dầu khí (PV Trans) về vận tải LPG bằng đường biển, Công ty CP vận tải Sản phẩm Khí Quốc tế - Gas Shipping (mã GSP) nhận được sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của PV Trans và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Hiện nay, Gas Shipping gần như nhận được nhiệm vụ là doanh nghiệp đầu mối về vận chuyển khí hoá lỏng cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Bên cạnh đó, Gas Shipping cũng tham gia vận tải LPG cho Nhà máy xử lý khí Dinh Cố và từ tàu chứa LPG Chelsea Bridge của PV Gas với sản lượng khoảng 280.000 tấn/năm (chiếm khoảng 31% thị phần - tổng sản lượng tiêu thụ LPG toàn quốc).

Đội tàu của Gas Shipping được đánh giá là quy mô lớn nhất và khá hiện đại so với những doanh nghiệp trong nước hoạt động trong cùng ngành vận tải LPG, đáp ứng đủ yêu cầu kỹ thuật và năng lực vận tải khí cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

KQKD của GSP qua các năm cho thấy sự ồn định và tăng trưởng đều với tốc độ tăng trưởng kép 5 năm của Doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt 19,5% và 5%.

Doanh thu năm 2015 triển vọng tăng trưởng do NMLD Dung Quất đi vào hoạt động ổn định sau khoảng thời gian bảo trì, doanh thu của công ty ổn định nhờ thị phần gần như độc quyền trong vận tải LPG, và hiện có nhiều hợp đồng với các đối tác của PvGAS.

Dự báo năm 2015 công ty khả năng cao sẽ vượt kế hoạch KD mà ĐHCĐ thông qua đầu năm khoảng 5 - 10%. Với kết quả quý 3/2015 của công ty với lợi nhuận sau thuế đạt 20,7 tỷ đồng tăng 1,5 lần so với cùng kỳ, 9 tháng GSP có lợi nhuận sau thuế đạt 60 tỷ đồng hoàn thành 88% kế hoạch năm, doanh thu đạt 85% kế hoạch.

Hiện tại sau 9 tháng công ty đã có EPS đạt 1.700 đồng, EPS 2015 dự báo khoảng 2.200 đồng/CP. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư mua vào với mức giá kỳ vọng 21.000đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2015.

Thị trường chứng khoán: Có triển vọng duy trì ổn định
Trong quý III/2015, chỉ số VN-Index luôn dao động dưới mức tăng trưởng dài hạn. Điều này cho thấy sự phục hồi sẽ xảy ra, nhưng chưa thể ngay...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư