Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ai phải đóng thêm thuế thu nhập cá nhân?
(GTVT) - 08/01/2018 11:18
 
Cả 2 phương án trong đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân Bộ Tài chính vừa đề xuất đều tác động trực tiếp đến hàng triệu người đang làm công ăn lương.
thu-nhap-ca-nhan

 

Theo 2 phương án tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được Bộ Tài chính đưa ra, Bộ này đề xuất giảm số bậc thuế từ 7 bậc hiện nay xuống còn 5 bậc. Tuy nhiên, cả 2 phương án trên đều đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Báo Giao thông ghi nhận ý kiến của các chuyên gia.

Hai phương án của Bộ Tài chính

Ở phương án 1, Bộ Tài chính đề xuất tăng mức thuế lên như bậc 2 từ 10% lên 15%, bậc 3 từ 20% lên 25%, bậc 4 từ 28% lên 30%... Theo phương án này, cá nhân có thu nhập tính thuế đang ở bậc 1 (thu nhập đến 19 triệu đồng, chưa tính người phụ thuộc) sẽ không bị ảnh hưởng. Còn những người giàu, đang nộp thuế từ bậc hai trở lên, sẽ được lợi do giảm số tiền thuế phải đóng. Ví dụ, cá nhân có thu nhập tính thuế 10 triệu đồng/tháng sẽ được giảm 250.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 30 triệu đồng/tháng sẽ được giảm 850.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 40 triệu đồng/tháng sẽ được giảm 750.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 80 triệu đồng sẽ được giảm 650.000 đồng/tháng... Với phương án này, Bộ Tài chính tính toán số thu cho ngân sách sẽ giảm khoảng 1.300 tỷ đồng.

Ở phương án thứ 2, những người có thu nhập bậc 1 và 2 (thu nhập đến 19 triệu đồng, chưa tính người phụ thuộc) cũng không ảnh hưởng. Còn người có thu nhập bậc thuế từ 3 - 6 thiệt hơn do sẽ phải nộp thêm tiền thuế so với hiện tại. Ví dụ, một cá nhân có thu nhập tính thuế 15 triệu đồng/tháng sẽ phải nộp thêm 250.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 30 triệu đồng/tháng nộp thêm 400.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 50 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 500.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 80 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 650.000 đồng/tháng. Theo phương án này, tổng số thu ngân sách ước tăng khoảng 500 tỷ đồng. Do không tác động tới người có thu nhập thấp lại tăng thu thêm cho ngân sách nên cơ quan soạn thảo đang nghiêng về phương án thứ 2.

8

PGS. TS. Ngô Trí Long

PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính): 

Nên nới rộng khoảng cách giữa các bậc thấp

Theo Bộ Tài chính, thuế TNCN gồm 7 bậc hiện nay là tương đối nhiều, giãn cách ở các bậc quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm, làm tăng số thuế phải nộp. Thu nhập tính thuế ở từng bậc theo số lẻ dẫn đến khó nhớ, người nộp thuế khó khăn trong việc tự xác định số thuế phải nộp. Do vậy, biểu thuế lũy tiến từng phần sửa đổi theo hướng giảm số bậc thuế chỉ còn 5 bậc, đồng thời quy định khoảng cách rộng ở các bậc thấp. Như vậy, người nộp thuế ở bậc thấp chắc chắn sẽ hưởng lợi, gánh nặng thuế TNCN từ tiền lương của những người thu nhập thấp sẽ giảm.

Theo tính toán sơ bộ của chúng tôi, nếu với cách tính này chắn chắc Nhà nước sẽ có nguồn thu thuế TNCN lớn hơn với biểu thuế lũy tiến hiện hành. Bởi, mức chênh lệch biểu thuế hiện hành là 5%, còn biểu thuế dự kiến sửa đổi mức chênh lệch thấp nhất bậc 2 so với bậc 1 là 5%, cao nhất là 10% ở bậc 3 so với bậc 2… Hiện nay, số thu nhập ở bậc 3 đang có xu hướng tăng lên. Theo số liệu của cơ quan chức năng, thuế TNCN nộp về ngân sách hiện đã vượt số thu từ dầu thô và liên tục tăng mạnh qua các năm. Năm 2014, ngân sách thu hơn 47.000 tỷ đồng từ sắc thuế này, đến năm 2016 đã tăng lên 64.000 tỷ đồng và theo dự toán năm 2017 có thể vượt 80.000 tỷ đồng.

Để khuyến khích được những người lao động có tài năng, thu nhập cao, chống thất thu thuế từ hiện tượng khai man thu nhập, hiện tượng gian lận thuế nên thay đổi mức thuế suất theo biểu thuế lũy tiến sao cho khoảng cách giữa các mức không quá chênh lệch. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, cần có chế tài xử phạt nặng, đủ phòng ngừa, răn đe đối với các đối tượng thiếu trung thực, cố tình khai man thu nhập hoặc giấu thu nhập để giảm bớt khoản thuế TNCN phải nộp. Có thể áp dụng biện pháp: Nếu vi phạm việc kê khai quá 50% số thu nhập phải tính thuế, có thể xử lý bằng biện pháp hình sự từ hình thức thấp đến hình thức cao. Điều này ở các nước phát triển đã làm.

Để thực hiện được cơ chế này, tôi cho rằng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các khoản thu nhập không được phản ánh trên sổ sách kế toán của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế. Quản lý chặt chẽ thu nhập từ tiền lương, tiền công, thực hiện kê khai và nộp thuế thông qua cơ quan chi trả thu nhập, theo đó mức thuế TNCN được khấu trừ tại nguồn theo biểu thuế suất lũy tiến từng phần đối với các khoản chi trả thu nhập cho những cá nhân ký hợp đồng lao động từ 6 tháng trở lên và khấu trừ 10% thu nhập đối với khoản chi trả cho cá nhân không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng lao động dưới 6 tháng nếu số tiền mỗi lần chi trả từ 1.000.000 đồng trở lên. Thực hiện cơ chế khoán thuế TNCN đối với các đối tượng có mức thu nhập không ổn định và khó kiểm soát.

Cuối cùng, khi ban hành các điều luật và thông tư dưới luật về thuế TNCN, theo tôi, phải thể hiện hết sức đơn giản, rõ ràng, nhất quán, giúp việc kê khai thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế TNCN một cách thuận lợi, dễ làm, dễ hiểu, dễ kiểm soát.

9

GS. TS. Lê Xuân Trường

GS. TS. Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính:

Không chỉ đơn thuần câu chuyện về thuế

Mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đều có điểm chung là nâng cao mọi mặt của đời sống nhân dân. Để làm được điều này có nhiều việc phải làm, trong đó có giảm nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, muốn giảm nghĩa vụ thuế phải giảm chi ngân sách Nhà nước, nếu không sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách Nhà nước, tăng nợ công… mà hậu quả của nó là ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Như vậy, câu chuyện về thuế không chỉ đơn thuần về thuế mà liên quan đến nhiều vấn đề khác như: Nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy Nhà nước; tinh giản biên chế; quản lý chi tiêu ngân sách Nhà nước tiết kiệm và hiệu quả; chống tham nhũng hiệu quả…

10

Luật Sư Trương Thanh Đức

Luật Sư Trương Thanh Đức: 

Luật Thuế TNCN phải dễ hiểu, dễ áp dụng

Có trường hợp phản ánh với tôi là gặp rắc rối vì có nhiều khoản thu nhập vãng lai, từ 200 nghìn tới 1 triệu đồng. Giữa năm 2017 người này có lên mạng hỏi Cục Thuế mình cần phải nộp thuế bao nhiêu nhưng không ai biết. Đến cuối năm thì nhận được “trát” phạt vì không kê đủ số thu nhập tính thuế. Đây chỉ là một nạn nhân do phương pháp tính thuế TNCN của nước ta quá phức tạp. Nếu không muốn bị phạt thì chỉ có cách hàng ngày ngồi kê ra rồi tạm nộp 20% mỗi khoản thu nhập phát sinh. Đây là những khoản thu nhập thấp. Những khoản thu nhập cao còn phải nộp thêm. Như vậy là quá cao. Đề xuất sửa đổi mới nhất của Bộ Tài chính cũng đề nghị có 5 bậc thuế là đã giảm so với 7 bậc trước đây nhưng 5 bậc vẫn là nhiều, thậm chí có thể giảm về còn 3 bậc, đơn giản cho người dân áp dụng.

Luật Thuế TNCN nếu sửa, cần phải sửa triệt để các vấn đề, làm thế nào cho đơn giản, dễ hiểu và dễ áp dụng; đừng để người dân ngại nộp thuế vì quy định quá phức tạp.

Mục tiêu của Luật Thuế TNCN là làm thế nào để nâng tỷ trọng thuế thu nhập (tức là thuế trực thu) lên. Hiện nay, tỷ trọng thuế thu nhập trong tổng số thu thuế còn quá bé, nhất là tỷ trọng thuế TNCN của Việt Nam quá bé so với các nước, ngay cả các nước trong khu vực. Ở các nước có thu nhập cao, tỷ trọng này lớn hơn. Cho nên, các phương án Bộ Tài chính đưa ra, phương án nào đạt được mục đích trên thì ủng hộ.

Thứ hai, thuế TNCN là thuế phức tạp vì đánh theo luỹ tiến từng phần. Nên theo tôi, cần phải làm cho đỡ phức tạp đi. Thứ ba, hiện thuế TNCN rất cao. Xét trong việc đảm bảo công bằng xã hội, những biểu thuế nào đạt được công bằng thì tôi ủng hộ biểu thuế đó. Công bằng ở đây thể hiện ở việc anh có thu nhập thấp thì biểu thuế có điều chỉnh nhưng điều chỉnh hạn chế; còn anh nào có thu nhập cao hơn thì có điều tiết khá hơn. Ngay cả những nước người dân có thu nhập cao người ta vấn chú ý vấn đề này, nhất là các nước Tây Âu, họ vẫn đánh mạnh vào người có thu nhập cao.

Với ba yêu cầu tôi vừa nêu đối với thuế TNCN, phương án nào tốt, đạt được mục tiêu đó thì làm. Tuy nhiên, không xây dựng luật thuế này theo hướng mà mức điều chỉnh thuế TNCN lại giảm đi.

Đề xuất giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho nhân lực cao ngành CNTT
Đó là khẳng định của bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 ngày 30/8.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư