Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
5 cổ phiếu cần quan tâm ngày 5/5
 
Đầu tư CK trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 5/5 của các công ty chứng khoán.

1. PGS: Xem xét mua vào khi giá rơi về vùng 18-18.5

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

PGS của CTCP Kinh doanh khí miền Nam vẫn đang chuyển động trong xu hướng tăng dài hạn bắt đầu từ 5/2011.

PGS đã có khoản thời gian hơn 6 tuần chuyển động tích lũy bên dưới đường MA100 theo khung thời gian tuần, sau khi thoát khỏi kênh xu hướng giảm trung hạn (bắt đầu từ 09/2014) vào cuối tháng 01, đầu tháng 02/2016.

Chưa có tín hiệu đảo chiều tiêu cực nào xuất hiện khi chạm đến ngưỡng kháng cự “cứng” trên. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch vẫn được duy trì khá tốt trên mức bình quân 20 phiên trong suốt giai đoạn tích lũy.

Giá PGS sắp rơi về vùng hỗ trợ mạnh 18-18.5, vùng có sự hội tụ của đường MA100 và MA200 và là vùng xác lập nhiều mức đỉnh, đáy trong quá khứ nên mức độ vững chắc tương đối lớn. Do đó, có khả năng giá PGS sẽ bật tăng trở lại khi chạm về vùng này.

Vì vậy, nhà đầu tư có thể xem xét mua vào khi giá rơi về vùng 18-18.5 với khối lượng giao dịch duy trì trên 450.000/phiên, kỳ vọng trước mắt giá PGS có thể tăng lên test lại vùng đỉnh cũ 22.4-22.6. Ngưỡng cắt lỗ đặt tại 17.

2. PSD: Khuyến nghị  mua trung và dài hạn

CTCK MB (MBS)

Theo báo cáo tài chính quý I/2016, CTCP Dịch vụ Phân phối dầu khí (mã PSD) đạt 1442,8 tỷ đồng doanh thu, tăng 17% cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 19,13 tỷ đồng, giảm 2,69% cùng kỳ. Tại ĐHĐCĐ, PSD đặt các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu đạt 5.620 tỷ đồng giảm 1,2% và lợi nhuận sau thuế đạt 76 tỷ đồng, tăng 12,6% so với thực hiện năm 2015. Tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt 30% trong năm 2016.

Trong năm 2015, PSD đã giảm giá sản phẩm dưới giá vốn lượng lớn hàng tồn kho - phần lớn là linh phụ kiện các năm trước đã qua dòng đời hoặc của các thương hiện đã rút khỏi Việt Nam, để giải phóng mặt bằng lưu kho và giảm rủi ro. Thị phần điện thoại Samsung giảm mạnh, do đó kế hoạch đặt ra là hoàn toàn khả thi. Chúng tôi cho rằng, PSD sẽ đạt được chỉ tiêu đề ra với doanh thu đạt 5.620 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 76 tỷ đồng tương đương với EPS là 3.568 đồng/CP.

Mức P/E hiện tại của PSD là 5,81 lần, đây là mức định giá khá hấp dẫn đối với cổ phiếu PSD. Mức P/E forward năm 2016 là 7, giá mục tiêu đối với cổ phiếu PSD khoảng 25.000 đồng/CP. Với tỷ lệ trả cổ tức 30% bằng tiền mặt trong năm 2016, chúng tôi khuyến nghị Mua cổ phiếu PSD cho trung và dài hạn.

3. PVD: Khuyến nghị nắm giữ

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Năm 2016, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (mã PVD) đưa ra kế hoạch lợi nhuận dựa trên 2 kịch bản giá dầu, cả 2 đều cho thấy lợi nhuận có thể giảm mạnh. Lí do của kế hoạch trên là bởi

(1) khối lượng công việc giảm đáng kể khi mà dự kiến chỉ 4 trên tổng 6 giàn có việc làm trong 2016, và công ty sẽ không thuê giàn ngoài

(2) giá thuê trung bình ngày của giàn tự nâng dự kiến ở mức 85.000-90.000USD/ngày, giảm 41% theo năm trong khí giá thuê giàn TAD dự kiến ở mức 185.000 USD/ngày, giảm 6% theo năm.

Tổng đầu tư tài sản cố động năm 2016 dự kiến ở mức 489 tỷ đồng, giảm 13,3% theo năm, chủ yếu để mua máy móc và thiết bị cung cấp dịch vụ khoan.

Trong quý I/2016, doanh thu hợp nhất đạt 1,58 ngàn tỷ đồng, giảm 64% theo năm vì chỉ có 3 trên tổng số 6 giàn khoan của PVD là hoạt động, đó là PVD I, PVD V, và PVD VI. Số lượng giếng khoan trong quý I/2016 đã giảm 70-80% so với cùng kì cách đấy 2 năm. Lợi nhuận gộp đạt mức 243,7 tỷ đồng, ghi nhận mức biên lợi nhuận gộp là 15,5% so với mức 20,2% cùng kì năm ngoái. Chi phí quản lý hoạt động ở mức 128,7 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kì do công ty cắt giảm mạnh các khoản chi tiêu. Lợi nhuận sau thuế ở mức 56,2 tỷ đồng, giảm 88,4% so với cùng kì.

Ở thời điểm cuối tháng 4/2016, 2 giàn là PVD II và PVD 11 đang dừng hoạt động, và PVD đang đàm phán với 1 khách hàng tên là Sonatrach nằm đưa giàn PVD 11 vào hoạt động trở lại trong 2016.

VPBS dự báo PVD có thể đạt doanh số hợp nhất 2016 ở mức 6,43 ngàn tỷ đồng, giảm mạnh 56% theo năm trong khi lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự đạt 316 tỷ đồng, giảm 82,5% theo năm.

PVD đóng cửa hôm nay giảm 0,8% về mức giá 24.200 đồng/cổ phiếu. PVD đang giao dịch tại mức P/E2015 là 4,8 lần và P/E2016 là 26,6 lần. Chúng tôi duy trì khuyến nghị Nắm Giữ với PVD với giá mục tiêu là 23.500 đồng/cổ phiếu do năm 2016 sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn với nhiều yếu tố khó dự đoán ở giá thuê giàn và khối lượng công việc, đồng thời lợi nhuận dự kiện giảm rõ rệt.

4. FPT: PE hấp dẫn, ở mức 9,9 lần

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Về tổng thể, doanh thu của CTCP FPT (mã FPT) giảm 10% so với cùng kỳ xuống mức 8.567 tỷ đồng, và lợi nhuận trước thuế giảm 13% và đạt mức 563 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 19% và 18% kế hoạch năm 2016 của công ty.

Nếu loại trừ khối Phân phối và Bán lẻ, hai khối kinh doanh chính của FPT là Công nghệ và Viễn thông đạt mức tăng trưởng doanh thu 18%, còn lợi nhuận trước thuế của hai khối này chỉ giảm nhẹ 1%.

Chúng tôi dự phóng EPS của FPT sẽ tăng trưởng ở mức hai con số thấp 11% trong năm 2016 và sau đó sẽ tăng lên mức cao hơn 15% trong những năm tiếp theo. Công ty cũng đã công bố kế hoạch thoái vốn khỏi CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số (FPT Retail) trong năm 2016 và công ty TNHH Phân phối FPT (FPT Distribution) trong những năm tới và khoản tiền mặt từ các thương vụ này sẽ được sử dụng để nâng tỷ lệ sở hữu ở CTCP Viễn Thông FPT (FPT Telecom). Điều này đồng nghĩa với việc công ty đang thực hiện chiến lược đúng đắn, chuyển dịch từ các hoạt động kinh doanh có biên lợi nhuận thấp sang các hoạt động có biên lợi nhuận cao hơn.

Hôm nay giá cổ phiếu FPT giảm 1% xuống còn 48.100 đồng/cổ phiếu, giao dịch ở mức P/E năm 2016 là 9,9 lần; chúng tôi cho rằng mức P/E này khá hấp dẫn trong bối cảnh công ty có nhiều tiềm năng tăng trưởng cao sau giai đoạn đầu tư cùng với việc công ty sẽ có một cấu trúc kinh doanh tập trung nhiều vào hoạt động cốt lõi hơn trong tương lai.

5. VNM: Khuyến nghị mua vào

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

CTCP Sữa Việt Nam (VNM) vừa chính thức công bố báo cáo tài chính quý I/2016: doanh thu thuần tăng 19% so với cùng kỳ lên mức 10.333 tỷ đồng, tương đương với 22% dự phóng năm 2016 của chúng tôi, và lợi nhuận ròng tăng 39% lên mức 2.157 tỷ đồng, hoàn thành 23% dự phóng.

Như dự phóng của chúng tôi, biên lợi nhuận gộp 3 tháng đầu năm 2016 của VNM đạt mức khá cao là 42%, tăng 6,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ trong khi tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trên doanh thu vẫn duy trì ở khoảng 18%, tương đương với tỷ lệ năm 2015. Các kết quả khả quan này, cùng với việc nhu cầu tiêu thụ sữa của người dân Việt Nam vẫn đang ở mức cao, cho thấy VNM vẫn còn nhiều dư địa phát triển trong tương lai.

Duy trì khuyến nghị MUA với giá mục tiêu một năm là 152.000 đồng/cổ phiếu. Hôm nay, giá cổ phiếu VNM tăng 2,2% lên mức 142.000 đồng/cổ phiếu, đang giao dịch ở mức P/E năm 2016 và năm 2017 lần lượt là 20,1 lần và 19,0 lần dựa trên dự phóng của chúng tôi.

Cổ phiếu ngân hàng lên sàn chứng khoán: Còn nhiều e ngại
Dù sẽ tiến hành đăng ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên UpCoM, nhưng để tiến tới niêm yết trên sàn chứng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư