Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Ba điều cần biết khi đầu tư thương mại di động
Phi Vũ - 03/05/2016 10:03
 
Số lượng thuê bao di động lớn, tỷ lệ truy cập Internet từ các thiết bị này đang có xu hướng tăng, khiến thương mại điện tử di động (m-commerce) ngày càng trở thành một phần không thể thiếu của thương mại điện tử ngày nay.

Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ người dùng Internet tại Việt Nam chiếm 52% dân số. Trong đó, Internet băng rộng di động có 36,28 triệu thuê bao, với tỷ lệ 40,1 thuê bao/100 dân.

Còn theo Báo cáo Thương mại điện tử trên nền tảng di động của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) năm 2015, có đến 85% người được khảo sát cho biết sử dụng di động để kết nối Internet, tăng 20% so với năm 2014.

Số người mua sắm qua thương mại điện tử ngày càng nhiều, nhất là những người trẻ. Ảnh: Lê Toàn
Số người mua sắm qua thương mại điện tử ngày càng nhiều, nhất là những người trẻ. Ảnh: Lê Toàn

Từ hai năm trước, nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử đã đầu tư vào di động, có thể kể đến những cái tên như mRaovat, Kprice, Lazada, Tiki… để đón làn sóng tăng trưởng này, nhưng thực tế không nhiều doanh nghiệp thành công vì những hạn chế ở thị trường Việt Nam.

Theo ông Lê Xuân Long, Giám đốc tiếp thị của Lazada Việt Nam, có 3 điểm doanh nghiệp cần quan tâm khi chuẩn bị đầu tư vào thương mại di động:

Thứ nhất là lựa chọn Mobile site hay Mobile App. Trong M-Commerce, M-site (website dành cho di động) và Mobile app (ứng dụng di động) đều có những ưu nhược điểm khác nhau, tùy theo tình hình thực tế của doanh nghiệp mà sẽ chọn cho mình một hướng đầu tư phù hợp. Riêng với Lazada, thời điểm hiện tại, Lazada chọn đầu tư cho App và có chiến lược toàn diện thúc đẩy sự phát triển của App thông qua tất cả các kênh tiếp cận.

Theo quan sát của Lazada, trong suốt quá trình phát triển nền tảng thương mại điện tử, M-site đạt lượng truy cập cao hơn so với ứng dụng, tuy nhiên, M-app chiếm tổng giao dịch lớn vì tỷ lệ chuyển đổi vượt trội so với trên website và M-site.

Trên thực tế, thị trường Việt Nam vẫn còn tồn tại một số rào cản nhất định cho sự phát triển của cả hai yếu tố này, như sự phát triển của giao diện di động còn hạn chế vì chưa có nhiều trang có tính năng tương thích với di động, chưa có nhiều tài nguyên để hiển thị và còn hạn chế trong khả năng tối ưu hóa (tính chuyển đổi thấp).

Để phát triển tốt nền tảng ứng dụng, doanh nghiệp phải xác định rõ mục tiêu, đối tượng và cách thức mà ứng dụng được sử dụng. Từ đó, phân bổ các trọng tâm đầu tư sao cho hiệu quả và hợp lý.

Thứ hai, đặt khách hàng làm trung tâm. Việc đặt khách hàng làm trung tâm, liên tục phát triển và ứng dụng những công cụ, giải pháp đo lường có thể nghiên cứu và thấu hiểu về hành vi, cũng như nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, chú trọng vào nâng cao trải nghiệm người dùng.

Cụ thể, Lazada TechHub (đơn vị phát triển ứng dụng của Lazada) thường xuyên tiến hành khảo sát và nghiên cứu hành vi khách hàng bằng cách tập hợp các nhóm đối tượng với những đặc điểm xã hội (độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp…) khác nhau và đưa ra các nhiệm vụ đóng và mở (open and closed tasks) để họ thực hiện. Từ đó rút ra các điểm nổi bật trong hành vi sử dụng của họ (cách họ nhìn một giao diện, hướng tập trung trên màn hình, thói quen tìm kiếm) và đưa ra những thay đổi, cải tiến phù hợp để nâng cao trải nghiệm người dùng. Bên cạnh đó là tạo động lực bởi sự cạnh tranh từ các đối thủ. Hiện nay, khách hàng có nhiều lựa chọn mua sắm, họ có thể dễ dàng nói được những điểm vượt trội của công ty này so với công ty khác trong cùng ngành.

Ba là, liên tục đưa ra những chiến lược hiệu quả, kích cầu mua sắm trên di động. Bên cạnh việc xây dựng và chuẩn bị một cách hoàn thiện nền tảng thương mại di động, doanh nghiệp cũng cần phải lưu ý đến việc đưa ra những chiến lược hiệu quả, kích cầu mua sắm trên di động. Một số hình thức phổ biến để thu hút người dùng là các chương trình giảm giá, hoặc giao hàng miễn phí khi mua sắm từ ứng dụng di động.

Người Việt mua bán qua sàn thương mại điện tử hơn 4 tỷ USD
4,07 tỷ USD là tổng doanh thu bán hàng qua hình thức thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam trong năm 2015, tăng 37% so với năm 2014, và chiếm 2,8% tổng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư