Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
5 cổ phiếu cần quan tâm ngày 14/8
 
Đầu tư trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 14/8 của các công ty chứng khoán.
1. PVT: Cổ phiếu hấp dẫn để đầu tư

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Tổng CTCP Vận tải dầu khí (PVT – sàn HOSE) đã ước tính kết quả kinh doanh cho năm 2015 với doanh thu ước tính 5.594 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước tính 500 tỷ đồng, lần lượt tăng 6,2% và 2,9% so với thực hiện năm 2014. Tuy nhiên, nếu loại trừ đi khoản lợi nhuận bất thường do thanh lý tàu FSO Kamari năm 2014, lợi nhuận trước thuế ước tính năm 2015 của PVT tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Tương ứng với EPS năm 2015 sẽ vào khoảng 1.465 đồng/CP và P/E ở mức 8,6 lần, tương đối hấp dẫn đề đầu tư, đặc biệt là trong bối cảnh ngành vận tải biển đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Trong dài hạn, PVT sẽ có nhiều cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh do các dự án nhà máy lọc dầu (Dung Quất, Nghi Sơn, Vũng Rô, LHD Long Sơn), nhà máy nhiệt điện (Vũng Áng 1, Thái Bình 2,..), dự án về khí (kho cảng LNG Thị Vải, Nhà máy GPP Cà Mau, kho cảng Sơn Mỹ Bình Thuận) của PVN sẽ được triển khai trong thời gian tới kéo theo nhu cầu vận chuyển lớn. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, PVT cũng cần nhu cầu về vốn khá lớn để mua thêm tàu. Theo kế hoạch, PVT sẽ cần đầu tư 506 triệu USD cho đội tàu, lớn hơn gấp đôi vốn chủ sở hữu hiện tại.

2. DCM: Khuyến nghị thêm vào

CTCK FPT (FPTS)

DCM đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với 1.742 tỷ đồng doanh thu thuần và 257 tỷ đồng nhuận sau thuế, hoàn thành 53% kế hoạch doanh thu và 71% kế hoạch lợi nhuận sau thuế, tương đương mức EPS đạt 852 đồng/CP. Trong 2H2015, DCM sẽ chịu tác động bởi những yếu tố chính như sau:

Nhà máy sẽ bảo trì từ 10/08 đến 24/08. Do hoàn toàn phụ thuộc vào Hệ thống khí PM3 sẽ cắt để bảo dưỡng từ 10/8 đến 24/8. Mặc dù 2 nhà máy ure tương tự nhau nhưng nhà máy Phú Mỹ sẽ chủ động bảo trì 2 năm dừng 1 lần bảo trì lớn 28-30 ngày do nguồn khí DPM từ Bể Cửu Long nên ổn định hơn. Trong khi đó nhà máy của Cà Mau phụ thuộc hoàn toàn vào lịch bảo trì của hệ thống PM3-Cà Mau nên hằng năm DCM đều bảo trì. Tuy nhiên công ty cho biết vẫn đảm bảo sản xuất ổn định do đã có sẵn nguồn dự trữ.

Không được hưởng lợi từ giá khí giảm và không chịu tác động từ tỷ giá. Trong thời gian gần đây, giá khí đầu vào của DPM liên tục giảm do ảnh hưởng từ giá dầu nhưng trường DCM không được hưởng lợi vì cam kết ROE ở mức 12% từ PVN. Kết thúc tháng 06/2015, số dư nợ vay bằng USD của công ty còn đến 7.500 tỷ đồng và lỗ chênh lệch tỷ giá trong nửa đầu năm 2015 của DCM lên đến 170 tỷ đồng. Tuy nhiên chính cam kết này làm công ty tránh được tác động tiêu cực từ việc tỷ giá thay đổi từ 1% lên 2% vừa qua. DCM cho biết giá khí đầu vào được công ty tính hàng quý để đảm bảo ROE hằng quý ở mức 12% nên đến cuối năm việc tính lại giá khí sẽ không ảnh hưởng nhiều đến KQKD của Công ty.

Nhập khẩu urea tăng mạnh trong 1H2015 khả năng tạo áp lực cung trong nửa cuối năm 2015. Tổng lượng urea nhập khẩu vào trị trường Việt Nam nửa đầu năm 2015 ở mức 79 nghìn tấn (+60% so với cùng kỳ năm ngoái) và kim ngạch đạt 24 triệu USD (+48% so với cùng kỳ năm ngoái) do từ tháng 5 đến tháng 6 trong nước hiện tượng thiếu hàng cục bộ nên lượng ure nhập khẩu tăng lên rất mạnh. Do tác động từ hiệp định thuế quan đối với các nước Asean, mức thuế suất 0% nên nhập khẩu ure có chiều hướng gia tăng từ Indonesia và Qatar. Lượng ure VN nhập khẩu từ Indonesa trong 1H2015 đạt 10,6 nghìn tấn (+14,1 so với cùng kỳ năm ngoái). Giá bán lẻ đạm cà mau trong quý I/2015 ở mức 7.393 đồng/kg giảm 425 đồng so với cùng kỳ 2014 nhưng sang quý II/2015 giá bán lẻn tăng mạnh có lúc lên đến 8.150 đồng/kg. Do tâm lý lo ngại về nhà máy DPM bảo trì và dự trữ trong kho của các đại lý không lớn do giá urea thấp.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng hiện tượng này chỉ là ngắn hạn do đó lượng nhập khẩu tăng trưởng mạnh cùng với nhu cầu trong nước ổn định, và cuối năm nhà máy Hà Bắc hoàn thành nâng công suất thì có khả năng sẽ tạo áp lực cung lớn và làm giá urea sụt giảm trong 2H2015.

Chúng tôi dự phóng DCM sẽ đạt 5.790 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 4,2% (so với năm ngoái) và 850 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 3,8% (so với năm ngoái), tương ứng EPS(F) đạt 1.600 đồng/cp trong năm 2015. Bằng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền chúng tôi đưa ra khuyến nghị THÊM đối với DCM với giá mục tiêu 14.100 đồng/CP.

3. VNL: Khuyến nghị thêm vào

CTCK FPT (FPTS)

Trong 6 tháng đầu năm 2015, kết quả hoạt động kinh doanh của VNL đạt mức tăng trưởng tốt. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 346,99 tỷ đồng (+12,2% so với cùng kỳ năm ngoái) và 22,04 tỷ đồng (+38,1% so với cùng kỳ năm ngoái).

Hoạt động của VNL gồm ba khu vực chính TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hải Phòng. Trong đó, doanh thu từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tương đương nhau khoảng 160 tỷ đồng. Trong kỳ, các mảng dịch vụ hàng không và logistics tăng trưởng cao lần lượt đạt 14,5% và 60%. Mảng dịch vụ hàng không tăng trưởng do hoạt động bán cước vận tải hàng không cho các hãng Singapore Airlines, Thai Airways, Korean Airlines, đặc biệt là đại lý bán cước độc quyền (GSA) cho Cargolux. Mảng hoạt động logistics đạt mức tăng trưởng cao tuy nhiên biên lợi nhuận gộp giảm mạnh do thay đổi cách hạch toán doanh thu giá vốn, thực chất lợi nhuận gộp mảng logistics giảm từ 4,3 tỷ đồng còn 3,3 tỷ đồng. Lợi nhuận hoạt động kinh doanh cốt lõi đạt mức tăng trưởng 11,6%.

Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh 38,1% do doanh thu tài chính tăng, do khoản tiền bán cổ phiếu VNT sinh lãi 2,3 tỷ đồng so với 163 triệu đồng cùng kỳ. Đồng thời, lợi nhuận liên doanh liên kết tăng 26,2%, do lợi nhuận từ công ty đại lý độc quyền cho Cargolux.

Nhận định: Hoạt động kinh doanh của VNL tăng trưởng tốt không đến từ chính công ty, phần lớn hưởng lợi từ tăng trưởng của các công ty liên doanh. Riêng công ty vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để phát triển sâu hơn trong ngành logisitics. Ước tính năm 2015, doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 719,19 tỷ đồng (+7,6% so với năm ngoái) và 39.18 tỷ đồng (-21,92% so với năm ngoái). Lợi nhuận sau thuế sụt giảm do năm 2014 công ty có khoản lợi nhuận bất thường từ bán cổ phiếu VNT. Nếu loại khoản lợi nhuận bất thường, lợi nhuận 2015 tăng trưởng khoảng 44%. Mức EPS forward 2015 ước đạt 4.353 đồng/CP, tương ứng với mức giá hợp lý của VNL là 32.600 đồng/CP. Khuyến nghị THÊM cổ phiếu VNL cho mục tiêu đầu tư trong năm 2015. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý mức thanh khoản thấp của cổ phiếu VNL. Bình quân giao dịch 30 ngày gần nhất chỉ đạt 6.520 cổ phiếu.

4. DRC: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2015 tăng 10% so với cùng kỳ 2014, đạt 1.771 tỷ đồng chủ yếu nhờ tăng trưởng của lốp radian toàn thép. Biên lợi nhuận gộp đạt 24,3% trong 6 tháng đầu năm 2015, tương đương 6 tháng đầu năm 2014. Mặc dù giá cao su đầu vào (chiếm khoảng 35% giá thành) giảm đáng kể (xấp xỉ 25% so với cùng kỳ năm ngoái) nhưng công ty cũng đồng thời giảm giá bán trước áp lực cạnh tranh. Tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu tăng từ 4,5% trong tháng 6/2014 lên 5,6% trong 6 tháng đầu năm 2015 chủ yếu là do chi phí nhân công tăng 42% làm chi phí QLDN tăng. Trong khi đó, chi phí tài chính ròng giảm 22% xuống còn 57 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ HĐ Kinh doanh tăng 10,1%. Lợi nhuận trước thuế tăng 9,6% đạt 259,9 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2015 tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 202,6 tỷ đồng.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2015, DRC đã lần lượt hoàn thành 45% và 57% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế 2015. Với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2015 và giá cao su đầu vào vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp, chúng tôi đánh giá cao khả năng hoàn thành kế hoạch 2015.

Trong kỳ DRC tiêu thụ được gần 85.000 chiếc lốp radian toàn thép, tăng gần 100% so với năm ngoái. Mặc dù vậy con số này vẫn còn thấp so kế hoạch tiêu thụ cả năm của công ty là 240.000 lốp. Chúng tôi điều chỉnh ước tính tiêu thụ lốp radian năm 2015 của DRC từ 220.000 xuống còn 200.000. Theo đó, chúng tôi điều chỉnh ước tính lợi nhuận sau thuế 2015 còn 408 tỷ đồng, giảm 5,6% so với ước tính hồi đầu năm.

DRC là cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt nhất so với các doanh nghiệp cùng ngành. Chúng tôi đưa ra giá mục tiêu 54.000 đồng dựa trên mô hình định giá chiết khấu dòng tiền. Theo đó, P/E 2015 dự phóng là 12,1 lần, phù hợp thị trường. Khuyến nghị GIỮ.

5. NTP: PE thấp hơn trung bình ngành, ở mức 9 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền phong (NTP) đã công bố KQKD 6 tháng đầu năm 2015 của công ty Mẹ. Theo đó, doanh thu thuần đạt 1.504 tỷ đồng, tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Do giá bán ống nhựa không tăng, do đó mức tăng doanh thu là nhờ sản lượng bán ra tăng. Trong bối cảnh giá nhựa nguyên liệu (chiếm 70% giá thành sản xuất) giảm 20%, biên lợi nhuận gộp tăng 4 điểm phần trăm (ppt), đạt mức 30%. Theo đó, lợi nhuận gộp đạt 452 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, lợi nhuận ròng từ tài chính là 60,7 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ lợi nhuận chưa phân phối từ công ty con – NTP miền Trung tăng tốt. Do NTP tăng mạnh chiết khấu cho đại lý để cải thiện doanh số nên tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu tăng 5 ppt lên 21%. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2015 tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 170,8 tỷ đồng. Thường công ty mẹ đóng góp khoảng 92% về doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất của toàn công ty, chúng tôi cho rằng KQKD hợp nhất 6 tháng đầu năm 2015 sẽ không biến động nhiều so với KQKD 6 tháng đầu năm 2015 của riêng công ty Mẹ.

Như vậy kết thúc 6 tháng đầu năm, NTP ước hoàn thành được khoảng 49% kế hoạch doanh thu và 51% kế hoạch lợi nhuận trước thuế. Do đó, chúng tôi đánh giá cao khả năng hoàn thành kế hoạch 2015. Hiện Tiền Phong đang duy trì chính sách chiết khấu cao hơn đối thủ để đạt mục tiêu tăng trưởng thị phần và chính điều này đã tác động tới lợi nhuận của công ty. Mặc dù không đột biến trong 6 tháng đầu năm 2015 cũng như trong kế hoạch cả năm 2015 nhưng chúng tôi vẫn đánh giá cao NTP nhờ vị thế dẫn đầu cả nước về sản lượng (năng lực sản xuất hàng năm khoảng 90.000 tấn) và thị phần (70% miền Bắc và 30% cả nước).

Chúng tôi ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế 2015 của NTP lần lượt tăng 10% và 14% so với năm ngoái đạt 3.286 tỷ đồng và 369 tỷ đồng, EPS 2015 dự phóng đạt 5.194 đồng/CP tương đương PE 2015 ở mức 9 lần, thấp hơn mức 10 lần trung bình ngành.

Thị trường chứng khoán: Khối ngoại lại 'cầm cương'
Trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ thị trường, giao dịch của khối ngoại và triển vọng dòng vốn nước ngoài trước thời điểm thị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư