Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Bảo Minh chuẩn bị sẵn sàng cho việc thoái vốn của SCIC
Như Loan - 15/05/2019 11:11
 
Với việc SCIC sẽ thoái vốn trong thời gian tới, Bảo Minh càng có cơ hội để mở rộng thị trường và phát triển mạnh mẽ hơn.
.
.

Chuẩn bị cho việc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ thoái vốn tại Bảo Minh trong thời gian tới, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Bảo Minh mới đây đã chính thức thông qua kế hoạch nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% trong thời gian tới. Hiện tại, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại Bảo Minh chỉ là 49% vốn điều lệ.

Thông tin chi tiết, ông Lê Song Lai, Chủ tịch HĐQT Bảo Minh cho biết, ngay sau Đại hội, Bảo Minh sẽ làm việc với các cơ quan chức năng, như Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, để được hướng dẫn các thủ tục cần thiết để tiến hành nới room.

“Mong muốn của Bảo Minh là hết quý III/2019, sẽ hoàn thành thủ tục nới room. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng sẽ phụ thuộc vào quyết định của các cơ quan chức năng”, ông Lê Song Lai nói.

Để chuẩn bị cho việc nới room, Đại hội đồng cổ đông Bảo Minh cũng đã thông qua việc điều chỉnh một số lĩnh vực kinh doanh. Chẳng hạn, với các loại hình kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ khác, sẽ điều chỉnh theo hướng tập trung vào các lĩnh vực mà không hạn chế sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Thậm chí, với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, cũng sẽ điều chỉnh theo hướng chỉ đăng ký kinh doanh các hoạt động kinh doanh bất động sản mà doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được phép kinh doanh.

Trong khi đó, trả lời câu hỏi của các cổ đông về việc đã có đối tác nào đàm phán để sở hữu hơn 49% cổ phần của Bảo Minh hay chưa, ông Lê Song Lai cho biết, trong thời gian qua, Bảo Minh đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước về cơ hội mua lại phần vốn nhà nước tại Bảo Minh.

“Trong thời gian tới và vào thời điểm phù hợp, chúng tôi sẽ công bố thông tin về những nhà đầu tư tiềm năng khi điều kiện cho phép”, ông Lai khẳng định.

Hiện SCIC vẫn đang nắm cổ phần chi phối tại Bảo Minh, với 50,7%. Các nhà đầu tư nước ngoài khác đang sở hữu lượng cổ phần lớn tại Bảo Minh là AXA (Pháp), khoảng 16,65%; Chevalier (Hồng Kông), 5,65%.

Ngoài các nhà đầu tư nước ngoài này, thông tin gần đây cho biết, Bảo hiểm KB của Hàn Quốc cũng đang mong muốn mua 17% cổ phần của Bảo Minh, để trở thành cổ đông lớn thứ hai tại công ty này.

Nếu kế hoạch nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% được thông qua, cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Bảo Minh sẽ càng lớn hơn nữa. Hiện lĩnh vực tài chính, bảo hiểm của Việt Nam đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư Hàn Quốc. Trong khi đó, Bảo Minh hiện là một trong những công ty bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu Việt Nam, với kết quả kinh doanh khả quan.

Năm 2019, Bảo Minh đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 4.577 tỷ đồng, tăng 7,18% so với năm trước; trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc 3.847 tỷ đồng, doanh thu nhận tái bảo hiểm 500 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động tài chính 230 tỷ đồng.

Các chỉ tiêu quan trọng khác, đạt 220 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 9%; 185 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 14%; ROE ước đạt bình quân 8%... Bảo Minh cũng đặt mục tiêu sẽ trả cổ tức 15% trong năm 2019, thay vì chỉ 12% như năm 2018.

Nhìn vào mục tiêu này, có thể thấy, Bảo Minh vẫn đang kiên trì với định hướng tăng trưởng bền vững, nâng cao hiệu quả kinh doanh hơn là tăng trưởng nóng, tăng trưởng bằng mọi giá.

Điều này trên thực tế đã nhiều lần được ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc Bảo Minh khẳng định.

“Chúng tôi hướng vào hiệu quả là chính, không kỳ vọng doanh thu tăng trưởng đột biến. Nếu muốn, doanh thu có thể tăng trưởng nhanh hơn, nhưng rất có thể sẽ kéo theo rủi ro lớn, do phải bù đắp tổn thất cao, dẫn tới nguy cơ bị lỗ. Chúng tôi chọn con đường khác, luôn xác định phải tính toán cẩn trọng và quản trị rủi ro thật tốt, để đảm bảo nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng trưởng bền vững”, ông Thành nói.

Có lẽ, đó chính là lý do khiến Bảo Minh vào 3 năm trước đây đã được AM BEST - một tổ chức uy tín, chuyên đánh giá, xếp hạng năng lực tài chính cho các doanh nghiệp bảo hiểm - xếp hạng năng lực tài chính ở mức B++ (Tốt), thứ hạng cao nhất mà một doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam được nhận. Và liên tục từ đó đến nay, 3 năm liền đều được AM BEST xếp hạng năng lực tài chính ở mức này.

Được xếp hạng năng lực tài chính ở mức B++ có nghĩa, quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính của Bảo Minh đang ở mức tốt. Và cũng có nghĩa, Bảo Minh có thể đảm bảo khả năng tài chính để chi trả cho khách hàng trong mọi trường hợp có rủi ro xảy ra.

Điều này, quan trọng hơn, cũng sẽ giúp Bảo Minh trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, một khi SCIC hoàn tất thủ tục thoái vốn, và Bảo Minh có thể nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100%.

Bảo Minh đưa nhà máy dệt trị giá 1.700 tỷ đồng vào hoạt động tại Nam Định
Hôm nay, 30/10/2018, Công ty cổ phần Dệt Bảo Minh đã khánh thành và đưa vào hoạt động Dự án Nhà máy Dệt Bảo Minh, với tổng vốn đầu tư hơn 1.700...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư