Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Bắt đầu phải lo nhập siêu
Nguyên Đức - 28/04/2015 08:30
 
Việc nhập siêu 4 tháng đầu năm lên tới 3 tỷ USD, bằng hơn 6% tổng kim ngạch xuất khẩu, đang đặt ra đòi hỏi phải lo kiểm soát nhập siêu, nếu không, hệ lụy đến nền kinh tế là khôn lường.

Thực tế, lo ngại về nhập siêu đã xuất hiện từ tháng trước, khi Tổng cục Thống kê ước tính nhập siêu quý I/2015 là 1,8 tỷ USD và sau đó, con số chính thức được Tổng cục Hải quan “chốt” là 2,4 tỷ USD.

Nhập siêu lớn được giải thích là do tăng trưởng xuất khẩu thấp, phần lớn là do giá dầu thô giảm làm kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm 1 tỷ USD; xuất khẩu nhóm hàng nông sản giảm cả về lượng và giá. Trong khi đó, nhập khẩu tăng mạnh, với kim ngạch tăng gần 3 tỷ USD. Con số được Bộ Công thương nhắc tới là chỉ riêng hai dự án lớn của Samsung và Formosa đã nhập khẩu hơn 1 tỷ USD máy móc, thiết bị trong những tháng đầu năm.

 

Nếu xét trên góc độ này, đó là một tín hiệu tích cực. Nhập siêu lớn là vì kinh tế hồi phục, nên nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị tăng nhanh. Nhập siêu lớn cũng là nền tảng để kỳ vọng những tháng tới đây, sản xuất tiếp tục phục hồi.

Song chuyện nhập siêu quay trở lại khá nhanh ngay sau khi nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục cho thấy, cơ cấu nền kinh tế - vốn phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu đầu vào - chưa thực sự được cải thiện. Ba năm qua, Việt Nam có xuất siêu là do sản xuất trong nước trì trệ, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu suy giảm, chứ không phải là nhờ chuyện tái cơ cấu nền kinh tế. Nếu vậy, nhập siêu sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm. Khi đầu tư tăng, tiêu dùng tăng, nhập siêu ắt sẽ tăng.

Một câu chuyện khác, đó là Việt Nam vẫn đang nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc, bất chấp việc chúng ta đã có nhiều nỗ lực để tránh sự lệ thuộc vào thị trường này.

4 tháng đầu năm nay, trong khi Việt Nam xuất khẩu 4,9 tỷ USD sang Trung Quốc, giảm 1,2%, thì lại nhập khẩu tới 15,6 tỷ USD từ thị trường này, tăng 26% so với cùng kỳ. Nhập siêu từ Trung Quốc trong 4 tháng qua đã lên tới 10,7 tỷ USD - một con số rất lớn.

Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân cách đây ít ngày, các chuyên gia kinh tế đã một lần nữa bày tỏ sự lo ngại về khập siêu với Trung Quốc. Và tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tuần trước, các thành viên của Ủy ban cũng đã hơn một lần nhắc tới “căn bệnh trầm kha” nhập siêu và chuyện phải có hành động để làm sao dù vẫn cần mở rộng quan hệ thương mại với Trung Quốc, nhưng phải giữ được thế cân bằng.

Một bài toán không đơn giản với cả chuyện kiềm chế nhập siêu nói chung và nhập siêu từ Trung Quốc nói riêng, nhất là khi Việt Nam đang “sống và chơi” trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau. Nhưng đã đến lúc không thể để một bài toán từ năm nay qua năm khác không hề được giải.

Vấn đề, như chính Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã nói, để giảm nhập siêu, đặc biệt là từ Trung Quốc, không thể chỉ giải quyết được bằng các giải pháp thông thường là thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập khẩu, mà phải bằng một chương trình tổng thể, bằng nhiều giải pháp khác nhau, bằng việc đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Nhập siêu có thể quay trở lại trong năm 2015
() Hai tháng đầu năm 2015, cả nước nhập siêu 62 triệu USD. Đây là dấu hiệu cho thấy nhập siêu có thể quay trở lại trong năm nay.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư