Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Bán vốn nhà nước: Cơ hội lớn cho nhà đầu tư
Thế Phong - 11/08/2018 15:06
 
Từ quý III/2018, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ tiếp tục triển khai các đợt thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn với mục tiêu đem lại lợi ích tối ưu cho Nhà nước, đảm bảo nguồn thu phù hợp với kế hoạch đầu tư công và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Cung cầu đều lớn

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tài chính Việt Nam -  Hàn Quốc hồi tháng 4/2018, bàn đón tiếp nhà đầu tư của SCIC đã thu hút sự quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư xứ kim chi. Hàng loạt cái tên được biết đến trong giới tài chính Hàn Quốc như Shinhan Financial Group, KB Insurance, Hanwha Life Insurance, Fieds Investment Management, Mertiz Asset Management; Mirea Asset Global Invesments, Hanwaha Asset Invesments, Lotte Beveragat, Lotte Cinema, Daewoong Pharmaceutical... đã tập trung tìm hiểu cơ hội đầu tư tại đây.

Ông Nguyễn Chí Thành, Phó tổng giám đốc phụ trách SCIC cho biết, 5 đợt thoái vốn gần nhất sắp được SCIC triển khai trong quý III là tại CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang, CTCP Dược phẩm Domesco, CTCP FPT và Tổng công ty Vinaconex. Ngoài ra, Tổng công ty tiếp tục triển khai việc thoái vốn tại các doanh nghiệp thuộc diện không cần nắm giữ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2020.

Hơn 400 nhà đầu tư Hàn Quốc đã tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tổ chức tại Seoul ngày 18/4/2018. Thông tin về các đợt thoái vốn của SCIC thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư Hàn.
Hơn 400 nhà đầu tư Hàn Quốc đã tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tổ chức tại Seoul ngày 18/4/2018. Thông tin về các đợt thoái vốn của SCIC thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư Hàn.

Ghi nhận nhu cầu từ nhà đầu tư Hàn Quốc, ông Thành chia sẻ, họ rất muốn mở rộng danh mục đầu tư, nhất là lĩnh vực bảo hiểm và dược phẩm. Các nhà đầu tư đều muốn mua với số lượng lớn để đi đường dài cùng doanh nghiệp Việt Nam. Họ mong muốn được nới room, áp dụng phương pháp chào bán dựng sổ hoặc chào bán chiến lược riêng, để tăng cơ hội tìm hiểu sâu hơn, hợp tác lớn tại các doanh nghiệp.

Có thể nói, những doanh nghiệp có vốn của SCIC đang kinh doanh hiệu quả và là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực hoạt động của mình, thường là đích ngắm của nhiều tập đoàn nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang trông chờ các đợt cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại Việt Nam để có cơ hội mua được số lượng lớn cổ phần.

Ông Dominic Sriven, Chủ tịch Dragon Capital nói rằng, quy mô vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam mới chỉ bằng 1/3 so với các thị trường khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, bởi vậy tiềm năng của kênh đầu tư gián tiếp là rất lớn. Nếu có hàng hóa tốt và mức giá hợp lý thì thị trường tiếp tục đón nhận.

Kết quả thoái vốn thành công vượt mong đợi tại Nhựa Bình Minh vào năm 2018, Vinamilk, Sabeco vào năm 2017 đã chứng minh rằng, hàng hiệu Việt Nam khi được thoái vốn đúng cách, đúng thời điểm, có thể đem lại hiệu quả lớn cho Nhà nước.

Chuyên nghiệp hóa việc bán vốn

Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC Nguyễn Đức Chi, việc Tổng công ty quyết định đưa doanh nghiệp nào ra thị trường, vào thời điểm nào đều được bàn bạc rất kỹ, chứ không phải cứ ra thị trường, còn việc bán được hay không không quan tâm.

"Nhiều hàng hóa hấp dẫn cùng chào sàn sẽ khiến cán cân cung cầu bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, bên cạnh sự quyết liệt trong công tác thoái vốn của các bộ, ngành và SCIC thì những tính toán về thời điểm bán, cách thức tiếp cận thị trường là cần thiết để đảm bảo tính khả thi cũng như tối đa hóa lợi nhuận phần vốn nhà nước", ông Chi chia sẻ.

5 đợt thoái vốn được SCIC triển khai trong quý III/2018 là tại CTCP Nhựa Tiền phong, CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang, CTCP Dược phẩm Domesco, CTCP FPT và Tổng CTCP Vinaconex

SCIC thường dựa vào chào bán cạnh tranh để chọn nhà đầu tư. Quá trình này thông thường sẽ bao gồm thuê bên tư vấn, tổ chức roadshow (trong nước và quốc tế), tiến hành định giá để đưa ra giá khởi điểm và tổ chức một buổi đấu giá.

Quá trình cuối cùng của việc thoái vốn là việc hoàn tất giao dịch với nhà đầu tư trúng giá thông qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Thực tế các đợt bán vốn của SCIC cho thấy, chuẩn bị các thông tin minh bạch là câu chuyện quan trọng nhất, cùng với đó là cách tiếp đón, trả lời các câu hỏi của nhà đầu tư và ghi nhận những kiến nghị từ họ để góp ý, hoàn thiện chính sách chào bán cho phù hợp với từng giao dịch cụ thể.

Qua thực tế triển khai, một số cơ chế tạo điều kiện hơn cho các nhà đầu tư tham gia đấu giá đã được SCIC chủ động đề xuất với các cơ quan nhà nước và được phép áp dụng như việc miễn chào mua công khai, cho phép đặt cọc bằng ngoại tệ… Nhà đầu tư được phép nộp mã số giao dịch muộn (gia hạn nhiều nhất 15 ngày sau ngày thanh toán). Nhà đầu tư có thể đặt cọc bằng USD, giao dịch ký quỹ có thể được thực hiện ở tất cả các ngân hàng được cấp thẩm quyền (trước đây chỉ có thể đặt cọc bằng VND).

Nhà đầu tư chỉ cần chuẩn bị 100% giá trị giao dịch vào ngày thanh toán vì tiền đặt cọc cũng là một phần của thanh toán (năm 2016, nhà đầu tư phải chuẩn bị 110% giá trị thanh toán và được hoàn lại 10% sau khi giao dịch hoàn tất).

Các phương thức bán vốn hiện đại như dựng sổ cũng đã được SCIC chủ động nghiên cứu để sẵn sàng áp dụng khi được phép triển khai.

Trong hơn 10 năm qua, SCIC đã triển khai việc bán vốn nhà nước tại hơn 900 doanh nghiệp (trong đó bán hết vốn tại hơn 800 doanh nghiệp, bán một phần vốn tại gần 100 doanh nghiệp) và bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp với giá vốn là 8.084 tỷ đồng, thu về 27.999 tỷ đồng (gấp 3,5 lần giá vốn).

Quy trình bán vốn tại SCIC được triển khai chặt chẽ, công khai, minh bạch như sau:

+ Thuê công ty tư vấn (công ty chứng khoán) xác định giá khởi điểm bán cổ phần của Nhà nước để tham khảo.

+ Các bộ phận, chức năng của SCIC thẩm định, thống nhất đề xuất giá khởi điểm, thời điểm bán để Tổng giám đốc quyêt định bán đấu giá cổ phần.

+ Việc định giá khởi điểm được áp dụng nhiều phương pháp định giá để lựa chọn giá bán hợp lý.

+ Thực hiện quá trình công bố thông tin bán cổ phần, tổ chức bán cổ phần, công bố thông tin về kết quả bán cổ phần…
Thoái vốn Nhà nước: Định hình lượng hàng "khủng" từ SCIC
Rất nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, sau 2 thương vụ lớn là VNM và Sabeco, kế hoạch thu 250.000 tỷ đồng từ thoái vốn, cổ phần hóa đến năm 2020...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư