Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
5 lời khuyên cho startup lần đầu tiên gặp nhà đầu tư
Lâm Nghi (DNSG) - 26/04/2017 09:57
 
Buổi gặp mặt đầu tiên thường có tác động lớn đến nhà đầu tư trong việc ra quyết định bạn có nhận được đầu tư hay không. Nguyên tắc vàng cho các thương vụ kinh doanh chính là "kỳ vọng thấp - đáp ứng cao".

Dưới đây là các lời khuyên để bạn tạo ấn tượng thành công trong buổi gặp đầu tiên với nhà đầu tư tiềm năng.

1. Tập trung vào đúng người đang muốn đầu tư

Ban đầu, bạn nên tập trung tìm hiểu những nhà đầu tư tiềm năng đã từng bày tỏ sự hứng thú với lĩnh vực bạn đang kinh doanh. Một trong những cách để tìm thấy những nhà đầu tư này là đăng tải phần giới thiệu ngắn về dự án đang gọi vốn và thông tin chi tiết về bạn trên các mạng xã hội.

Aliston Johnson - đồng sáng lập và CEO InstaEDU đã từng sử dụng chiến lược tập trung này để huy động vốn. Cô cho biết: "Tôi đã gửi những bản giới thiệu ngắn gọn về ý tưởng kinh doanh đến những nhà đầu tư đã bấm theo dõi trang cá nhân của tôi hoặc của InstaEDU trên mạng xã hội".

Johnson cho biết sự chủ động này đã dẫn đến một vài cuộc gặp trao đổi trực tiếp và thuyết phục được một nhà đầu tư sau đó.

2. Đảm bảo kế hoạch kinh doanh của bạn đã chặt chẽ

Dĩ nhiên, trước khi kêu gọi vốn, một trong những điều bạn cần là chuẩn bị tên, thông tin giới thiệu tổng quan và logo của công ty. Các nhà đầu tư cần phải hình dung được doanh nghiệp họ đang tiếp xúc có diện mạo ra sao.

Sau đó, hãy chuẩn bị một đoạn giới thiệu ngắn về tổng quan lĩnh vực hoạt động hiện tại của bạn, nhu cầu thị trường bạn sẽ tiếp cận, và cách thức mà công ty của bạn sẽ đáp ứng nhu cầu này. Bạn cũng nên nói rõ về những nghiên cứu thị trường liên quan mà bạn đã thực hiện trước đó.

Tiếp theo, hãy giới thiệu kế hoạch cung cấp sản phẩm/dịch vụ của bạn đến với khách hàng, các kênh phân phối/quảng cáo sản phẩm bạn định sử dụng, và chiến lược truyền thông. Ở phần này, nhớ bao gồm cả mô hình thu hồi vốn và kế hoạch thúc đẩy nhu cầu của khách hàng về sản phẩm/dịch vụ của bạn.

Tận dụng tối đa mọi phương thức giúp bạn mô tả hiệu quả với nhà đầu tư, bao gồm cả hình ảnh lẫn các ảnh chụp màn hình nếu cần. Nếu sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn chưa từng có trên thị trường, hãy chuẩn bị sẵn các văn bản chứng minh về bảo vệ thương hiệu, sở hữu trí tuệ.

Ở phần thông tin giới thiệu về đội ngũ, bạn nên tóm tắt chuyên môn, kỹ năng và vai trò của từng thành viên quan trọng trong công ty. Cuối cùng là phác thảo rõ nét về tình hình tài chính hiện tại của công ty.

Mục tiêu của sự chuẩn bị này là để không có nhà đầu tư nào, sau khi xem xét các kế hoạch của bạn, phải hỏi một câu kinh điển llà "Vì sao tôi nên đầu tư vào công ty của bạn?".

3. Đừng vội hỏi về tiền

Rõ ràng là nếu bạn không cần tiền từ nhà đầu tư đó thì khả năng bạn bắt chuyện với họ là rất thấp. Tuy nhiên, trong lần đầu tiên gặp mặt, bạn khoan vội đề cập đến điều này. Các nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều hơn vào cả chi tiết kế hoạch kinh doanh lẫn đam mê của bạn với công ty, thay vì chỉ xoay quanh chuyện bạn cần bao nhiều tiền.

“Trong những cuộc trò chuyện đầu tiên với nhà đầu tư tiềm năng, bạn nên chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp của bạn, đam mê của bạn và quá trình ấp ủ ý tưởng kinh doanh này, cũng như giá trị mà sản phẩm/dịch vụ của bạn mang đến cho khách hàng", Trevor Gerszt, một nhà đầu tư mạo hiểm và sáng lập của Goldco chia sẻ.

Giải thích về ý tưởng kinh doanh và làm cho họ cảm thấy quen thuộc với ý tưởng trước khi bắt đầu câu chuyện về đầu tư và gọi vốn", theo kinh nghiệm của Gerszt.

Sim Shagaya là một doanh nhân người Nigeria, sáng lập công ty Dealdey and Konga. Vị doanh nhân này đã gọi vốn thành công tổng cộng 78,5 triệu USD từ một công ty đầu tư Thụy Điển là Kinnevik và gã khổng lồ trong lĩnh vực truyền thông của Nam Phi - Naspers.

Sim Shagaya cho biết bí quyết gọi vốn thành công là do ông mang đến cho nhà đầu tư tiềm năng một kế hoạch kinh doanh chặt chẽ, phần thuyết trình hấp dẫn - trước khi bắt đầu giới thiệu về số vốn cần đầu tư.

4. Đừng phóng đại quá mức

Các nhà đầu tư thích nghe sự thật. Vì họ đều quan tâm đến lợi nhuận nên họ không muốn bạn đưa ra những lời giới thiệu quá phóng đại về dự án của mình. Vậy nên đừng hứa những gì bạn chưa chắc sẽ làm được. Khi tính toán nguồn thu của dự án, hãy tính toán sát với thực tế nhiều nhất có thể cũng như cân nhắc tất cả các điểm bất hợp lý phát sinh.

Cố gắng đừng quá tự cao khi giới thiệu và hãy thoải mái cho nhà đầu tư biết nếu bạn không có câu trả lời cho một vài câu hỏi của họ.

Nguyên tắc vàng để giới thiệu về sản phẩm của bạn là "kỳ vọng thấp - đáp ứng cao". Theo cách này, các nhà đầu tư sẽ thấy hài lòng khi họ nhận được các lợi nhuận đầu tiên và sẵn sàng đầu tư thêm cho các lần gọi vốn tiếp theo của bạn.

5. Chấp nhận những phê bình theo hướng tích cực

Hãy đón nhận mọi ý kiến phản hồi tiêu cực về dự án của bạn như là cơ hội để hiểu hơn về góc nhìn của nhà đầu tư. Sau đó, bạn có thể mang các phản hồi này về và cân nhắc các điều chỉnh cần thiết để lần trình bày dự án sau được tốt hơn.

Hãy nhớ rằng, đừng bao giờ phản ứng tiêu cực với những phê bình, chỉ trích từ các nhà đầu tư tiềm năng. Vì rất có thể, trong tương lai, họ thay đổi quan điểm và muốn hợp tác trở lại với bạn.

Cách gọi vốn từ các mạnh thường quân
Trong các cuộc làm việc với giới start-up, câu hỏi chúng tôi nhận được nhiều nhất là làm thế nào để gọi vốn từ các mạnh thường quân? Trả...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư