Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Áp trần lãi suất - quan điểm từ phía nhà điều hành, quản lý
Nhã Nam - 18/12/2016 08:37
 
“Điều hành lãi suất, tỷ giá theo nguyên tắc thị trường” là quan điểm thống nhất được Chính phủ định ra từ trước đến nay, hướng đến phục vụ hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế.
TIN LIÊN QUAN

Dễ bị hiểu nhầm về đối tượng áp dụng

Bộ luật Dân sự 2015 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, tuy nhiên, trong dư luận đến nay vẫn còn nhầm lẫn giữa việc cho vay dân sự và cho vay tại các tổ chức tín dụng (TCTD) nếu không thực sự tìm hiểu và nghiên cứu kỹ khoản1, Điều 468, nhất là đối với cụm từ “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.

Trên cương vị Trưởng ban soạn thảo Bộ luật Dân sự 2015, ông Hà Hùng Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, tinh thần của Bộ luật Dân sự 2015 đã mở đường cho lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bởi trong Luật Các tổ chức tín dụng, việc cho phép cho vay giữa các TCTD với nhau, giữa TCTD với cá nhân, pháp nhân nào đó hoàn toàn theo thị trường và do chính sách của ngân hàng quyết định. Điều này cũng phù hợp với Luật TCTD năm 2010 và phù hợp với thị trường, bởi trong thực tế, một ngân hàng cho vay dự án có tính khả thi cao thì người vay có thể được hưởng mức lãi suất thấp, còn với các dự án có tính rủi ro cao, đương nhiên lãi suất sẽ không thể nào thấp được.

Việc cho vay giữa các TCTD với cá nhân, pháp nhân hoàn toàn theo thị trường và chính sách của ngân hàng quyết định.
Việc cho vay giữa các TCTD với cá nhân, pháp nhân hoàn toàn theo thị trường và chính sách của ngân hàng quyết định.

Chia sẻ về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho biết, có đi vào các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn mới thấy, nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi vẫn diễn biến phức tạp, gây nhức nhối xã hội. Khi cần tiền, người dân sẵn sàng chấp nhận vay với mức lãi suất cao gấp nhiều lần so với các ngân hàng. Họ chấp nhận vay mà không cần ký kết hợp đồng, có khi chỉ bằng hợp đồng miệng, ghi sổ và hẹn ngày trả, thậm chí cũng chẳng đề cập khoản lãi là bao nhiêu. Ông Hoàng cho rằng, quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 chủ yếu áp dụng với cho vay dân sự, đề phòng tín dụng đen với mức lãi  “cắt cổ”, còn đối với các TCTD, Luật đã loại trừ để được áp dụng theo luật chuyên ngành với cái đuôi “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.

Cùng chung nhận định, ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước) phân tích, về lãi suất cấp tín dụng (bao gồm cả lãi suất cho vay), áp theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, kể từ ngày 1/1/2017, lãi suất cho vay giữa TCTD đối với khách hàng sẽ phải tuân theo quy định tại luật chuyên ngành, cụ thể là Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và Luật Ngân hàng Nhà nước.

Để triển khai thực hiện quy định của Bộ luật Dân sự 2015 có liên quan đến hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước dự kiến quy định cụ thể về lãi suất cho vay trong Thông tư hướng dẫn. Trước mắt, quy định về lãi suất tại Điều 468, Bộ luật Dân sự 2015 chỉ áp dụng đối với hợp đồng vay tài sản (bao gồm cả cho vay tiền), không áp dụng đối với các hoạt động cấp tín dụng khác (ngoài hoạt động cho vay) của TCTD. Lãi suất cấp tín dụng khác (ngoài hoạt động cho vay) thực hiện theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Cần minh bạch hóa thông tin

Sở dĩ trong dư luận vẫn còn băn khoăn về vấn đề áp dụng luật là do cho đến thời điểm này, cơ quan quản lý vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện các quy định được nêu tại Bộ luật Dân sự 2015.

Bà Phạm Quế Anh - chuyên gia của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho biết: Đối với lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, các quốc gia trên thế giới hiện xử lý vấn đề này theo hai cách. Cách thứ nhất, cho phép thị trường tự do vận hành, Nhà nước không can thiệp vào thị trường. Vì họ cho rằng, khi đã cạnh tranh, các TCTD phải đưa ra mức lãi suất hợp lý nhất thì người tiêu dùng mới lựa chọn.

Tuy nhiên, không phải lúc nào người tiêu dùng cũng có đầy đủ thông tin về mức lãi suất trên thị trường, cũng như các quy định của pháp luật trong vay tiêu dùng, như vậy họ có thể bị lợi dụng, bị bóc lột. Vì thế, một số quốc gia đã áp dụng thêm cách thứ hai, đó là áp trần lãi suất. Tuy nhiên, trần lãi suất đó được nới tối thiểu là từ 48 - 50%, để đảm bảo mức lãi suất không vượt quá khả năng trả nợ của người tiêu dùng.

“Theo kinh nghiệm của tôi, đây là mức tối đa mà các quốc gia thường áp dụng”, bà Quế Anh cho biết.

Ở một góc nhìn khác, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia lĩnh vực tài chính - ngân hàng cho rằng, vấn đề còn nằm ở điều khoản “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Để làm rõ nghĩa mệnh đề này, các cơ quan chuyên ngành, cơ quan quản lý, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước, cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung luật chuyên ngành sao cho phù hợp và không trái với Bộ luật Dân sự.

Trao đổi về mức trần 20%, ông Lực khẳng định: "Việc áp trần là phi thị trường, phi thực tế và nhiều khi khiến người tiêu dùng khó có khả năng tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng hơn. Ví như khi mức trần không hấp dẫn, các công ty tài chính và ngân hàng sẽ hạn chế cho vay, siết chặt khâu xét duyệt thủ tục hồ sơ, khiến cho khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người tiêu dùng bị thu hẹp”.

"Muốn lãi suất giảm, thay vì áp trần, hệ thống ngân hàng cần minh bạch hoá thông tin. Về phía khách hàng cũng phải đọc thật kỹ hợp đồng vay, nhất là đối với điều khoản về thanh toán để tránh trường hợp không trả được nợ, bị phạt lãi suất cao. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cần sớm ban hành quy định về cho vay tiêu dùng”, ông Lực nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư