Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
AirAsia gặp khó với Hải Âu
Anh Minh - 12/11/2017 12:40
 
Công ty cổ phần hàng không Hải Âu chỉ được phép nhận vốn góp từ hãng hàng không giá rẻ AirAsia của tỷ phú người Malaysia Tony Fernandes với tư cách là đơn vị kinh doanh vận tải hàng không chung.
TIN LIÊN QUAN

Hẹp ngành đầu tư

Sau đúng hai tháng xem xét, đầu tuần này, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã chính thức phản hồi đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội liên quan đến hồ sơ điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư của Công ty cổ phần hàng không Hải Âu (Hải Âu) sau khi đơn vị đang khai thác thủy phi cơ có kế hoạch nhận phần vốn góp của AirAsia Investment (Malaysia).

Trước đó, vào đầu tháng 8/2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã phát văn bản hỏi ý kiến của Bộ GTVT - cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực hàng không liên quan đến điều kiện đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài ở một số dịch vụ Việt Nam chưa cam kết trong WTO, cụ thể là với đề nghị đăng ký góp vốn, mua cổ phần của AirAsia Investmenr Ltd. tại Hải Âu.

Việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cyar Hải Âu đang được xem xét rất thận trọng.
Việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cyar Hải Âu đang được xem xét rất thận trọng.

Điều đáng nói là sau khi nhận vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, Hải Âu cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng hiện nay lên 1.000 tỷ đồng, trong đó AirAsia chiếm 30%. Cùng với việc tăng vốn điều lệ, Hải Âu có kế hoạch đăng ký lại ngành nghề kinh doanh, trong đó có một số dịch vụ Việt Nam chưa cam kết khi gia nhập WTO gồm: dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không (746); bốc dỡ hàng hóa (7419); vận tải hành khách hàng không (CPC 7311, 7312); dịch vụ cho thuê máy bay kèm người lái (CPC 734); dịch vụ đại lý vé máy bay.

Chiểu theo văn bản hướng dẫn của Bộ GTVT do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký, lĩnh vực hoạt động của Hải Âu sau khi nhận vốn nước ngoài bị hẹp đi đáng kể so với kỳ vọng.

Cụ thể, đối với ngành dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không, Hải Âu (với 30% vốn nước ngoài) chỉ được phép cung cấp 2 phân ngành: dịch vụ khai thác hàng không, ngoại trừ dịch vụ thủ tục hàng hóa (CPC7461); dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không khác (CPC7469).

Đối với phân ngành dịch vụ kiểm soát không lưu (CPC7462), Bộ GTVT khẳng định, Hải Âu không được phép cung cấp dịch vụ này sau khi chuyển nhượng 30% vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài.

Khó bay thương mại sớm

Cần phải nói thêm rằng, việc bị cắt bớt một số phân ngành trong lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không vẫn chưa phải là thất vọng lớn nhất đối với liên minh Hải Âu - AirAsia.

Cụ thể, đối với ngành dịch vụ vận tải hành khách hàng không (CPC7311, 7312), Bộ GTVT cho biết, theo hồ sơ đính kèm, Hải Âu hiện chỉ được phép cung cấp dịch vụ hàng không chung vì mục đích thương mại theo Giấy phép số 03/2015/GP-BGTVT ngày 14/12/2015 của Bộ GTVT.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, đối với dịch vụ vận chuyển hàng không, Hải Âu phải có Giấy phép kinh doanh vận chuyến hàng không. Theo đó, đế được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Hải Âu cần thực hiện “thủ tục Chấp thuận chủ trương đầu tư” theo quy định của Điều 31, Luật Đầu tư và “Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không” theo Nghị định 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Nói một cách ngắn gọn, liên minh Hải Âu - Air Asia chỉ có thể tham gia khai thác hoạt động vận chuyển khách thương mại tại thị trường nội địa như trường hợp của Vietnam Airlines, Vietjet, Vasco và JPA nếu như nâng cấp được giấy phép từ kinh doanh hàng không chung thành kinh doanh vận chuyển hàng không.

Cần phải nói thêm rằng, dù phải bỏ tối thiểu 300 tỷ đồng, tỷ phú Tony Fernandes chắc chắc vẫn không thỏa mãn với các chuyến bay vận chuyển công cộng hành khách, hành lý, hàng hoá, bưu phẩm, bưu kiện… giống như hoạt động hiện nay của Hải Âu.

Tuy nhiên, việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không đang được Chính phủ xem xét rất thận trọng và đúng quy định pháp luật; bảo đảm tuyệt đối an toàn và an ninh hàng không trong mọi tình huống.

Trước đó, vào tháng 4/2017, Chính phủ đã phát đi thông báo, việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án vận tải hàng không và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar (Vietstar Air) sẽ chỉ được xem xét sau khi đã hoàn thành xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay theo đúng Phương án điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Liên minh Hải Âu - AirAsia sẽ phải đưa ra những lý lẽ đủ thuyết phục Chính phủ, đặc biệt là những lợi ích mang lại cho hành khách nếu muốn được Chính phủ đồng ý nâng cấp giấy phép trong thời gian tới”, một chuyên gia nhận định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư