CTCK MB (MBS)

Dự phóng cả năm 2017, doanh thu và lợi nhuận của CTCP Đầu tư Thế giới di động (mã MWG) lần lượt đạt 71.685 tỷ đồng (tăng 60,68% so với năm trước) và 2.372 tỷ đồng (tăng 50,4% so với năm trước). Biên lợi nhuận gộp của mảng Dienmayxanh.com được cải thiện 1% khi được gia tăng chiết khấu từ nhà sản xuất. Tuy nhiên, trong năm 2017, MWG sẽ tiếp tục chi các khoản cho marketing gia tăng nhận diện cho chuỗi Dienmayxanh.com.

EPS forward cả năm 2017 tương ứng đạt 15.400 đồng. Với mức EPS này, MWG hiện tại đang giao dịch với mức P/E forward là 11,2 lần.

Chúng tôi sử dụng cả hai phương pháp định giá DCF và P/E để xác định mức giá hợp lý cho cổ phiếu MWG với tỷ trọng phân bổ 50%:50%. Từ hai phương pháp trên, mức giá hợp lý cho mục tiêu đầu tư trong 12 tháng tiếp theo vào cổ phiếu MWG là 223.000 đồng, cao hơn 29,7% so với mức giá hiện tại. Đồng thời, mức giá mục tiêu này tương ứng với mức P/E lần lượt 14,5 lần trong năm 2017 và 9,8 lần trong năm 2018.

2. Khuyến nghị mua cổ phiếu FPT

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi kỳ vọng CTCP FPT (mã FPT) sẽ ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2017 ở mức 3.525 tỷ đồng (tăng 17% so với năm trước) và lợi nhuận ròng 2.274 tỷ đồng (tăng trưởng 14,2%), vượt kế hoạch đặt ra, và đây là con số tăng trưởng 2 chữ số mà đã lâu FPT chưa đạt được.

Cho năm 2018, chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng 2 con số này sẽ tiếp tục được ghi nhận nhờ (1) triển vọng ở thị trường nước ngoài của mảng Công nghệ; (2) tỷ lệ hộ gia đình sử dụng internet ở Việt Nam vẫn thấp và các dịch vụ thuê bao khác vẫn đang ở giai đoạn phát triển tốt. Cụ thể, lợi nhuận ròng kỳ vọng tăng trưởng 15,4% cho năm 2018.

Việc chưa chốt bán FPT Trading và FPT Retail là một trong những lực cản với giá của cổ phiếu FPT; tuy nhiên, với việc ghi nhận được kết quả tăng trưởng tốt hơn các mức tăng trưởng ì ạch (CAGR 3,4% trong 5 năm trước), chúng tôi kỳ vọng P/E của FPT sẽ mở rộng hơn mức P/E trung bình trong quá khứ.

Ngoài ra, trong quý I/2017, chúng tôi kỳ vọng FPT sẽ ghi nhận tăng trưởng khá tốt nhờ mức cơ sở thấp của quý I/2016 - thời điểm vẫn phải ghi nhận chi phí quang hóa cho Hà Nội và TP. HCM.

EPS năm 2017 kỳ vọng ở mức 4.500 đồng/cổ phiếu và EPS 2018 là 5.100 đồng/cổ phiếu, theo đó cổ phiếu FPT đang giao dịch ở mức P/E forward 2017 là 10,4 lần và 2018 là 9,2 lần. Mức P/E này là thấp hơn mức P/E lịch sử trung bình của cổ phiếu (~10 lần) trong môi trường triển vọng kết quả kinh doanh tốt. Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 71.000 đồng/cổ phiếu.

3. Khuyến nghị mua cổ phiếu REE

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi đã tham dự Đại hội cổ đông thường niên 2017 của CTCP Cơ điện lạnh (REE) và ghi nhận những thông tin chính, cụ thể: kết quả kinh doanh năm 2016 khả quan, REE M&E và Khoản đầu tư vào ngành điện đã vượt qua Văn phòng cho thuê trở thành 2 mảng đóng góp lớn nhất trong cơ cấu lợi nhuận.

Bên cạnh đó, kế hoạch kinh doanh 2017 của REE chỉ tăng trưởng 3,9% và tỷ lệ chia cổ tức không thấp hơn 20%. Ngoài ra, Công ty sẽ chưa nới room do vướng điều kiện về ngành nghề kinh doanh.

Nhận định cổ phiếu REE đã tăng giá hơn 45% kể từ lần khuyến nghị đầu tiên của chúng tôi và đã điều chỉnh khoảng 10% từ mức đỉnh sau khi công bố tài liệu ĐHĐCĐ.

Sau khi đánh giá lại các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp này vẫn còn nhiều tiềm năng và tiếp tục khuyến nghị MUA cổ phiếu REE với giá mục tiêu 12 tháng là 33.011 (Upside +22,3%).

4. Khuyến nghị mua cổ phiếu PNJ

CTCK Vietcombank (VCBS)

Cũng như những doanh nghiệp kinh doanh vàng khác, CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) khởi nghiệp là một doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng với tỷ trọng đóng góp lớn vào doanh thu của công ty. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh này mang lại mức biên lợi nhuận thấp và chịu sự kiểm soát của nhà nước. Đứng trước tình hình trên, PNJ đã thay đổi chiến lược kinh doanh, tập trung đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trang sức với biên lợi nhuận cao.

Qua quá trình phát triển, hiện nay số cửa hàng của PNJ đã lên đến 220 cửa hàng, phủ rộng khắp 45 tỉnh thành, bỏ xa các đối thủ còn lại. Thị trường vàng trang sức còn khá phân mảnh với 80% thị phần thuộc về các cơ sở kinh doanh quy mô nhỏ, chỉ còn lại 20% thị phần cho các doanh nghiệp lớn và có thương hiệu mạnh như PNJ, Doji, SJC… Trong đó, thị phần của PNJ hiện chiếm 26,5% (số liệu cập nhật đến năm 2016) trong số 20% nói trên, như vậy thị phần chung của PNJ so với toàn thị trường chiếm khoảng 5,3% và đang là doanh nghiệp có thị phần cao nhất ngành.

Thoái vốn ngoài ngành, tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi. Mặc dù hoạt động kinh doanh chính luôn tăng trưởng tốt nhưng các khoản đầu tư tài chính thuộc nhiều ngành nghề khác nhau của PNJ không hiệu quả ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của công ty. Trước tình hình đó, PNJ đang từng bước thực hiện quá trình tái cấu trúc, thoái vốn khỏi các lĩnh vực ngoài ngành và tập trung vào hoạt động kinh doanh chính.

Hiện PNJ chỉ còn duy nhất một khoản đầu tư vào Ngân hàng TMCP Đông Á với giá trị sổ sách 395,2 tỷ đồng. Trong năm 2016, công ty đã trích lập toàn bộ khoản dự phòng 84,7 tỷ đồng của DongA Bank, do đó trong năm nay, PNJ sẽ không còn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các khoản đầu tư này.

Thị trường trang sức Việt Nam còn khá nhiều tiềm năng đến từ 1) mức tiêu thụ vàng trang sức trên đầu người của Việt Nam còn thấp (6,5 USD/người) so với các nước trong khu vực và trên thế giới, (2) tốc độ tăng trưởng dân số bình quân khoảng 1,2% cùng cơ cấu dân số trẻ, trên 50% là nữ - là nguồn khách hàng tiềm năng trong lĩnh vực trang sức, (4) kinh tế tăng trưởng tốt cải thiện thu nhập bình quân đầu người tác động tích cực đến nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng trang sức (5) thị hiếu người tiêu dùng thay đổi, hướng đến các sản phẩm chất lượng với thương hiệu vững mạnh, khẳng định đẳng cấp.

Sử dụng kết hợp các phương pháp định giá, chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của một cổ phiếu PNJ là 91.890 đồng/CP, so sánh với mức giá 74.100 đồng/cổ phiếu ngày 04/04/2017, chúng tôi khuyến nghị MUA với cổ phiếu PNJ trong dài hạn.

5. Khuyến nghị mua cổ phiếu VSC

CTCK Maritime (MSI)

Tiềm năng của ngành cảng biển vẫn kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng: Theo quy hoạch cảng biển năm 2020- 2030, sản lượng container qua cảng Hải Phòng dự báo tăng khoảng 10% mỗi năm.

Công ty cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam (mã VSC) là 1 trong 3 cảng có thị phần sản lƣợng hàng hóa qua cảng lớn nhất khu vực Hải Phòng với sản hàng hóa thông qua năm 2016 đạt 610.000 TEUs, thị phần ước tính đạt khoảng 16-17% khu vực Hải Phòng.

Năm 2016, doanh thu thuần VSC đạt 1.082 tỷ đồng (tăng 16,6% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế đạt 251 tỷ đồng (giảm 10% so với năm trước). Năm 2017, VSC, chúng tôi dự báo kết quả kinh doanh VSC sẽ tăng trưởng với doanh thu thuần đạt 1.205 tỷ đồng (tăng trưởng 11,4%), lợi nhuận sau thuế sẽ đạt 275,7 tỷ đồng (tăng trưởng 9,7%).

Cảng VIP Green sẽ đi vào hoạt động trong năm 2017, là động lực phát triển của VSC: Cầu cảng 2 của VIP Green đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2016. Các khách hàng của cảng Green Port đang chuyển dần sang cảng VIP Green, đến thời điểm hiện tại, VIP Green đã hoạt động 88% công suất thiết kế và từ sau 15/03/2017, cảng đã đón hãng tàu lớn nhất thế giới Maersk Line và tăng số chuyến lên 8 chuyến/tuần (trước đó là 6 chuyến/tuần).

Cảng Green Port chuyển đổi công năng thành trung tâm logistics: Với việc gặp bất lợi từ việc xây cầu Bạch Đằng chỉ cho phép tàu có tải trọng dưới 10.000 DWT vào cảng, cảng Green Port sẽ không còn nhiều tiềm năng phát triển. Theo quy hoạch của VSC, Green Port dự kiến sẽ chuyển đổi công năng từ năm 2018, phục vụ cho cảng chính VIP Green.

Bên cạnh đó, VSC luôn duy trì chính sách trả cổ tức ở mức cao (thường ở mức 20-40%), trong đó cổ tức bằng tiền mặt thường ở mức 5%-20%. Dự kiến mức cổ tức năm 2017 được giữ ở mức 20-25%.

Chi phí khấu hao, lãi vay tăng cao trong năm 2017: Theo ước tính của chúng tôi, khi cầu cảng 2 của VIP Green đi vào hoạt động, khấu hao của VSC sẽ tăng cao. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay hơn 630 tỷ đồng từ Vietcombank năm 2017 sẽ chịu lãi suất cao hơn (ước tính khoảng 8,3% thay vì mức 6,8% năm 2016).

Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu VSC với giá mục tiêu là 70.500 đồng/cổ phiếu.