Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
“Bàn đạp” cho tăng trưởng GDP
Hà Nguyễn - 18/08/2017 08:37
 
Đã bắt đầu có chỉ đạo của Chính phủ về việc tăng tiêu dùng hộ gia đình bằng cách kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo niềm tin thị trường, từ đó thúc đẩy tăng trưởng. Đây có thể được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng GDP.
TIN LIÊN QUAN

Tiêu dùng cuối cùng - đòn bẩy cho tăng trưởng GDP

Đặt câu hỏi với ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, về vai trò của tiêu dùng cuối cùng trong tăng trưởng kinh tế, lời khẳng định từ người đứng đầu cơ quan thống kê quốc gia là “rất quan trọng”.

Trên thực tế, không khó để hình dung vai trò của tiêu dùng dân cư đối với tăng trưởng kinh tế, bởi GDP tính theo phương pháp sử dụng cuối cùng (tức là từ phía cầu) được tính bằng tiêu dùng cuối cùng (của dân cư và Nhà nước) cộng với tích lũy và chênh lệch xuất nhập khẩu. “Trong bối cảnh chênh lệch xuất nhập khẩu đang âm, tích lũy không lớn, tiêu dùng cuối cùng của Chính phủ (chủ yếu là chi thường xuyên - PV) không thể tăng thêm, thì để tăng GDP, buộc phải tăng tiêu dùng của dân cư”, ông Lâm lý giải.

tiêu dùng là một trong 3 trụ cột của tăng trưởng kinh tế. Trong ảnh, cửa hàng bán lẻ FPT Shop tại Thái Hà (Hà Nội). Ảnh: Đ.T
Tiêu dùng là một trong 3 trụ cột của tăng trưởng kinh tế. Trong ảnh, cửa hàng bán lẻ FPT Shop tại Thái Hà (Hà Nội). Ảnh: Đ.T

Số liệu thống kê gần đây cũng cho thấy, tiêu dùng cuối cùng của dân cư ngày càng quan trọng hơn trong thúc đẩy tăng trưởng GDP. Nửa đầu năm nay, tiêu dùng cuối cùng đã tăng 7,04% so với cùng kỳ, đóng góp 8,48 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung. Trong đó, tiêu dùng cuối cùng của dân cư đóng góp tới 7,75 điểm phần trăm, còn tiêu dùng của Chính phủ chỉ đóng góp 0,73 điểm phần trăm. Trong khi đó, tích lũy tài sản đóng góp 4,26 điểm phần trăm; còn chênh lệch xuất nhập khẩu đã làm giảm khoảng 7,01 điểm phần trăm của tăng trưởng chung do nhập siêu.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2016, tiêu dùng cuối cùng đóng góp 5,29 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung (năm ngoái, tăng trưởng GDP của toàn nền kinh tế là 6,21%).

Nói vậy để thấy, tiêu dùng cuối cùng, đặc biệt là tiêu dùng hộ gia đình, thực sự là đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế.

Liên quan vấn đề này, trong một cuộc hội thảo mới đây, ông Jonathan Dunn, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam đã nhấn mạnh, tỷ lệ dịch vụ và tiêu dùng ngày càng dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của các nước. Chẳng hạn, Trung Quốc hiện không còn tập trung vào đầu tư, mà chú trọng nhiều vào tiêu dùng.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong 3 thập kỷ Đổi mới vừa qua, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu dựa vào 3 trụ cột quan trọng là xuất nhập khẩu, đầu tư kết cấu hạ tầng và tiêu dùng. Nhưng trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế cho đầu tư, cán cân xuất nhập khẩu nghiêng về nhập siêu, thì cần phải phát huy “nền tảng” tiêu dùng nội địa.

Kinh tế tiêu dùng, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, cần được coi như là “bàn đạp” cho tăng trưởng GDP ở Việt Nam.

Kích cầu tiêu dùng là cần thiết

Có chung quan điểm về vai trò quan trọng của tiêu dùng nội địa với tăng trưởng kinh tế, TS. Lê Đình Ân, chuyên gia kinh tế, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đã khẳng định, việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây chỉ đạo “phải tăng tiêu dùng hộ gia đình bằng kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo niềm tin thị trường” là cần thiết và quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nửa đầu năm nay, tiêu dùng cuối cùng đã tăng 7,04% so với cùng kỳ, đóng góp 8,48 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng đã đề cập chuyện cần tăng tiêu dùng nội địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ông Lực thậm chí tính toán rằng, chỉ cần tăng 1% tiêu dùng nội địa cũng đã có hiệu quả gấp hơn 4 lần việc khai thác thêm 1 triệu tấn dầu.

“Nếu kích thích tiêu dùng thêm 1%, nền kinh tế sẽ có thêm 38.000 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với con số ước tính 9.200 tỷ đồng nếu khai thác được thêm 1 triệu tấn dầu”, ông Lực phân tích.

Tuy vậy, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, không thể nói là giải pháp nào quan trọng hơn giải pháp nào. Bởi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, không chỉ để đạt mức 6,7% trong năm nay, mà cả các năm sau, thì phải áp dụng tổng thể nhiều giải pháp, bao gồm cả các giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng, có nghĩa là từ cả phía cung và phía cầu, chứ không phải riêng lẻ giải pháp nào.

Trên thực tế, khi đề cập đề xuất tăng khai thác dầu thô thêm 1 triệu tấn trong năm nay để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhấn mạnh rằng, cần khơi dậy mọi tiềm năng và tận dụng mọi cơ hội để phát triển, bao gồm cả cơ hội và khả năng khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thô. Trong bối cảnh giá dầu phục hồi tốt và khả năng còn khai thác được, Chính phủ quyết định tận dụng cơ hội để khai thác thêm 1 triệu tấn phục vụ tăng trưởng, không đến mức khai thác quá mức hay cạn kiệt tài nguyên.

Tương tự, giờ đây, cũng cần khai thác tiềm năng thị trường tiêu dùng nội địa, qua đó thúc đẩy tăng trưởng. “Giải pháp phát triển thị trường nội địa, tiêu dùng dân cư thì đã nói nhiều, ngay trong các nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô cũng đã có. Nhưng theo tôi, quan trọng là làm thế nào để người dân có nhu cầu và có điều kiện mua sắm những hàng hóa lâu bền, có giá trị, như nhà cửa, xe cộ…”, ông Lâm đề xuất.

Trong khi đó, với tiêu dùng thường xuyên, dù thực tế nhu cầu hiện nay của người dân đã đủ, song phải tìm cách “nắm” được hệ thống bán lẻ, đưa được hàng hóa Việt Nam vào tiêu thụ, qua đó kích thích sản xuất và tiêu dùng nội địa.

“Muốn vậy, phải làm sao tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong nước, bao gồm cả những yếu tố liên quan đến chất lượng hàng hóa, sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…”, ông Lâm nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư