Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
6 cổ phiếu cần quan tâm ngày 31/7
 
Đầu tư trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 31/7 của các công ty chứng khoán.

1. PGC: Khuyến nghị đầu tư trong trung hạn

CTCK MaritimeBank (MSBS)

* Điểm nhấn cơ bản:

PGC là đơn vị thành viên của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Hiện nay, PGC là thương hiệu có uy tín nhất trên thị trường và là một trong 3 đơn vị có sản lượng kinh doanh Gas lớn nhất trên thị trường Việt Nam với thị phần đạt hơn 20% toàn thị trường.

Trong quý I/2015, PGC đạt 615,5 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 22% so với cùng kỳ 2014 và chỉ đạt 20% kế hoạch đặt ra nhưng nhờ tiết giảm giá vốn hàng bán cùng chi phí phí tài chính giúp lợi nhuận sau thuế của PGC tăng 29% cùng kỳ, đạt hơn 21 tỷ đồng.

PGC đặt kế hoạch 2015 với mục tiêu tổng doanh thu 2.728 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 110 tỷ đồng gần tương đương với mức thực hiện năm 2014. Tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư tại CTCP taxi gas petrolimex Sài Gòn do kinh doanh không hiệu quả.

PGC dự kiến sẽ phát hành 10,057 triệu cổ phiếu (tỷ lệ phát hành 20%/vốn điều lệ) trong năm 2015. Sau khi phát hành vốn điều lệ sẽ tăng lên 603,4 tỷ đồng.

Chi trả cổ tức các năm bằng tiền đều đặn: Tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2013 và 2014 của PGC đều là 12%/vốn điều lệ, năm 2015 dự kiến sẽ trả cổ tức từ 12% trở lên.

* Phân tích kỹ thuật:

Là cổ phiếu mang tính cơ bản hơn là cổ phiếu đầu cơ. Phù hợp với phong cách đầu tư trung hạn.

PGC có một số phiên có thanh khoản khá tốt trong vòng 1 tháng gần đây. PGC đang có diễn biến giá ở biên độ hẹp với thanh khoản suy kiệt cho thấy PGC đang sẵn sàng cho một đợt tăng giá mới.

PGC đang tạo mẫu hình tăng giá “Cup with hand” với thời gian 4 - 6 tuần. Đây là mẫu hình tăng giá mạnh và cần có sự kiểm chứng với 1 phiên thanh khoản giao dịch lớn.

Dưới góc độ PTKT, các chỉ báo RSI, MACD, MA20 đang phản ánh xu thế tăng giá tốt trong ngắn hạn.

2. IMP: Tốc độ tăng trưởng doanh thu tốt nhất ngành

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Doanh thu thuốc từ kênh đấu thầu (ETC) của IMP 6 tháng giảm 46% so với cùng kỳ. Từ sau thay đổi của luật đấu thầu thuốc tại kênh bệnh viện của Thông tư 01 và được thay thế bởi Thông tư 36 và 37 hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất dược nội địa đang cạnh tranh khốc liệt về giá theo từng nhóm thầu phân loại dựa vào chuẩn sản xuất trong kênh đấu thầu. Đối với doanh nghiệp dòng thuốc chất lượng cao như IMP, ảnh hưởng từ Thông tư 01 đến kết quả đấu thầu là vô cùng lớn.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, tỷ trọng doanh thu thuốc từ kênh đấu thầu (ETC) của IMP chỉ chiếm 12% doanh thu giảm 46% so với cùng kỳ. Tuy nhiên nhờ tăng trưởng đến 35% của kênh OTC, IMP vẫn có kết quả kinh doanh quý II khả quan, với doanh thu 6 tháng đạt 453,6 tỷ đồng tăng khoảng 21% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt gần 53 tỷ đồng tăng 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, nhiều khả năng IMP sẽ có thể hoàn thành kế hoạch 1.050 tỷ đồng doanh thu năm 2015.

Hai nhà máy thuốc tiêm đã 85% hoàn thiện các tiêu chuẩn để nâng nhà máy lên chuẩn EU GMP với kết quả đánh giá tiền khả thi. Dòng thuốc tiêm hiện tại của IMP là dòng thuốc tiêm dạng bột với nguyên vật liệu được nhập khẩu chính từ Tây Ban Nha và một phần từ Ý.

Điểm nhấn chính nhà máy thuốc tiêm hiện tại của IMP là công nghệ vô trùng tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn của EU GMP bảo đảm việc sản xuất ra các sản phẩm hoàn toàn an toàn cho người sử dụng.

Trong một năm nâng cấp nhà máy, IMP đã thực hiện áp dụng các hộp khử trùng đưa chai lọ từ bên ngoài vào (Pass box) cũng như cải tiến hệ thống khí, thay thế khí tái lọc hiện tại bằng khí tươi (fresh air)…

Dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2016, Hai nhà máy thuốc tiêm kháng sinh của IMP sẽ chính thức được công nhận nâng chuẩn EU GMP. Việc nâng chuẩn này sẽ mở ra cơ hội lớn cho IMP thâm nhập vào khai thác kênh đấu thầu trong các năm tới.

IMP đón đầu xu thế với nhà máy đạt chuẩn EU-GMP từ năm 2016. Nhà máy được nâng chuẩn không chỉ hỗ trợ IMP thâm nhập kênh đấu thầu mà còn mở rộng khả năng sản xuất nhượng quyền trong tương lai cũng như kinh nghiệm nâng chuẩn cho nhà máy non-betalactam sắp được xây dựng trong thời gian tới.

Chúng tôi nhận định IMP vẫn sẽ là một trong những doanh nghiệp dược có tốc độ tăng trưởng doanh thu tốt nhất ngành trong các năm tới. Nâng chuẩn nhà máy tác động mạnh đến doanh thu của IMP từ năm 2017.

Theo kế hoạch IMP sẽ hoàn tất việc nâng chuẩn và thanh tra trong năm 2015 và được công nhận nâng chuẩn trong 6 tháng đầu năm 2016.

Chúng tôi nhận định đây là một thời gian rất ngắn để có thể hoàn thành việc được chứng nhận nâng chuẩn cho nhà máy thuốc tiêm này. Tuy vậy mặc dù việc nâng chuẩn có hoàn thành đúng thời hạn hay không thì tác động của việc nâng chuẩn này đến doanh thu của IMP từ kênh đấu thầu trong năm 2016 là không cao do IMP có thể bắt đầu ghi nhận tác động tích cực lên doanh thu chỉ từ quý cuối của năm 2016 và tác động mạnh hơn vào năm 2017.

3. FPT: PE dự phóng 9,7x

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Tập đoàn FPT công bố KQKD 6 tháng đầu năm 2015 với doanh thu 19.328 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 881 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở khối viễn thông, tỷ suất lợi nhuận trước thuế đã cải thiện đôi chút so với các tháng trước. Dự án quang hoá đã được hoàn thành trong 6 tháng đầu năm, theo đó kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận của mảng viễn thông trong 6 tháng cuối năm sẽ được tiếp tục cải thiện.

Ở khối công nghệ, lợi nhuận của mảng xuất khẩu phần mềm vẫn chịu ảnh hưởng từ các chi phí liên quan đến giai đoạn chuyển đổi công việc ở FPT Slovakia. Việc chuyển đổi này theo dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015.

Khối phân phối và bán lẻ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tốt. Mảng phân phối sản phẩm công nghệ và điện thoại di động ghi nhận doanh thu tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận trước thuế tăng 24%. Trong khi mảng bán lẻ ghi nhận doanh thu tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế tăng tới 318% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chúng tôi dự báo doanh thu 2015 đạt 39.208 tỷ đồng, tăng 20% so với năm ngoái và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.852 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm ngoái. EPS 2015 ước tính đạt 4.933 đồng/CP. Cổ phiếu FPT giao dịch với P/E dự phóng 9,7x. Giữ nguyên giá mục tiêu 54.000 đồng/CP.

FPT: Khuyến nghị mua trung và dài hạn

CTCK BIDV (BSC)

Ngày 29/07/2015, FPT công bố kết quả kinh doanh 6 tháng với chỉ tiêu doanh thu hợp nhất đạt 19.328 tỷ đồng (+27% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 1.138 tỷ đồng (+10% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 881 tỷ đồng (+12%so với cùng kỳ năm ngoái), tương đương EPS 6T = 2.224 đồng.

Khối Phân phối, Bán lẻ đạt mức tăng trưởng cao nhất toàn tập đoàn trong 6 tháng đầu năm 2015. Trong đó, lĩnh vực Bán lẻ đạt doanh thu 3.575 tỷ đồng (+63% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận trước thuế đạt 71 tỷ đồng (+315% so với cùng kỳ năm ngoái); FPT Retail hiện có 205 cửa hàng bán lẻ (tính đến hết tháng 6/2015), cùng kỳ năm 2014 là 119 cửa hàng.

Lĩnh vực Phân phối đạt lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng (+24% so với cùng kỳ năm ngoái), gồm: phân phối IT – lợi nhuận trước thuế 90 tỷ đồng (+48% so với cùng kỳ năm ngoái) và phân phối mobile – lợi nhuận trước thuế 210 tỷ đồng (+16% so với cùng kỳ năm ngoái).

Khối Công nghệ tăng trưởng tích cực, ghi nhận doanh thu 6 tháng đạt 3.460 tỷ đồng (+27% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận trước thuế đạt 395 tỷ đồng (+14% so với cùng kỳ năm ngoái). Đáng chú ý, bên cạnh những hoạt động truyền thống như các năm trước, từ năm 2015 FPT đã triển khai dịch vụ thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin, hiện FPT đã được Bộ GTVT chọn triển khai đề án thí điểm xây dựng hệ thống giám sát xử lý vi phạm giao thông trên 2 đoạn tuyến cao tốc Nội Bài-Phú Thọ và Pháp Vân-Ninh Bình.

Khối Viễn thông chỉ tăng trưởng nhẹ do có thêm dự án quang hóa. Khối Viễn thông ghi nhận doanh thu 2.521 tỷ đồng (+7% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận trước thuế 543 tỷ đồng, chỉ tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân do trong năm 2014, dự án quang hóa được bắt đầu vào tháng 5, trong khi đó dự án quang hóa năm 2015 được bắt đầu ngay từ đầu năm và thực hiện trong 6 tháng đầu năm.

Chúng tôi vẫn duy trì khuyến nghị mua trung và dài hạn cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 56.186 đồng/CP. Ngày 29/07/2015, cổ phiếu FPT đang được giao dịch với PE FW = 10.23x.

4. GSP: Định giá tương đối hấp dẫn

CTCK BIDV (BSC)

CTCP Vận tải sản phẩm khí quốc tế (GSP - HOSE) cho biết, 6 tháng đầu năm 2015, Doanh thu hợp nhất ước đạt 500 tỷ đồng (+11%), lợi nhuận trước thuế 45 tỷ đồng (+50% so với cùng kỳ năm ngoái), hoàn thành 51% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2015. GSP sẽ đầu tư thêm 1 tàu vào quý IV có trọng tải khoảng 7.500 DWT vào cuối năm với chi phí đầu tư ~ 8 triệu USD. Như vậy, đến cuối năm 2015, GSP sẽ có tổng cộng 8 tàu chở LPG với tổng trọng tại khoảng 25.200 DWT.

GSP là 1 trong số ít các doanh nghiệp vận tải biển có KQKD ổn định nhờ việc vận chuyển LPG cho nhà mày lọc dầu Dung Quất và nhà máy xử lý khí Dinh Cố. Tình hình tài chính lành mạnh với nợ vay thấp, hiệu quả sinh lời cao, cổ tức tiền mặt đều đặn 10%-12% tương đương với mức tỷ suất 9,3%.

KQKD 2015 dự báo sẽ tăng trưởng tốt: (1) Việc thay đổi thời gian phân bổ chi phí sửa chửa tàu trong năm 2014 đã làm giảm chi phí năm 2015; (2) 2 tàu Hồng Hà và Việt Gas hết khấu hao. Lợi nhuận trước thuế 2015 ước đạt 60,1 tỷ đồng, EPS forward~2.000 đồng/CP, P/E forward~6,3, đây là mức định giá tương đối hấp dẫn so với mặt bằng chung của thị trường.

5. HHS: PE giao dịch ở mức 4,5 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Trong lúc nhà đầu tư còn hoang mang, HHS đã công bố KQKD quý II/2015 khả quan. Theo đó, doanh thu hợp nhất và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2015 lần lượt đạt 1.450 tỷ đồng và 143,2 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2015, tổng doanh thu hợp nhất và lợi nhuận sau thuế của HHS lần lượt đạt 2.044 tỷ đồng và 336 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa công bố chi tiết sản lượng tiêu thụ trong kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2015, HHS đã hoàn thành 45,4% kế hoạch doanh thu (kế hoạch 4.500 tỷ đồng) và 61% kế hoạch lợi nhuận (kế hoạch 550 tỷ đồng) đã được Đại hội đồng cổ đông Công ty thông qua. Đây là kết quả thuận lợi cho việc kế hoạch kinh doanh cả năm 2015.

Theo Nghị quyết HĐQT ngày 14/07/2015, HĐQT đã giao Chủ tịch HĐQT thực hiện các thủ tục tạm ứng cổ tức 2015 với tỷ lệ 10% tiền mặt và 10% cổ phiếu trong tổng mức 30% đã được ĐHĐCĐ thông qua; dự kiến việc tạm ứng được thực hiện trong tháng 8/2015. Tính đến cuối quý II/2015, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 360 tỷ đồng (tương đương 3.246 đồng/CP).

Mặc dù hàng tồn kho tăng mạnh (45,8% so với cuối quý I/2015, lên 1213 tỷ đồng) nhưng khả năng thanh toán của HHS vẫn duy trì ở mức khá. Tỷ lệ thanh toán nhanh cuối quý II/2015 đạt 1,05 lần, khá an toàn (cuối quý I/2015 là 1,3 lần). Tỷ lệ nợ trên vốn xấp xỉ 36,6%, tương đối thấp so với 1 số công ty trong ngành.

Mặc dù vậy, theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, lưu chuyển tiền thuần của công ty trong kỳ là âm 361,9 tỷ đồng. Một phần là do tài trợ hàng tồn kho (tăng gần 381 tỷ đồng) và các khoản phải trả (chưa bao gồm lãi vay phải trả, thuế TNDN phải nộp) (giảm 625 tỷ đồng) trong quý II/2015.

HHS chuyên phân phối các loại xe đầu kéo và là nhà phân phối độc quyền của hãng xe Dongfeng (Trung Quốc) tại Việt Nam. HHS cũng phân phối xe tải Sinotruk Howo và xe đầu kéo Freightliner sau khi sáp nhập với Hoàng Giang. Ngoài ra, HHS lên kế hoạch phân phối sản phẩm xe đầu kéo Mỹ International chính hãng lần đầu tại Việt Nam trong tháng 8 2015.

Theo kế hoạch kinh doanh 2015, HHS đang giao dịch tại P/E là 4,5 lần.

6. DGW: PE ước khoảng 7,7 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Thế Giới Số (mã DGW) cho biết, doanh thu 2014 tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 4.956 tỷ đồng. Mức tăng trưởng vượt bậc này nhờ (1) sự đóng góp từ mảng ĐTDĐ hoạt động (chiếm 43% tổng doanh thu) từ tháng 6/2013 tăng đột biến 151% so với cùng kỳ năm ngoái, (2) linh kiện, chiếm 9% doanh thu, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái do sự tăng trưởng mạnh về số lượng đại lý.

Thị phần của DGW liên tục được mở rộng, các sản phẩm của công ty được phân phối đến 5.500 đại lý, tăng từ mức 2.000 đại lý cuối 2013. Nhờ lợi thế về quy mô, DGW có được chi phí mua sản phẩm từ các nhà cung cấp, chiếm bình quân 96% tổng chi phí, ở mức tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác trong ngành. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận gộp 2014 cải thiện 1 điểm phần trăm lên mức 6%. Các chi phí khác biến động không đáng kể, lợi nhuận sau thuế 2014 là 128 tỷ đồng, tăng 149% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kế hoạch doanh thu là 6.023 tỷ và lợi nhuận sau thuế là 160 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái trong 2015. Yếu tố tạo động lực tăng trưởng của DGW trong năm nay là trở thành nhà phân phối độc quyền điện thoại Obi – đây là dòng sản phẩm smartphone giá rẻ (70USD - 200USD) của cựu Tổng Giám đốc Apple.

Dự kiến điện thoại Obi sẽ ra mắt vào quý III/2015 tại Mỹ và 01 tháng sau đó dòng sản phẩm này sẽ có mặt tại Việt Nam do Digiworld là đối tác phân phối chính. Kết quả 6 tháng đầu năm 2015 của DGW với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 2.109 tỷ đồng và 59,7 tỷ đồng, giảm 1% và 2% so với cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch năm, DGW chỉ mới hoàn thành 35% và 37% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế.

DGW là một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành bán sỉ truyền thông. Do tình hình kinh tế các năm gần đây khó khăn hơn, ngành tiêu dùng nói chung cũng gặp nhiều ảnh hưởng, nhưng DGW cho thấy nổ lực duy trì hiệu quả trong hoạt động thông qua việc mở rộng kinh doanh sang phân phối ĐTDĐ.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng với sự cạnh tranh quyết liệt vốn có của ngành, việc phát triện thị phần ĐTDĐ và duy trì được đà tăng trưởng là một thử thách lớn cho DGW. Hơn nữa sự thành công của điện thoại Obi hiện vẫn là dấu hỏi.

DGW chính thức giao dịch vào ngày 3/8 với giá chào sàn là 52.000 đồng/CP với EPS 2015 dự phóng là 6.785 đồng/CP thì P/E ước khoảng 7,7 lần, không thấp hơn nhiều so với P/E trung bình ngành là 8 lần.

DGW: Khuyến nghị theo dõi

CTCK FPT (FPTS)

Về sự khác biệt của DGW so với 2 đối thủ cạnh tranh, chúng tôi cho rằng khác biệt này không quá lớn và chủ yếu chỉ có thể cung ứng cho các “người chơi mới” chưa có danh tiếng và quy mô nhỏ tại thị trường Việt Nam như Wiko, Obi, Alcatel… 

Về tham vọng ở mảng E-Fulfilment, nếu DGW triển khai hoạt động này vô hình chung sẽ dẫm lên chân các đơn vị bán lẻ vốn đã đầu tư rất mạnh và bài bản trong mảng này như Thế giới Di động, FPTS Shop, Lazada và sắp tới còn là A Đây Rồi của Vincom. Do đó, triển vọng từ mảng này là không rõ ràng. 

Về kế hoạch triển khai Enterprise Solultion, bản chất của hoạt động này là việc DGW đóng gói và bán các giải pháp mà họ đang áp dụng trên chính hệ thống của mình cho các đơn vị có quy mô nhỏ hơn với giá cạnh tranh. 

Ở nhóm khách hàng lớn, DGW không thể cạnh tranh với kinh nghiệm và năng lực triển khai hệ thống ERP của FPT IS. Ở nhóm khách hàng nhỏ, FPTS với một số hệ thống tích hợp sắp được triển khai cũng là một đối thủ lớn mà DGW phải đối mặt. Do đó, triển vọng mảng này cũng cần thêm thời gian để được chứng minh.

Khuyến nghị: chúng tôi ước tính doanh thu 2015 của DGW ước đạt 5.230 tỷ đồng (+7,3% so với năm ngoái), lợi nhuận sau thuế 2015 ước đạt 149 tỷ đồng (+16,7% so với năm ngoái), lần lượt hoàn thành 87% và 93% kế hoạch năm. Ứng với mức lợi nhuận sau thuế nêu trên, EPS 2015 của DGW ước đạt 6.329 đồng/CP.

Mức P/E phù hợp với cổ phiếu không có nhiều tiềm năng tăng trưởng như DGW khoảng 7.5, ứng với giá mục tiêu ngắn hạn trong 2015 của DGW ở mức 47.500 đồng/CP, thấp hơn 8,6% so với giá niêm yết chào sàn 52.000 đồng/CP ngày 3/8/2015. Do đó, chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI cổ phiếu này và chưa giải ngân đầu tư trong thời điểm hiện tại.

Thủ tướng Anh David Cameron thăm HOSE
Ngày 30-7, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Thủ Tướng Anh David Cameron đã đến thăm và làm việc tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM ( HOSE) và gặp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư