Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Góc nhìn Đầu tư
Ám ảnh hàng hóa tồn kho
Hà Nguyễn - 31/08/2017 19:08
 
Nỗi ám ảnh tồn kho đang đè nặng lên nền kinh tế trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Đây là điều cần được cảnh báo.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Thực tế, nếu chỉ thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, mà không thúc đẩy được tiêu thụ, hàng sản xuất ra không bán được, thì hiệu quả kinh tế không cao. Có lẽ, đó cũng là lý do vì sao cách đây 6 năm, Tổng cục Thống kê đã chính thức áp dụng bộ tiêu chí thống kê mới về sản xuất công nghiệp, bao gồm chỉ số sản xuất, chỉ số tiêu thụ, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp hàng tháng. Nhìn đồng thời cả ba tiêu chí này, mới có thể thấy hết được xu hướng và kết quả sản xuất thực chất của ngành công nghiệp. Nếu chỉ nhìn vào một chỉ số, tất yếu sẽ không tránh khỏi những đánh giá phiến diện.

Ví dụ dễ thấy, đó là nếu chỉ nhìn vào con số thống kê chỉ số sản xuất của toàn ngành công nghiệp 8 tháng đầu năm nay, với mức tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái, có thể khẳng định, sản xuất công nghiệp đang theo hướng tích cực. Điều đó là không sai.      

Và cũng vẫn đúng nếu nhìn vào chỉ số tiêu thụ toàn ngành chế biến, chế tạo trong 7 tháng đầu năm nay (tăng 9,5% so với 7 tháng năm 2016, cùng kỳ năm trước tăng 8,1% - PV).

Song nếu nhìn thêm vào chỉ số tồn kho, thì góc nhìn đã khác. Cụ thể, tính tại thời điểm ngày 1/8/2017, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 9,8% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2016 tăng 8,9%). Tính bình quân, tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 7 tháng đầu năm 2017 đã lên tới 65,3%.

Tất nhiên, có rất nhiều góc độ để phân tích tỷ lệ tồn kho này, bởi rất có thể, một lượng lớn hàng tồn kho là “để dành” cho xuất xưởng trong kỳ xuất hàng tới. Và tồn kho, trên thực tế, cũng mới chỉ đang xuất hiện ở một số lĩnh vực sản xuất.

Thêm nữa, nếu so với thời điểm năm 2011 - 2012, khi cả nền kinh tế “lo sốt vó” vì tỷ lệ hàng tồn kho luôn ở mức 15-17%, thậm chí có lúc lên tới 20%, thì mức tăng hàng tồn kho chỉ 9,8% tại thời điểm đầu tháng 8/2017 là chưa có gì là đáng ngại.

Tuy vậy, có một thực tế luôn được nhắc tới trong thời gian gần đây. Đó là lượng cao su tồn kho đang quá lớn, sau 7 tháng đã lên tới hơn 55.000 tấn. Nguyên nhân là do giá cao su đang xuống thấp. Khi giá cao su lên khách hàng tranh nhau mua, nhưng khi giá xuống, tâm lý ngán ngại sợ mua vào sẽ lỗ. Thế là hàng sản xuất ra vẫn ùn ứ trong kho.

Đó là lượng đường tồn kho hiện đã ở mức 717.000 tấn. Đây là mức tồn kho được cho là bất bình thường, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Đó là than đang tồn kho 9,3 triệu tấn, khiến 4.000 lao động của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam có nguy cơ mất việc khi ngành điện dự kiến giảm mua 2 triệu tấn trong năm nay…

Đưa ra những ví dụ rất cụ thể để chứng minh rằng, tồn kho lớn đang là nỗi ám ảnh của một số ngành sản xuất, của nền kinh tế. Một khi không giải phóng được hàng tồn kho, thì không chỉ ngành sản xuất đó gặp khó, mà nền kinh tế cũng gặp khó.

Cũng phải nhắc lại một điều rằng, tại phiên họp thường trực Chính phủ trung tuần tháng 8 năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh rằng, không ép sản xuất bằng mọi giá để mà thua lỗ, không thể ép sản xuất mà không có hiệu quả… Người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu, tăng trưởng sản xuất phải gắn liền với hiệu quả, rằng đã đến lúc phải kích thích tiêu dùng nội địa…

Có thể, ở thời điểm hiện tại, hàng tồn kho chưa phải là điều quá lo ngại, nhưng rõ ràng, đây là điều cần được cảnh báo để có giải pháp kịp thời.

Thúc sản xuất là đúng, nhưng chưa đủ, phải thúc cả tiêu dùng để sản xuất công nghiệp thực sự phát triển ổn định và bền vững. Như vậy, nền kinh tế mới tăng trưởng có chất lượng.

Chắt chiu từng cơ hội cho tăng trưởng GDP
Nền kinh tế Việt Nam đang thực sự chắt chiu từng cơ hội để có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP trong năm nay.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư