Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
5 điểm đột phá trong quy định về thoái vốn, bán cổ phần
Phan Hằng - 27/03/2015 09:09
 
Đấu giá cổ phần hóa là nội dung được các doanh nghiệp quan tâm tại hội nghị phổ biến chính sách mới về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) tổ chức mới đây.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
TP.HCM sắp thoái trên 3.600 tỷ vốn nhà nước
SCIC chưa thoái được vốn tại Xi măng Sài Sơn
HNX hỗ trợ VNPT thoái vốn tại công ty con
Vinafood 1 ồ ạt thoái vốn

Ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch SSC cho biết, khi thực hiện cổ phần hóa, văn bản pháp lý cao nhất mà DNNN tổ chức thực hiện và ưu tiên thực hiện là 71/2013/NĐ-CP, trong trường hợp không thể thực hiện theo những quy định trong Nghị định 71, thì có thể triển khai tiếp theo Quyết định 51/2014/QĐ-TTg.

SCIC được chỉ định xem xét, mua lại cổ phần của DNNN nếu thoái vốn không thành công khỏi ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm

Với tinh thần trên, Quyết định 51 được cho là bổ sung nhiều quy định “dễ thở” hơn cho DNNN trong vấn đề thoái vốn. Ông Trương Lê Quốc Công, Vụ trưởng Vụ phát hành (SSC) đánh giá, Quyết định 51 có 5 điểm mới mang tính đột phá, bao gồm mở rộng đối tượng áp dụng, cho phép thoái vốn dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách; xác định mức giá khởi điểm; điều kiện đấu giá cổ phần; NHNN và TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được mua lại cổ phần nếu đấu giá không thành công.

Cụ thể hơn, đối với vấn đề thoái vốn dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách có quy định phải đảm bảo nguyên tắc “hạn chế tối đa tổn thất đầu tư và bảo toàn vốn nhà nước ở mức cao nhất khi chuyển nhượng vốn” và thoái vốn dưới mệnh giá đối với công ty niêm yết, hoặc đăng ký giao dịch trên UpCOM thì “giá thỏa thuận phải nằm trong biên độ giao dịch của mã chứng khoán tại ngày chuyển nhượng”. Đây cũng là điểm mới so với Nghị định 71.

Ngoài ra, trình tự thủ tục thực hiện cũng được quy định rõ ràng với mục tiêu xác định mức giá bán sao cho đảm bảo an toàn vốn. Do đó, khi DNNN đấu giá công khai, thì bán theo mức giá khởi điểm, sau khi bán không hết, thì bán thỏa thuận, nhưng phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh.

Trong trường hợp bán thỏa thuận lần 1 không thành công, hoặc không bán hết số cổ phần chào bán, thì đại diện chủ sở hữu vốn được quyền chủ động hơn trong việc điều chỉnh giảm giá bán. Mức giá khởi điểm để bán đấu giá lần 2 giảm tối đa không quá 10% so với giá đấu thành công thấp nhất của lần 1. Và nếu tiếp tục không thành công, người đại diện có quyền xem xét, quyết định bán thỏa thuận theo giá không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất trong trường hợp không bán hết, hoặc theo giá không thấp hơn giá khởi điểm bán đấu giá lần 2 trong trường hợp đấu giá không thành công.

Điểm đáng chú ý, SCIC được chỉ định xem xét, mua lại cổ phần của DNNN nếu thoái vốn không thành công khỏi ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm. Hay nói đơn giản, SCIC giống như là đơn vị bảo lãnh phát hành. Cụ thể, DNNN được đề nghị SCIC mua lại cổ phần trước khi IPO với mức giá không cao hơn giá khởi điểm khi bán thỏa thuận không thành công, hoặc không cao hơn giá bán thỏa thuận thành công (trong trường hợp không bán hết số cổ phần, phần vốn nhà nước). Giá SCIC mua lại số cổ phần, phần vốn nhà nước phải đảm bảo không cao hơn giá trị sổ sách kế toán trừ đi dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đã được trích lập đầy đủ theo quy định.

Một điểm khác biệt nữa là, Quyết định 51 cho phép DNNN được tổ chức bán đấu giá cổ phần kể cả khi “năm liền trước năm đăng ký chào bán có lỗ và có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán”. Trong khi, theo Nghị định 71, bắt buộc năm liền trước năm đăng ký chào bán, doanh nghiệp không có lỗ và lỗ lũy kế.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư