Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
5 năm tinh giản, biên chế tăng 20%
Phan Long - 14/07/2013 08:55
 
Sau 5 năm thực hiện tinh giản biên chế, bộ máy công chức thậm chí còn tăng thêm hơn 20%. Chính vì vậy, mục tiêu giữ nguyên biên chế đến năm 2016 sẽ khó khả thi.
TIN LIÊN QUAN

Bộ Nội vụ đang chủ trì xây dựng Đề án Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, để kịp triển khai từ năm 2014 đến 2020. Theo đó, thực hiện kết luận của Hội nghị Trung ương 7, khóa XI, trong 3 năm tới, số lượng biên chế cơ bản sẽ không được tăng thêm so với hiện nay.

Việc rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy và
tinh giản biên chế của nhiều bộ, ngành, địa phương không có phương án cụ thể ngay từ đầu (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, với thực tế triển khai việc tinh giản biên chế gần 5 năm qua, nhiều ý kiến cho rằng, việc giữ biên chế đến năm 2016 không tiếp tục “phình” to là rất khó khả thi.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, bộ máy công chức thậm chí còn tăng thêm tới hơn 20% sau 5 năm thực hiện Nghị định 132 về tinh giản biên chế.

Nguyên nhân, theo ông Lợi, là do việc rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế của nhiều bộ, ngành, địa phương không có phương án cụ thể ngay từ đầu.

Vì vậy, không có kế hoạch về số lượng người phải tinh giản, cũng như ai sẽ là người được giữ lại trong cơ cấu cán bộ. Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng được danh mục vị trí việc làm, cơ cấu cán bộ theo ngạch..., nên không có cơ sở để tuyển dụng, bổ nhiêm, bố trí cán bộ công chức một cách hợp lý, hiệu quả.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ, trong 5 năm qua, cả nước có gần 67.400 người nghỉ thuộc diện tinh giản biên chế, nhưng có tới 61.000 người nghỉ hưu trước tuổi, chiếm gần 91%. Điều đó cho thấy, số biên chế được tinh giản đơn thuần chỉ là “kêu gọi” những người sắp đến tuổi nghỉ về hưu sớm, gần như không có người bị tinh giản vì không đảm bảo công việc.

Giải pháp ngăn chặn “phình” biên chế mà Dự thảo Đề án này đưa ra là, kiên quyết ngăn ngừa, không để xuất hiện những văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, trong đó có quy định thêm về tổ chức, bộ máy; quản lý và sắp xếp lại các tổ chức cấu thành của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, huyện, xóa bỏ các tổ chức trung gian.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, xác định rõ vị trí việc làm để có cơ sở quản lý biên chế; tiêu chuẩn hóa chức danh lãnh đạo, quản lý và các chức danh công chức, viên chức. Những vị trí việc làm mang tính thời vụ, tính giai đoạn sẽ không được giao biên chế. Sẽ cắt bỏ, không giao biên chế cho các tổ chức, đơn vị thành lập không đúng thẩm quyền. Các cơ quan, đơn vị thực hiện việc một người kiêm nhiệm nhiều chức danh, xác định, thể chế hóa và thực hiện đúng quy định về số lượng cấp phó.

Dự thảo Đề án đưa ra việc đổi mới cơ chế đánh giá công chức, viên chức theo nguyên tắc đề cao thẩm quyền gắn với trách nhiệm của cấp trên trong đánh giá nhân sự cấp dưới. Đáng chú ý làa, Dự thảo đặt ra tiêu chí kiểm soát việc tăng biên chế, theo đó “số được tuyển dụng mới vào công vụ không quá 50% số biên chế đưa ra khỏi công vụ do tinh giản biên chế”. Như vậy, phải giảm hai người mới được tuyển dụng một người.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, qua xác định vị trí việc làm sẽ xác định được rõ, đủ, đúng, cần thiết số người làm việc trong mỗi cơ quan tổ chức, đơn vị. Trên cơ sở đó xác định rõ những vị trí, những người không nhất thiết phải bố trí vào trong các cơ quan đó.

Mặc dù vậy, để xác định được vị trí việc làm của tất cả các cơ quan hành chính nhà nước là không hề đơn giản. Thực tế, từ năm 2008, với sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Bộ Nội vụ cũng đã thí điểm việc hỗ trợ cải cách chế độ công vụ, công chức ở một số bộ, ngành, địa phương, trong đó bao gồm cả việc xây dựng vị trí việc làm. Quá trình triển khai đã nảy sinh không ít khó khăn, vướng mắc.

Theo TS. Tạ Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tài nguyên và Môi trường), với những đơn vị quản lý quá trình xác định thời gian cần thiết ở mỗi vị trí việc làm để hoàn thành nhiệm vụ, xác định tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc là hết sức khó khăn. Chính vì vậy, còn thiếu cơ sở để xác định số người cần thiết tại mỗi vị trí việc làm cũng như tính định biên của đơn vị...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư