Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
ASM: Sức vươn Phù Đổng
Hưng Phú - 27/01/2015 20:57
 
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 40.000 doanh nghiệp (DN), nhưng số lượng DN quy mô vừa và lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong số đó có Tập đoàn Sao Mai An Giang (ASM).
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Kiên Giang: Sao Mai Group khánh thành chợ Tân Hiệp
BIDV Kiên Giang hợp tác chiến lược với Sao Mai An Giang
Dầu cá Ranee - dưỡng chất quý từ dòng Mê Kông

Hành trình từ sông ra biển

Tiền thân của Tập đoàn Sao Mai là DN nhà nước trực thuộc UBND tỉnh An Giang. Thời điểm cổ phần hóa (1997), vốn điều lệ của Công ty chưa đầy một tỷ đồng. Công ty vừa chuyển đổi loại hình hoạt động thì gặp ngay cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

Sản phẩm dầu cá cao cấp Ranee của Sao Mai đã được đông đảo người tiêu dùng đón nhận

Như một phép thử sinh tồn, Ban giám đốc Công ty, đứng đầu là ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc đã linh hoạt lèo lái “con thuyền Sao Mai” vượt qua sóng gió.

Đến năm 2002 và những năm sau đó, khi thị trường bất động sản khởi sắc, với nền tảng đã có trong mảng xây dựng, Sao Mai bắt đầu mở rộng hoạt động sang lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản và dịch vụ. Hoạt động nhận thầu xây dựng dần thu hẹp để nhường chỗ cho các dự án bất động sản trải dài từ miền Tây đến TP.HCM, miền Đông và miền Bắc. Trong khoảng thời gian này, Sao Mai cũng đã lấn sang mảng kinh doanh dịch vụ, du lịch, điển hình là Dự án Resort Sao Mai quy mô 8,5 ha tiêu chuẩn 4 sao tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đến năm 2007 - 2008, kinh tế thế giới lại rơi vào khủng hoảng. Với kinh nghiệm “sống chung với khủng hoảng”, Ban giám đốc công ty một lần nữa thành công trong lèo lái con thuyền “tránh bão”.

Ông Thuấn nhớ lại, tình hình kinh doanh bất động sản lúc đó rất ế ẩm. Hầu hết dự án bất động sản trên toàn quốc đóng băng không giao dịch. Trong thời điểm khó khăn đó, Ban giám đốc Công ty đã mạnh dạn chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực nuôi trồng, chế biến cá tra xuất khẩu và định hướng phát triển thành tập đoàn đa ngành nghề.

Với định hướng đó, Sao Mai đã nhanh chóng đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp Vàm Cống quy mô 23 ha tại tỉnh Đồng Tháp. Hiện nay, tại cụm công nghiệp này đã hình thành 4 nhà máy, bao gồm 2 nhà máy chế biến đông lạnh cá tra công suất 600 tấn/ngày và nhà máy chế biến bột cá mỡ cá công suất 300 tấn/ngày và nhà máy tinh luyện dầu cá thành dầu ăn cao cấp Ranee 200 tấn/ngày đã hoạt động ổn định cho hiệu quả rất cao.

Ông Thuấn cho biết, chỉ sau thời gian ngắn góp mặt trên thị trường, dầu cá cao cấp Ranee đã được hàng triệu người tiêu dùng đón nhận. Nhiều đơn vị, nhà phân phối trong và ngoài nước đã chủ động liên hệ với Công ty để nhận phân phối sản phẩm. Với những tín hiệu rất tốt đó, Tập đoàn Sao Mai quyết định sớm đầu tư dây chuyền tinh luyện dầu cá thứ hai, công suất tương đương nhà máy hiện có. Khi dây chuyền thứ hai này đi vào hoạt động, Công ty sẽ đảm bảo 100% nguyên liệu mỡ cá tra của vùng Đồng bằng sông Cửu Long được tinh chế hết thành sản phẩm dầu cá cao cấp Ranee.

Khẳng định đẳng cấp

Năm 2010, Sao Mai là một trong số ít DN của khu vực niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Một năm sau đó, Công ty thành viên IDI cũng niêm yết 38 triệu cổ phiếu trên HOSE. Ở thời điểm mới niêm yết, vốn điều lệ của Công ty chưa đầy 100 tỷ đồng, tổng tài sản chưa đầy 1.000 tỷ đồng, thì nay, Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai đã có 10 công ty thành viên, sở hữu hơn 2 triệu m2 bất động sản, vốn điều lệ lên đến trên 2.800 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 6.000 lao động, có tổng tài sản hơn 10.000 tỷ đồng. Tập đoàn Sao Mai đã trở thành một trong những DN lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh kết quả kinh doanh ấn tượng, trong suốt quá trình phát triển của mình, Sao Mai cũng không quên thực hiện nghĩa vụ chăm lo đời sống cán bộ, công nhân viên của Tập đoàn. Hầu hết cán bộ thâm niên công tác từ 2 năm trở lên đều nhận được chính sách mua nền nhà với giá hỗ trợ và được mua cổ phiếu ưu đãi khi Công ty tiến hành IPO. Bên cạnh đó, Sao Mai đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng và gửi một lượng lớn cán bộ trẻ đi đào tạo tại Mỹ, Australia, Singapore, Trung Quốc.

Đồng thời, Sao Mai cũng thực hiện tốt trách nhiệm với cộng đồng xã hội, đóng góp thường xuyên cho các quỹ vì người nghèo, hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt, xây nhà tình thương, tài trợ giáo dục, đặc biệt nộp thuế ở nhóm DN dẫn đầu cả nước.

Nói về chiến lược phát triển sắp tới của DN, ông Thuấn cho biết: “Sao Mai còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để vươn xa, tiếp tục định hướng đa ngành nghề và nhằm khai thác tốt lợi thế vùng miền, lợi thế DN. Sao Mai đang tiếp tục mở rộng hoạt động sang lĩnh vực khác, như chế biến lương thực, dịch vụ y tế, hậu cần vận tải biển…”.

“Bí quyết của chúng tôi là càng khó khăn, càng phải đoàn kết, biết tìm “cơ” trong “nguy” của khủng hoảng để chớp lấy cơ hội vươn lên. Nền kinh tế nước ta đang hội nhập kinh tế thế giới, cơ hội mở ra rất nhiều, nhưng cũng đầy cam go, cạm bẫy. DN giống như đang đứng giữa rừng rậm, nếu biết chọn cho mình cây lành, trái ngọt mà ăn thì sẽ tồn tại, còn ngược lại sẽ phải trả giá đắt. Trải qua nhiều khó khăn trong chặng đường phát triển, song Sao Mai luôn đứng vững, bởi biết tự tìm cho mình cây lành, trái ngọt”, ông Thuấn ví von.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư