Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
800.000 tỷ vốn xây dựng cơ bản - điểm nóng thanh tra giao thông 2014
Anh Minh - 24/02/2014 00:00
 
Với quy mô rất lớn về vốn, cùng với chính sách quản lý đầu tư chưa thật sự hoàn thiện, lĩnh vực xây dựng cơ bản vẫn sẽ là điểm nhạy cảm cần tiếp tục được giám sát chặt chẽ trong năm 2014 của ngành giao thông - vận tải. Thanh tra trên diện rộng các dự án dùng vốn công >Từ chối phong bì, nhà báo bị nhốt, đánh nhập viện? >Nợ xây dựng cơ bản sẽ không được làm dự án mới
TIN LIÊN QUAN

4 nhà thầu bị cấm đấu thầu, không xem xét chỉ định thầu; 14 nhà thầu khác bị gửi thông báo tới các chủ đầu tư cần lưu ý thận trọng xem xét năng lực khi tham gia đấu thầu là số lượng doanh nghiệp bị Thanh tra Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) xử lý cao nhất từ trước tới nay, sau các cuộc thanh tra các dự án đầu tư xây dựng công trình năm 2013.

Với quy mô rất lớn về vốn, lĩnh vực xây dựng cơ bản cần nhiều hơn các cuộc thanh tra đột xuất. Ảnh: Anh Minh

Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, các nhà thầu này bị “dính thẻ phạt” tại Dự án Xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước do Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư; Dự án Xây dựng đường Pác Ma - Mường Nhé do Sở GTVT Lai Châu làm chủ đầu tư; 4 dự án công trình giao thông triển khai từ năm 2009 đến nay do Sở GTVT Cần Thơ quản lý.

“Các nhà thầu bị xử lý do vi phạm hợp đồng xây dựng, có hành vi chuyển nhượng khối lượng trái phép hoặc không hợp tác, cung cấp tài liệu đầy đủ cho các đoàn thanh tra”, ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh thanh tra Bộ GTVT cho biết.

Qua 17 cuộc thanh tra hành chính, Thanh tra Bộ GTVT đã tiến hành xử lý về kinh tế hơn 400 tỷ đồng; giảm trừ giá trị thanh toán tại các dự án hơn 121 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về ngân sách là 12,8 tỷ đồng. Nếu chia ra đầu các dự án được thanh tra, thì trung bình mỗi dự án chỉ bị đoàn kiểm tra thu hồi chưa đầy 500 triệu đồng, chắc chắn chưa phản ánh chính xác tính chất phức tạp của hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay.

Theo đánh giá của Thanh tra Bộ GTVT, sai phạm nổi cộm tại các dự án giao thông được kiểm tra trong năm 2013 là có không ít nhà thầu sau khi ký hợp đồng đã bán thầu hoặc ký hợp đồng với thầu phụ không đảm bảo chất lượng mà không có văn bản chấp thuận của chủ đầu tư. Bản thân các chủ đầu tư, nhất là chủ đầu tư ở địa phương cũng không vô can khi để các dự án giao thông chậm tiến độ, còn nhiều khiếm khuyết về chất lượng .

“Công tác mở thầu, chấm thầu có nhiều sai sót, nặng về hình thức, nên nhiều dự án để lọt các nhà thầu không đủ năng lực trúng thầu thi công”, đại diện Thanh tra Bộ GTVT đánh giá.

Điều đáng báo động là, tình trạng khiếu nại trong đấu thầu tại các dự án giao thông có xu hướng tăng, khi trong năm 2013, Thanh tra Bộ GTVT phải tổ chức ít nhất 2 cuộc thanh tra đột xuất, nhằm xác minh các đơn tố cáo tại Dự án Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 217 và Dự án Phát triển giao thông Đồng bằng Bắc Bộ WB6.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ GTVT, trên toàn quốc đang triển khai thực hiện 150 công trình, dự án do bộ này phê duyệt đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 800.000 tỷ đồng. Với quy mô rất lớn về nguồn vốn, cùng với chính sách quản lý đầu tư chưa thật sự hoàn thiện, lĩnh vực xây dựng cơ bản vẫn sẽ là điểm nhạy cảm cần tiếp tục được giám sát chặt chẽ trong năm 2014.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, báo cáo của thanh tra ngành nêu ra rất nhiều cuộc thanh tra, với kết quả khác nhau, nhưng thực tế thì đi đến đâu mọi người cũng đều kêu ca về chất lượng công trình giao thông có vấn đề, tiến độ thi công chậm...

“Đối với các dự án hạ tầng giao thông, các kết luận thanh tra phải chỉ ra và phải có chế tài buộc những tổ chức, cá nhân phải bỏ tiền ‘đền’ cho những hư hỏng, khiếm khuyết”, ông Thăng yêu cầu.

Cần phải nói thêm rằng, Bộ GTVT được giao nhiệm vụ quản lý về mặt nhà nước cũng như đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, nên luôn cần lượng vốn rất lớn và các công tác khác như thu phí, đăng ký, đăng kiểm, kiểm tra tải trọng, đào tạo sát hạch lái xe… liên quan đến tiền mặt, vì thế dễ dẫn tới nguy cơ cao về tiêu cực, tham nhũng và làm gia tăng các vụ tai nạn giao thông.

Đây cũng là lý do vì sao thời gian qua có một số cán bộ thanh tra GTVT ở địa phương vi phạm quy trình nghiệp vụ trong khi thi hành công vụ.

“Họ đi thanh tra thường xuyên mà không phát hiện sai phạm, trong khi báo chí và nhân dân lại phát hiện ra rất nhiều. Đơn cử như việc thanh tra đăng kiểm tàu cánh ngầm, trong cả năm 2013, lực lượng Thanh tra không phát hiện vi phạm, nhưng vẫn để xảy ra tai nạn, thậm chí mới đây, báo chí lại phát hiện ra những sai phạm rất lớn. Ở đây phải đặt vấn đề là do trình độ của lực lượng thanh tra kém hay do bao che?”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Thanh tra trên diện rộng các dự án dùng vốn công
Một trong những nội dung trong Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là thanh tra, kiểm tra các dự án sử dụng vốn ngân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư