Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bảo hiểm nhân thọ thổi nhiệt vào thị trường tài chính
Chí Tín - 10/09/2017 13:21
 
Động thái “tăng ga” khá rõ ràng của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang thổi nhiệt vào các kênh đầu tư tài chính.

Thời thế đang hiện rõ

Thời điểm hiện tại có thể được coi là giai đoạn thuận lợi nhất từ trước đến nay cho các đại gia ngành bảo hiểm nhân thọ. Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 28.199 tỷ đồng, tăng 30,97% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu khai thác mới đạt 9.776 tỷ đồng, tăng 33,77% so với cùng kỳ năm 2016.

Sự tăng tốc của thị trường bảo hiểm nhân thọ thời gian qua đã thổi nhiệt cho các hoạt động đầu tư tài chính, đặc biệt là kênh trái phiếu chính phủ. Trong 6 tháng qua, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã đấu thầu thành công hơn 15.005 tỷ đồng trái phiếu chính phủ. Sự tham gia của các đại gia bảo hiểm nhân thọ trong kênh trái phiếu đã giúp thị trường này trở nên sôi động, đối tượng tham gia phong phú hơn, ít lệ thuộc hơn vào khối các ngân hàng thương mại.

.
BIDV MetLife là liên doanh giữa BIDV và Tập đoàn bảo hiểm nhân của Mỹ - MetLife

Đặc biệt, vai trò của các công ty bảo hiểm trong hoạt động đấu thầu trái phiếu thể hiện ở chỗ các công ty này chủ yếu mua trái phiếu ở các kỳ hạn dài từ 15 năm đến 30 năm. Đây là điểm khác biệt so với “sở thích” đầu tư kỳ hạn ngắn của các ngân hàng thương mại. So với năm 2016, kỳ hạn phát hành bình quân của trái phiếu chính phủ đã được kéo dài hơn, đạt 13,8 năm, tăng 5,53 năm so với năm 2016 (kỳ hạn phát hành bình quân năm 2016 là 8,27 năm).

Đánh giá về bối cảnh hiện tại của ngành bảo hiểm nhân thọ, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, mặt tích cực nhất có thể nhìn thấy là tốc độ tăng trưởng của ngành bảo hiểm nhân thọ lên tới trên 30%, thuộc một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, xét về giá trị tuyệt đối, thì quy mô thị trường của bảo hiểm nhân thọ còn rất nhỏ so với các quốc gia khác, chứng tỏ dư địa còn nhiều.

Tương lai nằm trong tay các tân binh

Hiện nay, thị trường bảo hiểm nhân thọ có 18 công ty đang hoạt động, trong đó 5 doanh nghiệp dẫn đầu đã “hớt” tới 80% thị phần. 13 công ty còn lại chỉ còn miếng bánh nhỏ bé với 20% thị phần. Tuy nhiên, kỳ vọng tăng trưởng của thị trường bảo hiểm nhân thọ đang đặt lên vai chính các công ty bảo hiểm nhỏ, bởi đây mới là các doanh nghiệp đang ôm ấp nhiều tham vọng và có khả năng tạo sự bùng nổ trong thời gian tới.

Trong cuộc chiến sinh tồn hiện tại, các công ty đi sau đều buộc phải tìm một vùng đất riêng để coi đó là “lãnh địa” và sự phân chia lãnh địa ngày càng rõ nét.

Mới đây, đại gia ngành bảo hiểm nhân thọ đến từ Anh quốc mang thương hiệu Aviva đã tiết lộ chiến lược phát triển dài hạn tại Việt Nam, sau khi hoàn tất mua lại phần góp vốn của Ngân hàng VietinBank tại Liên doanh VietinBank - Aviva. Aviva Việt Nam cho biết sẽ đầu tư mạnh vào kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm liên kết với ngân hàng (bancassurance). Đây là chiến lược hợp lý của Aviva, bởi dù VietinBank đã rút vốn, nhưng vẫn là chỗ dựa tốt cho Aviva trong mục tiêu chiếm lĩnh ngôi vị cao trong mảng bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Trong chặng đường chinh phục mục tiêu của mình, có lẽ Aviva sẽ phải chú ý nhất tới đối thủ cạnh tranh khá trực tiếp là BIDV MetLife Việt Nam. BIDV MetLife không những cũng có tham vọng ghi “số má” tại mảng bancassurance, mà còn rất quan tâm đến mảng bảo hiểm kỹ thuật số. Đây là “vùng đất” khá mới mẻ đối với các công ty bảo hiểm và việc BIDV MetLife sớm đặt mối quan tâm lĩnh vực này cho thấy tham vọng của doanh nghiệp không nhỏ trên đường đua sắp tới.

Theo đánh giá của BIDV MetLife, lợi thế của sản phẩm này là phí thấp, có khả năng tiếp cận lượng người tiêu dùng khổng lồ và phát triển theo quy mô lớn. Phía cơ quan quản lý cũng có động thái “bật đèn xanh” cho việc phát triển kênh này, khi mới đây, ông Phùng Ngọc Khánh cho biết, bên cạnh các kênh phân phối truyền thống, cơ quan quản lý rất quan tâm phát triển các kênh phân phối khác cho bảo hiểm nhân thọ như giao dịch điện tử, bảo hiểm kỹ thuật số.

Tương tự, nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ mới khác cũng có những “lá bài” riêng cho chiến lược của mình. Chẳng hạn, Generali Việt Nam tiếp tục củng cố vị trí số một trong mảng bảo hiểm nhóm, trong khi SunLife Việt Nam cho thấy khó có đối thủ nào có thể vượt qua mình tại lãnh địa dành cho bảo hiểm hưu trí.

Cạnh tranh bancassurance vào hồi... quyết liệt
6 tháng đầu năm 2017 đã có ít nhất 5 thỏa thuận hợp tác giữa các công ty bảo hiểm và ngân hàng để giới thiệu và bán các sản phẩm bảo hiểm qua...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư