Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Ái nữ của Dr Thanh: Không cho Phạm Công Danh vay 5.190 tỷ đồng
Vi Nguyễn - 26/07/2016 08:44
 
Trong phiên đầu tuần thứ hai xét xử đại án Phạm Công Danh và 35 đồng phạm, tòa tiếp tục thẩm vấn các bị cáo liên quan đến viêc rút 5.190 tỷ đồng của nhóm Trần Ngọc Bích. Mặc dù đã xuất cảnh, nhưng sau khi có triệu tập của thư ký tòa, bà Trần Ngọc Bích, con gái của Chủ tịch Tân Hiệp Phát đã có mặt. HĐXX đã thẩm vấn bà Trần Ngọc Bích, người đại diện cho nhóm Tân Hiệp Phát.
TIN LIÊN QUAN

Tại tòa, Giám đốc Tân Hiệp Phát, bà Trần Ngọc Bích nói rằng, có thời điểm giao dịch với Ngân hàng Xây dựng (VNCB) tới 6.000 tỷ đồng. Bà Bích cho hay, bà có quan hệ tín dụng với VNCB từ tháng 6/2012, lúc đó, VNCB còn đang mang tên Ngân hàng Đại Tín (TrustBank). Đó là quan hệ  giữa bà và tổ chức tín dụng là khi ngân hàng này mời gửi tiền bà và những người có liên quan đã gửi số tiền, và bà cũng có vay tiền của ngân hàng này.

.
.

Tuy nhiên, bà Bích không công nhận việc có quan hệ tín dụng với Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch VNCB – cũng là người đã rút ruột 5.190 tỷ đồng của nhóm Trần Ngọc Bích mà không có chứng từ và sự đồng ý của chủ tài khoản, đồng thời rút 300 tỷ đồng không có hồ sơ vay. Bà Bích khai, đã việc với Ngân hàng xâydựng từ lâu nên chỉ làm việc với Hoàng Đình Quyết – nguyên Phó giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn - bị cáo trong vụ án này, không làm việc với Phạm Công Danh.

Theo bà Bích, trong thời điểm đó, bà đã có giao dịch với nhiều ngân hàng, trong đó VNCB do ngân hàng này có lãi suất công bố cao hơn so với các ngân hàng khác nên đến gửi tiền. Đồng thời, trong quá trình gửi bà có vay lại tiền của VNCB khi có nhu cầu bằng hình thức thế chấp sổ tiết kiệm, nhưng khoản vay luôn thấp hơn giá trị tiền đã gửi tại VNCB. Bà Bích thừa nhận, lúc làm việc với VNCB có biết bà Phạm Thị Trang (được gọi là Trang Phố Núi). Khi đó, Trang giới thiệu là Giám đốc nguồn vốn VNCB. Trang biết bà Bích có nhu cầu vay ra nên Trang đề nghị cho Bích vay lại. Nhưng sau khi Bích vay tiền của VNCB lại được Trang đề nghị cho Trang vay lại khoản tiền Bích vay được từ ngân hàng.

Theo Bích, số tiền này, sau khi vay lại từ VNCB rồi  chuyển cho chị Trang vay lại và Trang có chuyển tài khoản, trong đó có Phạm Công Danh. Trang chỉ định gửi vào tài khoản nào thì tôi gửi tài khoản đó. Bà Bích khẳng định, không khi nào cho Phạm Công Danh vay, cho dù tiền đã được chuyển đến tài khoản của Danh.

Trong khi đó, trả lời thẩm vấn của tòa án trong phiên xét xử cuối tuần trước, Hoàng Đình Quyết – nguyên Phó giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn cho rằng, số tiền 5.190 tỷ đồng đã chuyển cho bị cáo Phạm Công Danh có sự đồng thuận của bà Trần Ngọc Bích. Trong khi, Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát phủ nhận. Theo bà Bích, tháng 7/2014, cơ quan điều tra mời bà hỏi về việc vay và gửi tại VNCB. Cơ quan điều tra, cung cấp thông tin tài khoản của bà không còn tiền thì lúc đó bà mới biết khoản tiền 5.190 tỷ đồng của mình đã bị mất. Còn liên quan đến việc vay số tiền 300 tỷ đồng của VNCB không có hồ sơ vay, bà Bích cũng khẳng định, không chỉ đạo nhân viên vay tiền 300 tỷ đồng bằng việc cầm cố 6 sổ tiết kiệm. Theo Bích, lúc đó bà có ý định vay nhưng do sau đó không cần tiền nữa nên không vay nữa.

Không chỉ mỗi ái nữ Tân Hiệp Phát được thẩm vấn, trong buổi sáng nay, Vũ Anh Tuấn và Nguyễn Tấn Lộc đều là nhân viên giao nhận chứng từ của Tân Hiệp Phát cũng được triệu tập tại tòa. Chủ tọa yêu cầu họ trả lời về chứng từ liên quan đến sổ sách kế toán giao nhận với VNCB. Tuy nhiên, cả hai đều khẳng định, chỉ có nhiệm vụ giao nhận chứng từ mà không hề biết nội dung của những cuộc giao nhận. Bà Bích cho biết, Anh Tuấn là người nhận hồ sơ ngân hàng giúp mình, nhưng Bích không ủy nhiệm chi cho ngân hàng VNCB hay bất kể ai. Trong khi đó, các sao kê, ủy nhiệm chi của VNCB đều được gửi cho Vũ Anh Tuấn và Nguyễn Tấn Lộc.

Theo cáo trạng, trong tội cố ý làm trái mà Phạm Công Danh bị truy tố có hành vi tự ý chuyển đi 5.490 tỷ đồng nói trên của khách hàng là nhóm bà Trần Ngọc Bích mà không được sự đồng ý của bà Bích và các chủ tài khoản này. Trong đó, 5.190 tỷ đồng rút từ tài khoản nhóm Trần Bích được Danh dùng để trả cho chính nhóm này, về tài khoản của ông Trần Quí Thanh – cha ruột của Bích, lần 1 là 3.160 tỷ đồng và lần 2 là 2.090 tỷ đồng.  

Cáo trạng của VKSND tối cao khẳng định, đây là các khoản vay luân chuyển, khoản vay sau trả cho khoản vay trước cộng với một phần Phạm Công Danh vay thêm nên các khoản vay sau sẽ nhiều hơn khoản vay trước. Với cách thức này, từ 28/12/2012 đến 30/7/2013 tức trong vòng 7 tháng, đã có 16 lần với 122 khoản vay bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm của Nhóm Trần Ngọc Bích với tổng số tiền VNCB đã giải ngân là 17.761,5 tỷ đồng được thực hiện và các khoản vay này đã được tất toán. Sau khi các khoản vay trong nhóm 17.761 tỷ được tất toán thì đến ngày 21/8 và 26/8, nhóm Trần Ngọc Bích lại vay tiếp của VNCB tổng cộng 5.190 tỷ đồng. Khoản tiền này sau khi được giải ngân vào tài khoản của Bích lại bị chuyển sang nhóm của Phạm Công Danh mà không có chữ ký của nhóm Trần Ngọc Bích. Hiện nay 124 sổ tiết kiệm (tương ứng 5.881 tỷ đồng) của nhóm bà Bích đang bị cơ quan tố tụng phong tỏa để giải quyết vụ án.

Cáo trạng của Viện KSDN cũng cho thấy, tại cơ quan điều tra, ông Phạm Công Danh khai, để huy động được tiền gửi của nhóm Trần Ngọc Bích đến 5.190 tỷ đồng, ông Danh đã phải chi lãi suất vượt trần ngoài hợp đồng từ 2- 4% theo từng thời điểm. Theo đó, ông Danh nói tổng số tiền đã trả lãi ngoài cho nhóm này khoảng 2.500 tỷ đồng. Trong phiên thẩm vấn các bị cáo ngày 22/7, trả lời tòa Phan Thành Mai, cựu Tổng giám đốc VNCB cũng thừa nhận, 5.190 tỷ đồng là cứu cánh của VNCB trong thời gian đầu Tập đoàn Thiên Thanh tiếp nhận ngân hàng này, đồng thời cũng là thời điểm ông Mai về làm việc tại VNCB. Vì thế, VNCB đã phải trả thêm mức lãi suất ưu tiên ngoài sổ tiết kiệm để thu hút được nguồn tiền từ nhóm của Bích – được xem là khách hàng VIP của VNCB. Theo lời khai của Mai tại tòa, để thu hút khách hàng gửi tiền vào ngân hàng, bộ phận chăm sóc khách hàng sẽ phải tự điều chỉnh tỉ lệ trả riêng cho khách (ngoài lãi suất quy định) lên tới 10% (vào năm 2013) và giảm dần trong năm sau. Toàn bộ số tiền trả ngoài này không có giấy tờ, khách hàng đến gửi tiền sẽ nhận được hoa hồng ngay lập tức.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra chỉ thu thập được từ Tập đoàn Thiên Thanh một số chứng từ để trả tiền cho nhóm Trần Ngọc Bích khoảng 730,5 tỉ đồng. Các chứng từ này cũng không thể hiện rõ ràng việc chi lãi suất mà chỉ là chứng từ viết tay hoặc chuyển tiền thông thường, phần còn lại chi vào khoản gì Phạm Công Danh không giải thích được... Phiên tòa vẫn đang tiếp tục.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư