Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Bà bán tăm kể phút bị đánh bầm dập vì nghi bắt cóc trẻ em
Nhị Tiến (vietnamnet) - 23/07/2017 18:17
 
Bà Nguyễn Thị Phúc (SN 1965, ở xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) 1 trong 2 phụ nữ đi bán tăm chia sẻ phút bị đánh 'thừa sống thiếu chết' ở Sóc Sơn vì bị nghi bắt cóc trẻ em.
Nhà bà Phúc tại xã Sông Công, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội
Nhà bà Phúc tại xã Sông Công, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội

Ngồi nhấp nhổm vì mình mẩy đau nhức, những vết thương thâm tím hai bên mặt, máu vẫn tụ quanh mắt, bà Phúc ứa nước mắt kể: 

“Hôm qua, tôi bắt xe buýt từ nhà lên Hà Nội để bán tăm tình thương. Khi đến điểm xe buýt ở đầu cầu Chương Dương thì gặp chị Bảy (Lê Thị Bảy (SN 1977, ở xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Do quen nhau từ trước, chị Bảy rủ tôi về thôn Thái Phù (xã Mai Đình, Sóc Sơn) để bán". 

"Tuy nhiên, khi hai chúng tôi đi bộ dọc bên đường làng (mỗi người đi một bên cách nhau khoảng 10m). Thấy chị Bảy gọi một cháu bé đang chơi ở sân ra hỏi, mẹ cháu có nhà không? Rồi có một bà cụ đi ra bảo không và xua chị ấy đi. 

Ít phút sau, có một người phụ nữ đi xe máy qua thấy chúng tôi liền bảo chúng tôi bắt cóc trẻ con nên tiếp tục đuổi ra khỏi làng”, bà Phúc nói.

Vết thâm trên mắt và trên vai của bà Phúc sau khi bị đánh
Vết thâm trên mắt và trên vai của bà Phúc sau khi bị đánh

Theo bà Phúc, sau đó, bà và chị Bảy ra bắt xe buýt đi bán chỗ khác nhưng lỡ mất chuyến. Trong lúc đang đợi chuyến khác thì người phụ nữ trẻ đi xe máy trước đó lại đến kéo theo vài người và tiếp tục nói hai người là bắt cóc trẻ con và lao vào đánh đập, không nghe bất cứ lời giải thích nào. 

“Họ lao vào đấm đá chị Bảy chảy máu mặt, sau đó một người dân can ngăn. Rồi họ quay sang đánh tôi, bảo tôi là đồng bọn”, bà Phúc nghẹn giọng.

Bà Phúc khẳng định: “Chai thuốc mê, bảng giá bán nội tạng và lá bùa mà người dân nói có trong túi tôi hoàn toàn không phải như vậy. Trong túi tôi lúc đó có chai nước uống, họ bắt tôi uống gần hết rồi bắt dừng lại. Tờ giấy là tôi ghi lại thông tin và số điện thoại của một người chữa sỏi thận vì tôi đang bị sỏi thận. Lá bùa là của chùa ở làng tôi mới khánh thành, tôi xin để đi đường được bình an, may mắn”.

Vết thâm trên mắt bà Phúc
Vết thâm trên mắt bà Phúc

Theo lời bà Phúc, bà vừa xin vào Hợp tác xã (HTX) tình thương huyện Mỹ Đức làm được khoảng 10 ngày và đang trong quá trình thử việc. Bà Phúc chủ yếu đi bán tăm, giới thiệu sản phẩm của HTX.

Anh Nguyễn Văn Hùng (30 tuổi, con trai cả bà Phúc), cho biết: “Tôi biết thông tin mẹ tôi và cô Bảy bị đánh qua mạng xã hội. Lúc tôi lên đến nơi thì mẹ đang viết tường trình với công an, và phải đến 20h tôi mới đưa được mẹ về nhà. Ngày mai gia đình sẽ đưa mẹ đi khám, đồng thời làm đơn kiến nghị gửi lên các cơ quan chức năng, yêu cầu vào cuộc làm rõ những người hành hung, buộc họ phải trả lại danh dự cho mẹ tôi”.

Người nhà bà Phúc xem lại clip bà và bà Bảy bị đánh
Người nhà bà Phúc xem lại clip bà và bà Bảy bị đánh

Ông Lê Hồng Mạnh, Chủ nhiệm HTX tình thương huyện Mỹ Đức xác nhận: “Bà Phúc là nhân viên của HTX. Do HTX mới thành lập được hơn 2 tháng nên thông tin về sản phẩm còn ít người biết đến. Bà Phúc là người hiền lành, gia cảnh khó khăn nên tôi nhận vào làm việc, không ngờ lại xảy ra sự việc như vậy”.

Trong báo cáo của Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn (Hà Nội) cũng khẳng định: “Chị Bảy và bà Phúc đến xã Mai Đình để bán tăm gây quỹ tình thương. Khi đến nhà cháu Đinh Huy Anh (SN 2012) hỏi bố mẹ cháu có nhà không để bán tăm. Bà nội cháu là Nguyễn Thị Tốt (SN 1974) thấy vậy liền đuổi chị Bảy và chị Phúc đi, hô hoán hai chị bắt cóc trẻ em. Sau đó, một số người dân thôn Thái Phù nghe theo, đuổi đánh chị Bảy và chị Phúc đến địa phận khu 1”.

Trưởng công an xã ra thông báo bắt cóc trẻ em chỉ với mục đích cảnh báo
Liên quan đến việc Trưởng Công an xã Kim Sơn (huyện Định Hóa, Thái Nguyên) ra thông báo có hiện tượng bắt cóc trẻ em xảy ra trên địa bàn, lãnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư