Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bảo hiểm phi nhân thọ kiếm tìm kênh bán mới
 
Doanh thu phí, dù được coi là “không phải tất cả”, bởi doanh thu lớn mà lỗ vẫn không có lợi ích gì, nhưng thực tế, đây vẫn là chỉ tiêu số 1 với các công ty bảo hiểm.
9 tháng đầu năm 2017, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 30.167 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ 2016
9 tháng đầu năm 2017, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 30.167 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ 2016

Cùng với việc đưa bancassurance làm kênh bán bảo hiểm quan trọng song song với việc phát triển hệ thống đại lý, một số công ty bảo hiểm bắt đầu “bắt tay” hợp tác với  các tổ chức phân phối bảo hiểm độc lập nhằm tận dụng nhân lực và chuyên môn hóa từ đối tác trong việc phân phối chéo sản phẩm.

Cuối tuần qua, tại TP.HCM, CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) và CTCP BRICS Việt Nam (BRICS) đã ký kết đối tác chiến lược toàn diện, nhằm mang các sản phẩm bảo hiểm phù hợp đáp ứng nhu cầu đa dạng của mọi khách hàng. Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, trong 3 tháng đầu thử nghiệm mô hình này, doanh thu phí mới cũng được vài tỷ đồng mỗi tháng.

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Diệp Đại Khoa, Tổng giám đốc VASS cho biết: “Nếu như cuối năm 2013, doanh số của VASS mới đạt 273 tỷ đồng, đứng thứ 18 trên thị trường, thì đến cuối năm 2016, doanh số đã đạt 2.000 tỷ đồng, xếp hạng 6 thị trường”.

10 tháng đầu năm nay, VASS ghi nhận doanh số gần 2.000 tỷ đồng. Để đạt được con số này trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt, VASS chọn một hướng đi mới kể từ năm 2014, đó là tập trung hợp tác với các tổ chức phân phối bảo hiểm độc lập (bao gồm tổng đại lý và môi giới bảo hiểm), nhằm tận dụng nhân lực và chuyên môn hóa từ đối tác trong việc phân phối chéo sản phẩm…

“Với việc hợp tác với BRICS, cũng như các công ty dịch vụ tài chính và môi giới bảo hiểm khác, kỳ vọng các bên sẽ tận dụng lợi thế của nhau để đem sản phẩm bảo hiểm đến với nhiều người tiêu dùng Việt Nam”, ông Khoa chia sẻ.  

Tìm đến các mô hình bán hàng với những liên kết mới, đã có một số công ty “ném đá dò đường” từ những năm trước. Sau những trải nghiệm ban đầu, các công ty bảo hiểm nhận ra rằng, đó là hướng đi hợp thời cuộc.

Trước khi mở rộng hợp tác với một loạt các ngân hàng như KB Hàn Quốc, HDBank, Viet Capital Bank và phát triển kênh bán hàng trực tuyến…, năm 2016, Bảo Minh đã “bắt tay” với Công ty Tài chính FE Credit để bán các sản phẩm bảo hiểm con người. Ở thời điểm đó, đây cũng là một trong những hướng đi mới để mở rộng thêm các phân khúc thị trường.

Tính đến hết tháng 9/2017, doanh thu của Bảo Minh đạt 2.927,2 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ 2016 và hoàn thành 74,7% kế hoạch cả năm (3.918 tỷ đồng). Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm đạt 2.782 tỷ đồng, tăng 12,5% cùng kỳ và hoàn thành 74,6% kế hoạch năm.

Trong một hướng đi tương tự, chia sẻ tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa PTI và Bankco mới đây, ông Bùi Xuân Thu, Tổng giám đốc PTI cho rằng, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam đang có sự cạnh tranh rất quyết liệt.

“Chính vì thế, việc ký kết thỏa thuận hợp tác với các đối tác mới cũng nằm trong định hướng chiến lược của PTI, đó là mở rộng tối đa các phân phối sản phẩm, đặc biệt là kênh bán hàng trên môi trường Internet”, ông Thu nói.

Theo thỏa thuận, Bankco sẽ trở thành đại lý cung cấp các sản phẩm, dịch vụ sản phẩm của PTI thông qua mạng lưới đại lý và điểm cung cấp mạng lưới dịch vụ trên toàn quốc. PTI sẽ ủy quyền cho Bankco chào bán các sản phẩm bảo hiểm chủ đạo như bảo hiểm nghiệp vụ xe cơ giới, bảo hiểm nghiệp vụ tài sản kỹ thuật, bảo hiểm nghiệp vụ hàng hải…

Nhằm đa dạng hóa các kênh bán hàng, trước đó, PTI cũng đã “bắt tay” với ECPay để công ty này trở thành đại lý độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ PTI qua hệ thống điểm giao dịch của ECPay trên toàn quốc.

Theo số liệu từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), thị trường bảo hiểm VIệt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, với tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 75.231 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2017, tăng 21,6% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 30.167 tỷ đồng, tăng 12,2%.

“Muốn tăng trưởng thì đa dạng hóa các mô hình bán hàng là chiến lược tất yếu. Các công ty bảo hiểm không thể tiếp tục phát triển theo các mô hình cũ, bởi họ sẽ phải mất nhiều công sức để quản trị nhân sự với bộ máy ngày càng phình to. Việc kết  hợp và phát triển các mô hình bán hàng mới sẽ giúp các công bảo hiểm tận dụng được hệ thống nhân sự lành nghề đã được đào tạo, được chuyên môn hóa và chỉ tập trung vào kinh doanh”, CEO một công ty bảo hiểm phi nhân thọ nhìn nhận.

Bảo hiểm phi nhân thọ: Nhỏ khó có "cửa"
Trước áp lực đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu đề ra về doanh thu phí bảo hiểm cho năm 2017 trong bối cảnh không ngừng mở rộng mạng lưới, khối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư