Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
ACV dốc 45.000 tỷ đồng cho kế hoạch quy mô
Anh Minh - 11/09/2017 15:55
 
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) sẵn sàng chi 45.000 tỷ đồng cho việc mở rộng công suất của 8 cảng hàng không trọng yếu để đạt được mục tiêu đón 140 triệu lượt khách vào năm 2021.
ACV cần khoảng 12.150 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: Đức Thanh
ACV cần khoảng 12.150 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: Đức Thanh

Đầu tư lớn

Một định hướng đầu tư phát triển trong 5 năm tới (2017 - 2021) vừa được nhóm người đại diện phần vốn Nhà nước tại ACV - đơn vị đang quản lý, khai thác 22 cảng hàng không trên khắp cả nước trình Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).

Với việc đang nắm tới 95,4% vốn điều lệ, cổ đông Nhà nước có tiếng nói quyết định đối với mọi hoạt động của ACV bao gồm định hướng kế hoạch sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn, hợp tác kinh doanh và phân chia lợi nhuận…

Được xây dựng trên những dự báo khá thận trọng, nhưng tốc độ tăng trưởng hành khách bình quân qua 3 cảng hàng không cấp 1, 8 cảng hàng không cấp 2 và 11 cảng hàng không cấp 3 của ACV vẫn duy trì ở 2 con số (11,4%/năm).

Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng như dự báo, tổng sản lượng khách qua các cảng hàng không do ACV quản lý có thể cán mốc 138,6 triệu lượt vào năm 2021, tăng hơn 58,6% so với năm 2016 (80,9 triệu), trong đó, riêng khách quốc tế đạt 38,7 triệu lượt.

Hiện chưa rõ lý do khiến ông Lại Xuân Thanh, tân Chủ tịch HĐQT và cũng là trưởng nhóm người đại diện phần vốn Nhà nước tại ACV lại đưa dự báo thận trọng như vậy, bởi trong hồ sơ điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030, Cục Hàng không Việt Nam đặt dự báo tăng trưởng bình quân khách qua cảng hàng không cho giai đoạn 5 năm tới là 14,2% và sản lượng hành khách có thể đạt khoảng 142 triệu lượt khách vào năm 2020.

Theo người đại diện phần vốn Nhà nước tại ACV, để có thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của hàng khách và đảm bảo kế hoạch kinh doanh không bị vỡ, ACV sẽ phải dồn vốn để nâng cấp, mở rộng 8 cảng hàng không trọng yếu, với tổng nhu cầu vốn có thể lên tới trên 45.145 tỷ đồng, được rải dần trong 5 năm tới.

Cụ thể, tại sân bay Tân Sơn Nhất, ACV sẽ phải sớm huy động vốn để xây dựng nhà ga, đường hạ cất cánh, đường lăn, các công trình phụ trợ… để đáp ứng công suất 45 triệu hành khách/năm vào năm 2019. Dù vẫn phải chờ Bộ GTVT nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không lớn nhất nước này, nhưng tổng nhu cầu vốn mà ACV phải chuẩn bị huy động cho sân bay Tân Sơn Nhất vào khoảng 8.200 tỷ đồng.

Tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, ACV cần khoảng 12.150 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp nhà ga, đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đỗ, thiết bị  đảm bảo hoạt động bay để đáp ứng công suất khai thác khách quốc nội lên 25 triệu lượt/năm. Đồng thời, đơn vị chủ cảng sẽ phải thực hiện các bước lập dự án đầu tư xây dựng mới nhà ga T3 để sau năm 2020 nâng công suất cảng hàng không Nội Bài lên 50 triệu lượt khách/năm.

Các cảng hàng không còn lại dự kiến được đầu tư lớn là Đà Nẵng (mở rộng nhà ga trong nước lên công suất 10 - 12 triệu lượt/năm; nhà ga hàng hóa lên 200.000 tấn/năm; chi phí 3.672 tỷ đồng); Phú Quốc (mở rộng nhà ga đạt công suất 5 triệu lượt khách/năm vào năm 2018; chuẩn bị đầu tư xây dựng đường hạ cất cánh số 2; chi phí 4.356 tỷ đồng); Cam Ranh (xây dựng nhà ga hành khách T3 công suất 5 triệu lượt hành khách/năm; chi phí 2.250 tỷ đồng; Chu Lai (đầu tư xây dựng thành một trung tâm trung chuyển, vận tải hàng hóa lớn với 1 nhà ga công suất 5 triệu lượt khách/năm; xây đường hạ cất cánh mới; chi phí khoảng 6.289 tỷ đồng)...

“Đối với Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, Tổng công ty đang tập trung thực hiện xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi trình Quốc hội thông qua theo kế hoạch”, ông Thanh cho biết.

Thắt lưng, buộc bụng

Hiện chưa rõ, ACV sẽ một mình thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng này hay liên doanh với các nhà đầu tư trong và ngoài nước để thực hiện, tuy nhiên, trong kế hoạch 5 năm vừa trình Bộ GTVT, người đại diện phần vốn Nhà nước tại ACV đã xây dựng 3 phương cân đối vốn để đáp ứng cho nhu cầu 45.145 tỷ đồng để đầu tư vào lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng.

Cụ thể, với phương án 1 - chia cổ tức bằng tiền, ACV sẽ sử dụng nguồn vốn tự có; vay thương mại hoặc phát hành trái phiếu đối với các dự án thu hồi vốn nhanh để bù đắp khoảnchênh lệch nhu cầu vốn và tích lũy dòng tiền bị âm 9.611 tỷ đồng.

Phương án 2, ACV sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu trong 5 năm tới. Với phương án “thắt lưng, buộc bụng” này, chênh lệch giữa nhu cầu vốn - tích lũy dòng tiền dương 186 tỷ đồng.

Phương án 3, kết hợp chia cổ tức bằng tiền và chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 40/60, ACV phải bù đắp khoản chênh lệch âm 3.732 tỷ đồng giữ nhu cầu vốn và tích lũy dòng tiền bằng các khoản vay thương mại, phát hành trái phiếu.

Trên cơ sở cân nhắc, người đại diện phần vốn tại ACV đề nghị Bộ GTVT cho phép được chi cổ tức bằng cổ phiếu, hoặc không chia cổ tức trong giai đoạn 2017 - 2021 nhằm tích lũy nguồn lực để đầu tư lớn.

Theo tính toán của ACV, doanh thu của công ty mẹ - ACV sẽ đạt khoảng 21.000 tỷ đồng vào năm 2021; lợi nhuận trước thuế cùng kỳ đạt 5.400 tỷ đồng, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 8%/năm cho cả 2 chỉ tiêu kinh doanh quan trọng này. Nếu thực hiện chia cổ tức, mỗi cổ phiếu mã chứng khoán ACV sẽ mang lại cho cổ đông khoảng 9%/năm cho cả giai đoạn 2017 - 2020.

Cần phải nói thêm rằng, dự báo của ông Lại Xuân Thanh là có cơ sở, bởi trong 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu của ACV đã đạt 7.459 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 2.364 tỷ đồng, lần lượt đạt 56,11% và 64,43% kế hoạch năm.

Bên cạnh khoản lợi nhuận, để có thêm nguồn tích lũy, ACV cũng xin Bộ GTVT cho phép đơn vị được điều chỉnh giá một số dịch vụ hàng không và giá nhượng quyền từ năm 2020 trở đi.

Mặc dù là doanh nghiệp kinh doanh về khai thác hạ tầng hàng không, nhưng lợi nhuận từ dịch vụ từ ngành nghề chính của ACV lại không tương xứng với quy mô đầu tư, lợi nhuận chủ yếu lại chảy từ kinh doanh tài chính và các hoạt động khác. Trên thực tế, các đề xuất điều chỉnh hệ thống giá dịch vụ hàng không nội địa của đơn vị chủ cảng không phải là tăng giá dẫn đến tăng chi phí đầu vào của các hãng hàng không, mà mục đích là điều chỉnh giá dịch vụ hàng không nội địa tiệm cận giá thành thực tế. Trong toàn ACV, chỉ có hoạt động kinh doanh tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất là có lãi và đang phải bù chéo cho 18 cảng hàng không còn lại. Hai sân bay mới đạt đến điểm hoà vốn trong hệ thống là Cam Ranh và Đà Nẵng.

Lãnh đạo ACV cho rằng, thực tế chính sách hiện nay đang ưu đãi các hãng hàng không nội địa bằng hình thức bù lỗ chi phí đầu vào thông qua mức giá dịch vụ hàng không bị nhà nước khống chế. Khoản bù lỗ chi phí này tác động trực tiếp làm giảm doanh thu dịch vụ hàng không của ACV.

“Phải gánh chịu khoản bù lỗ chi phí đầu vào cho các hãng hàng không trong nước, nên ACV không thể có nguồn lợi nhuận ổn định từ dịch vụ hàng không nhằm tích lũy tái đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các cảng hàng không”, lãnh đạo ACV cho biết.

Các hãng hàng không đồng loạt tăng giá vé
Các hãng hàng không đều đã thông báo kế hoạch điều chỉnh tăng giá vé máy bay tới các đại lý bán sau khi lộ trình tăng giá dịch vụ tại sân bay...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư