Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bán vốn cho nước ngoài: Khi nhà băng thay đổi khẩu vị
Trần Mạnh - 14/12/2017 08:37
 
Không lựa chọn những ngân hàng quá lớn, không mua quá nhiều cổ phần, nhiều đối tác ngoại đang tìm đến những ngân hàng quy mô vừa phải nhưng an toàn, lành mạnh.
TIN LIÊN QUAN

Cuối tuần qua, Quỹ đầu tư PYN Fund Management quyết định chi gần 40 triệu USD để mua gần 5% vốn sau phát hành của TPBank. Là một trong 3 quỹ ngoại lớn nhất thị trường, song đây là lần đầu tiên PYN Elite Fund đầu tư vào một ngân hàng Việt Nam. Đây cũng là khoản đầu tư mới lớn nhất mà Quỹ từng thực hiện tại Việt Nam.

Đây là thương vụ bán vốn hiếm hoi thành công của ngân hàng Việt Nam trong vòng 2 năm trở lại đây. Trước đó, năm 2016, TPBank cũng là ngân hàng duy nhất thành công chào bán vốn cho đối tác nước ngoài (bán gần 5% vốn cho IFC).

.
.

Ông Petri Deryng, giám đốc Quỹ đầu tư của PYN Elite Fund cho hay: “Đây là thương vụ đầu tư mới lớn nhất vào một công ty riêng lẻ mà PYN Elite Fund từng thực hiện tại Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng TPBank sẽ phát triển tốt trong tương lai”.

Vài năm gần đây, hoạt động chào bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài đang chững lại. Nhiều ngân hàng tuyên bố tìm đối tác chiến lược từ vài năm nay nhưng vẫn chưa có kết quả. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nguyên nhân là “khẩu vị của đối tác ngoại đã thay đổi”. Theo đó, thay vì tìm mua ngân hàng yếu giá thấp, hoặc ngân hàng lớn giá cao, các đối tác ngoại có xu hướng tìm đến những ngân hàng nhỏ nhưng an toàn, lành mạnh và có nhiều tiềm năng.

“Nhiều đối tác ngoại không muốn đầu tư theo hình thức cổ đông chiến lược dài hạn, mà muốn trở thành nhà đầu tư tài chính đơn thuần, vì vậy, họ chọn những ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng tốt và minh bạch”, ông Nghĩa nói.

Không chỉ nhà đầu tư ngoại thay đổi khẩu vị, mà chính nhà băng nội cũng đã thay đổi tư duy. Một trong những minh chứng là, hiện nay, một số ngân hàng trong nước thậm chí còn khóa room vốn ngoại sau khi từng trải qua một số thương vụ “kết hôn bất thành” với đối tác nước ngoài.

VPBank là ví dụ điển hình. Sau khi chia tay với đối tác ngoại, ngân hàng này phát triển bùng nổ hơn rất nhiều.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư cách đây không lâu, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho rằng, dù Ngân hàng này có rất nhiều lãnh đạo cao cấp là người nước ngoài, song lại có quan điểm không tìm đối tác chiến lược nước ngoài, bởi rất khó tìm được đối tác không chung quan điểm, chiến lược kinh doanh. Hơn nữa, các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài chỉ nhìn ngân hàng Việt Nam như khoản đầu tư ngắn hạn nên ít khi mang đến những gì tốt nhất. Chưa kể, việc sở hữu những kinh nghiệm toàn cầu của nhà đầu tư ngoại chưa hẳn đã phù hợp và có ích với đặc điểm của những ngân hàng Việt.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cũng chia sẻ, nhìn chung các đối tác nước ngoài đều theo đuổi quan điểm thận trọng. Trong khi đó, nhà băng Việt Nam muốn phát triển nhanh, giành thị phần không thể không tăng trưởng nóng. Đây là điểm khiến cuộc hôn nhân nội - ngoại dễ gặp xung khắc nhất.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng nhận định, điều này không có nghĩa ngày càng ít thương vụ M&A nội - ngoại trong lĩnh vực ngân hàng. Ngược lại, tới đây sẽ có nhiều thương vụ bán vốn lô lớn, giá trị “khủng” của BIDV, Vietcombank. Bên cạnh đó, nếu hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, cùng với việc nhiều ngân hàng sắp lên sàn, vốn ngoại vào ngân hàng Việt sẽ tăng mạnh. Điểm khác biệt có lẽ là giờ đây cả người mua và người bán đều thận trọng hơn, thay vì chạy theo phong trào như trước đây.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư