Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
8X Đồng Tháp Ngô Chí Công: Khởi nghiệp với biểu tượng hoa sen nên không được phép thất bại
Hồng Phúc - 19/05/2017 09:42
 
Sau 2 lần khởi nghiệp thất bại, Ngô Chí Công làm lại lần ba với hoa sen và xem đây như duyên nợ với quê nhà Đồng Tháp. Đến giờ, chàng thanh niên sinh năm 1989 này xác định sản phẩm chiến lược của Công ty bắt nguồn từ lá sen, chứ không phải là sản phẩm hoa sen ướp đã làm nên tên tuổi “Công sen”.
Ngô Chí Công và sản phẩm làm nên tên tuổi “Công sen”.
Ngô Chí Công và sản phẩm làm nên tên tuổi “Công sen”.

Về quê khởi nghiệp

Chí Công gọi hai lần khởi nghiệp thất bại với bánh ngọt và gốm giả đá là sản phẩm của bản tính “ngựa non háu đá” của bản thân. Cho đến khi quê hương Đồng Tháp kêu gọi thanh niên khởi nghiệp, anh mới trở về và dồn hết tâm trí vào hoa sen. “Tôi thích vẻ đẹp, mùi thơm của hoa sen, nhưng ghét, đúng hơn là tiếc, vì nó mau tàn. Vì thế, tôi quyết tâm ứng dụng kỹ thuật bảo quản hoa của Pháp để kéo dài thời gian thưởng thức hoa sen. Đây là một mắt xích để nâng cao giá trị của cây sen”, Ngô Chí Công chia sẻ.

Trong buổi trình bày trước lãnh đạo Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) về sản phẩm của Công ty Khởi Minh Thành Công, Chí Công cho biết, sản phẩm tốt cho môi trường (trồng hoa sen cải tạo đất và hoa tự phân hủy) tốt cho nông dân (mở thêm kênh tiêu thụ, thu mua với giá ổn định), mang hình ảnh, cốt cách của người Đồng Tháp nói riêng và Việt Nam nói chung ra thế giới.

Tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành kỹ sư hóa chuyên về phát triển bền vững và sống ở Pháp hơn 6 năm, Ngô Chí Công cho rằng, quá trình học và làm thêm tại Pháp đã rèn cho bản thân anh tư duy nghiên cứu. Vì vậy, sau khi học hỏi các nghệ nhân ướp hoa tươi ở Đà Lạt (Lâm Đồng), anh đã tự nghiên cứu tìm bí quyết riêng để áp dụng cho hoa sen. Sau 3 lần cải tiến với tỷ lệ hư hỏng từ 40%, đến nay, sản phẩm hoa sen ướp của Chí Công đã bước đầu hoàn thiện.

“Công thức ướp hoa tươi ở Đà Lạt chỉ có thể áp dụng cho các loại hoa có đài như hoa hồng, hoa cúc, hoa cẩm chướng... Còn hoa sen thì cực kì khó vì không có đài. Thêm vào đó, quá trình thực hiện cùng cần tính toán cẩn thận, chi ly. Thời gian từ lúc cắt dưới đầm đến lúc xử lý phải nhanh trong khoảng từ 1-2 tiếng, thậm chí chúng tôi phải tiền xử lý ngay tại đồng. Có như vậy mới giữ được sắc hoa tươi, bền màu và tự nhiên nhất”, Chí Công nói.

Khá kỹ tính về quá trình ướp hoa sen, Công cho biết, cần 7 ngày để tạo nên một bông hoa và 3 ngày để sản phẩm ổn định rồi mới bán ra thị trường.

Sản phẩm chiến lược từ lá sen

Với vùng nguyên liệu hơn 5 ha từ việc liên kết và thu mua của nông dân tại TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp), trung bình mỗi ngày, Công ty Khởi Minh Thành Công có thể sản xuất 2.000 hoa sen ướp. Nguồn hàng này được cung cấp đến các khu du lịch, cơ quan chính quyền tỉnh và thông qua Công ty Hoa Tâm Việt để tiêu thụ tại TP.HCM. Thậm chí, Chí Công còn tận dụng mối quan hệ với một số bạn bè tại nước ngoài để đưa hoa sen xuất ngoại.

“Sắp tới, chúng tôi có một dòng sản phẩm về lá sen và chắc chắn có thể cạnh tranh được với sản phẩm của Thái Lan. Cụ thể, đối với thị trường du lịch, có thể làm nón lá sen, quà tặng thủ công mỹ nghệ... Với phân khúc cao cấp, thì làm đồ trưng bày, nia từ lá sen...”, Chí Công tự tin trình bày trước lãnh đạo của SVF.

Dù vậy, Công ty Khởi Minh Thành Công chỉ mới xác định được đâu là sản phẩm chiến lược cách đây vài tháng. Theo đó, hoa sen ướp được xác định là sản phẩm thuộc phân khúc trung và cao cấp, với giá trung bình 100.000 đồng/hoa. Còn với lá sen, Công sẽ thực hiện được giấc mơ vực dậy sự phát triển của các ngành khác với tranh lá sen hay các sản phẩm thủ công mỹ nghệ... dễ tiếp cận đa số khách hàng hơn.

Thêm vào đó, dự án này còn tạo việc làm cho nhiều lao động đã về hưu. Thậm chí, Công còn phối hợp với trung tâm khuyết tật của tỉnh Đồng Tháp đào tạo, dạy nghề cho người khuyết tật. Anh cũng muốn sản phẩm của Công ty thêm phần trọn vẹn bởi được tạo nên từ bàn tay, tâm huyết của người quê nhà.

Vẫn còn một quãng đường dài để biết Khởi Minh Thành Công có thực hiện được tham vọng với lá sen hay không. Chỉ biết hiện tại, Chủ tịch SVF đánh giá cao mô hình này và cam kết hỗ trợ 4 yếu tố chính: một người cố vấn, giải pháp về bao bì, thiết lập mô hình kinh doanh phù hợp để nhanh chóng đưa mặt hàng này ra nước ngoài và tìm nhà đầu tư thiên thần.

“Khởi Minh Thành Công đã nợ chính quyền và người dân Đồng Tháp khi gắn mình với biểu tượng hoa sen. Do đó, Công ty không được phép thất bại”, Chủ tịch SVF nhấn mạnh.

Hài lòng với sự hỗ trợ tích cực từ các cấp chính quyền tỉnh Đồng Tháp cũng như các quỹ khởi nghiệp, chàng trai sinh năm 1989 này tin rằng, bản thân sẽ chỉ gắn với hoa sen cho đến khi giấc mơ biến loài hoa này bất tử trở thành hiện thực.

Cần tạo môi trường cho các startup được quyền tự do biểu đạt, quyền thất bại và tiếp tục khởi nghiệp
Ngày mai (19/5), Diễn đàn Doanh nhân trẻ và thanh niên khởi nghiệp với chủ đề “Khởi nghiệp sáng tạo - Hiểu đúng, Hành động đúng” sẽ diễn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư