Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
9X Hoàng Tiễn, sáng lập Coffee Bike Viet Nam: Mang công nghệ đi bán cà phê
Hồng Phúc - 16/09/2016 09:24
 
“Cơn lốc màu da cam” đang là biệt danh nhiều người dành cho Coffee Bike Viet Nam – mô hình khởi nghiệp của chàng thanh niên Hoàng Tiễn. Sau 2 tháng hoạt động, 15 điểm bán đã ra đời kèm với tuyên ngôn “cà phê phải được pha từ hạt cà phê”.

Cà phê phải từ… hạt cà phê

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành quan hệ công chúng của Trường Đại học Văn Lang (TP.HCM), Hoàng Tiễn - chàng trai sinh năm 1992 tìm ngay được chỗ làm thuộc diện “chăn ấm nệm êm”. Công việc đúng nghề học, lương thưởng ổn định, lại có thời gian dành cho cà phê – thức uống yêu thích của Tiễn.

Nhưng cũng vì có thời gian thăm nom các quán cà phê do yêu cầu công việc khi đó, Tiễn bỗng phát hiện ra, không phải lúc nào cũng ghé được quán cà phê hợp gu cho dù quán cà phê ở TP.HCM dày đặc. Giá mà có cách gọi tách cà phê hợp ý bất cứ lúc nào thì tiện quá. Tiễn và nhiều người bạn đã từng chia sẻ mong ước ấy khi phải gọi thứ thức uống mùi cà phê, nhưng không hiểu trong đó có gì.

Sáng lập Coffee Bike Viet Nam Hoàng Tiễn (bên trái)
Sáng lập Coffee Bike Viet Nam Hoàng Tiễn (bên trái)

Riêng Tiễn không chỉ mong muốn. Những ý tưởng bắt đầu nhen nhóm. Tiễn lên mạng, tìm kiếm các thông tin về cà phê, rồi tự làm cà phê thực sự cà phê cho mình. “Nhiều người uống rồi khen. Tại sao không giới thiệu rộng ra? Tôi quyết định thử”, Tiễn kể lý do đến với cà phê.

Cà phê mang đi chia sẻ với bạn bè là một chuyện, ai cũng thấy ngon, nhưng mất khá nhiều thời gian để Tiễn thuyết phục rằng, cà phê Tiễn đang làm là cà phê rang mộc, không bắp, đậu nành, tạp chất...

“Chính trong lúc đó, tôi tự nghĩ rằng, không chỉ những người xung quanh tôi, mà đại đa số mọi người đều đang nghĩ “cà phê chỉ làm từ cà phê” là một điều gì đó xa xỉ. Chúng tôi muốn đưa cà phê về đúng giá trị nguyên bản của nó”, Hoàng Tiễn nói.

Tháng 6/2016, Hoàng Tiễn chính thức bỏ công việc văn phòng, cùng một người bạn học chung đại học là Quốc Anh thành lập Coffee Bike Viet Nam. Quốc Anh hiện cũng là quản lý hệ thống khu vực miền Nam.

Cơn lốc Coffee Bike Viet Nam chính thức xuất hiện với gam màu cam chủ đạo với một chiếc xe ba gác và đội ngũ nhân viên trẻ, vui vẻ, nhiệt tình. Đặc biệt, trong 1 phút 30 giây đợi cà phê xay, pha tại chỗ, khách hàng có thể vừa trò chuyện với nhân viên, vừa quan sát tìm hiểu về Coffee Bike Viet Nam, để thấy rõ sự khác biệt của Coffee Bike Viet Nam và các cửa hàng cà phê mang đi khác.

“Chúng tôi quyết định pha cà phê bằng máy tại chỗ, pha theo phong cách Ý, chứ không phải là bán cà phê pha sẵn hay pha phin, giúp chiết xuất được những gì tinh túy nhất có trong hạt cà phê”, Tiễn nói và cho biết thêm, với chi phí đầu tư mỗi xe, mặt bằng không quá cao…, giá bán của 19 loại thức uống mang thương hiệu Coffee Bike Viet Nam chỉ từ 14.000-24.000 đồng.

Lúc mới bắt đầu, Coffee Bike Viet Nam cũng vấp phải nhiều khó khăn như tiếp cận khách hàng, thay đổi thói quen thích uống cà phê trộn…

“Việc thuê mặt bằng cũng không dễ như tôi hình dung. Vì mỗi điểm bán của chúng tôi đều cần điện để xay cà phê, cần nước sạch để rửa dụng cụ pha chế. Thế nên, các chủ mặt bằng rất ngại phiền hà, nên nhiều lần từ chối không cho thuê. May mắn học ngành quan hệ công chúng nên chúng tôi cũng có chút kinh nghiệm, bí quyết riêng để dần thuyết phục được chủ nhà”, Hoàng Tiễn cho biết.

Riêng việc thay đổi gu uống cà phê thì khó hơn. Những người sáng lập Coffee Bike Viet Nam kỳ vọng, khách mê cà phê khi sẽ đến chọn cà phê Espresso mỗi ngày, từ đó sẽ thực sự cảm nhận được vị cà phê… từ cà  phê.

“Có khách, chúng tôi sẽ có cơ sở để chia sẻ với những người trồng cà phê về nhu cầu có được cà phê chất lượng hơn, chấp nhận giá bán cao hơn. Có khách, chúng tôi cũng sẽ đưa cà phê về đúng giá trị của nó là từ cà phê. Tôi tin khi đó sẽ là hồi cáo chung cho thị trường cà phê bẩn”, Hoàng Tiễn chia sẻ.

Át chủ bài Coffee Bike App

Điểm bán đầu tiên của Coffee Bike Viet Nam tại hẻm 400 - Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh (TP.HCM). Nhưng Tiễn vẫn muốn có được địa điểm thực sự phù hợp hơn. Vì, Hoàng Tiễn và các cộng sự nghiên cứu thị trường rất cẩn trọng, xác định nhóm khách hàng mục tiêu là nhân viên văn phòng, nên Tiễn nói, điểm bán tại đường Lương Định Của, quận 2 có thể sẽ phải dời đi dù ở đây lưu lượng xe rất đông….

Nhưng, đó mới là phần nổi. Tiễn đang có trong tay con át chủ bài mới, đó là CoffeeBike App, ứng dụng có ở 2 hệ điều hành IOS và Android. Chỉ với một cái click, khách hàng có thể biết “Trạm tiếp năng lượng cà phê máy, rang mộc” nào gần mình nhất để đặt hàng. Như vậy, với ứng dụng này, Coffee Bike Viet Nam trở thành chuỗi cà phê đầu tiên ở Việt Nam cho phép người dùng đặt thức uống thông qua ứng dụng trên điện thoại di động.

“Khi khách hàng đặt thức uống qua App này sẽ được nhân viên của hệ thống gọi điện thoại xác nhận đơn hàng, khách không tốn tiền điện thoại và tối đa 30 phút sẽ có đồ uống theo yêu cầu trong tay”, Hoàng Tiễn giới thiệu.

Để đáp ứng được thời hạn tối đa 30 phút này, từ nay đến hết tháng 10/2016, Coffee Bike Viet Nam sẽ phải đạt hơn 30 điểm bán và mục tiêu 400 điểm trên cả nước đang được các nhà sáng lập xác định, bởi Tiễn đã tính, với thời gian hoạt động từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối (tùy địa điểm), mỗi xe bán được từ 80-120 ly/ngày. Tuy nhiên, so với 11 điểm bán tại Hà Nội và TP.HCM hiện tại, mục tiêu này gần như vô vọng nếu Coffee Bike Viet Nam  chọn cách đi một mình.

“Hiện cũng có một số đối tác muốn nhượng quyền Coffee Bike Viet Nam tại Nha Trang và Mỹ, nhưng chúng tôi vẫn đang cân nhắc và cần thời gian để hoàn thiện hệ thống hơn. Gần nhất, chúng tôi sẽ đặt điểm bán tại các quận trung tâm, các hệ thống siêu thị như BigC với mức chia lợi nhuận khoảng 20% giá trị doanh thu”, Hoàng Tiễn cho biết.

Tới nay, Coffee Bike Viet Nam bắt đầu đối mặt với những khó khăn mới trong nguồn nguyên liệu. Hệ thống này đang hợp tác bao tiêu cà phê của một hộ nông dân tại Kon Tum theo tiêu chuẩn trồng trọt, thu hoạch và rang của mình. Những ngày đầu, Coffee Bike Viet Nam chỉ nhập khoảng 20-30kg/lần, nhưng hiện nay, số lượng đã tăng lên 3 tấn/lần. Với tốc độ tăng trưởng này, việc dựa vào khả năng cung cấp của một hộ nông dân sẽ là rủi ro lớn.

“Con đường dẫn đến “kho báu” thường phải qua “sa mạc”. Tôi tin là có thể giúp người nông dân am hiểu, biết cách trồng, thu hoạch và sơ chế ra hạt cà phê chất lượng không chỉ cho chúng tôi, mà cho cả thị trường. Chỉ khi người nông dân chủ động sản xuất ra sản phẩm thực sự có chất lượng thì chúng ta mới thực sự có cà phê pha từ… hạt cà phê”, Hoàng Tiễn thẳng thắn.

Nở rộ mô hình không gian khởi nghiệp tại Sài Gòn
Nếu lúc trước, Bill Gates hay Steve Jobs khởi nghiệp trong nhà kho của gia đình thì ngày nay các bạn trẻ làm start-up đã có thể làm việc trong các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư