Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bảo vệ người đi vay để tránh vỡ nợ
Hà Tâm - 16/07/2017 07:04
 
Nhu cầu vay tiêu dùng đang bùng nổ với sự xuất hiện thêm nhiều kênh cho vay mới, đòi hỏi cơ quan quản lý phải có biện pháp bảo vệ không chỉ bên cho vay, mà cả người đi vay.

Hiện tại, xu hướng vay tiêu dùng đang trở thành thói quen mới của một bộ phận đông đảo người dân, chủ yếu là những người có thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng. Cả nước có khoảng 30 triệu người dân trong độ tuổi lao động có nhu cầu vay tiêu dùng, song đây là nhóm khách hàng có thu nhập thấp, không có tài sản thế chấp, không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. Điều này lý giải vì sao mới có 20 - 30% trong số đó được tiếp cận với kênh tài chính chính thức, còn lại rất nhiều người phải vay vốn tín dụng đen.

Với sự vào cuộc của các ngân hàng có mạng lưới lớn ở nông thôn như Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội, cùng sự tham gia của nhiều tổ chức, công ty tài chính… nên thời gian qua, tín dụng đen đã giảm đáng kể. Tuy vậy, có một thực tế không thể phủ nhận là tín dụng đen vẫn tồn tại ở nhiều ngõ xóm.

.
.

Không chỉ ở làng quê, ngay tại các thành phố, các tiệm cầm đồ được cấp phép hoạt động cũng công khai cho vay tín chấp kiểu cầm cố - thực chất là tín dụng đen - với lãi suất cắt cổ, có trường hợp lên tới 1%/ngày. Đặc biệt, cho đến nay, vẫn chưa có văn bản pháp lý nào quản lý cho vay của các tiệm cầm đồ này. Ngoài ra, khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 lan rộng, các hình thức vay tiền online càng có cơ hội bùng phát trong khi cơ quan chức năng chưa có biện pháp giám sát hữu hiệu.

Rõ ràng, khi các kênh cho vay tiêu dùng bùng nổ, người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận vốn dễ dàng hơn, nhưng lại rất dễ rơi vào cạm bẫy, mức độ rủi ro vì thế rất khó lường.

Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành 2 thông tư (Thông tư 43 và 39) điều chỉnh hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng vào cuối năm 2016 đã tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hoạt động thuận lợi hơn, hành lang pháp lý cũng thông thoáng hơn. Song qua áp dụng thực tế, các văn bản trên vẫn nghiêng về bảo vệ bên cho vay. Trong khi đó, những người tham gia vay tiêu dùng, chủ yếu là những người có thu nhập trung bình và thấp, nhận thức về khái niệm tài chính pháp luật chưa rõ ràng, nên chưa hiểu được những điều khoản cài cắm trong hợp đồng. Như vậy, nếu tổ chức tín dụng dễ dàng cho vay, người tiêu dùng dễ dãi khi đi vay, thì nguy cơ vỡ nợ hoàn toàn có thể xảy ra.

Thực tế trên đòi hỏi các cơ quan quản lý, trước hết cần có thêm công cụ bảo vệ khách hàng vay tiêu dùng và nâng cao kiến thức tài chính cho người dân. Đây cũng chính là cách bảo vệ các tổ chức tín dụng khỏi rủi ro. Đáng tiếc là đến nay, các văn bản bảo vệ quyền lợi của người đi vay vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Sau nữa, cần kiểm soát dòng vốn tín dụng tiêu dùng tăng trưởng một cách phù hợp, nắn dòng vốn này phục vụ tiêu dùng đầu tư, thay vì tiêu xài hoang phí. Tiếp đến cần có hành lang pháp lý, điều kiện kinh doanh chặt chẽ để đưa các kênh tín dụng tiêu dùng phi chính thức (cho vay online, tiệm cầm đồ…) vào khuôn khổ.

Cuối cùng là phải phát triển mạnh hơn các kênh cho vay tiêu dùng chính thức như công ty tài chính, tổ chức tín dụng vi mô, các ngân hàng hoạt động tại địa bàn nông thôn… từng bước đẩy lùi tín dụng đen, giúp thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh.

Với dư địa còn rất lớn, lĩnh vực cho vay tiêu dùng dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số thời gian tới, các kênh tín dụng tiêu dùng sẽ xuất hiện ngày càng nhiều, hình thức ngày càng đa dạng. Trong bối cảnh đó, nếu không có hành lang pháp lý phù hợp, đưa thị trường vào khuôn khổ, thì nguy cơ đổ vỡ là rất lớn. Bài học từ cuộc khủng hoảng thẻ tín dụng năm 2003 tại Hàn Quốc với biểu hiện ban đầu tương tự như thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam có lẽ vẫn còn nguyên giá trị.

Xử phạt xe ô tô trả góp: 1,3 triệu chủ xe lo lắng, tín dụng ô tô có nguy cơ khủng hoảng
1,3 triệu khách hàng vay mua ô tô trả góp đang đứng trước nguy cơ bị cảnh sát giao thông xử phạt. Giới chuyên gia và luật sư khẳng định, việc xử...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư