Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Bắt tay cùng chống tin tặc
Tú Ân - 05/10/2016 06:36
 
Từ kinh nghiệm chống đỡ vụ tấn công vào Vietnam Airlines, các doanh nghiệp Việt Nam cần liên kết, hợp tác để chống lại các cuộc tấn công mạng.

Cách đây chỉ vài ngày, hacker tấn công vào Netlink, khiến một số trang thông tin, báo điện tử như Techz, Nguoiduatin, Doisongphapluat bị tê liệt… Trước đó, cuối tháng 7/2016 là các cuộc tấn công vào hệ thống của Vietnam Airlines và hệ thống của Cụm cảng hàng không, website của VFF, sau đó là Báo Sinh viên Việt Nam, Athena…

Và cũng chỉ trong vòng 1 tháng, hàng loạt vụ mất tiền trong tài khoản liên tiếp xảy ra ở các ngân hàng khác nhau.

.

Thống kê của Trung tâm Ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam (VNCERT) cho thấy, chỉ trong nửa đầu năm 2016, tổng số sự cố an ninh mạng được VNCERT ghi nhận đã là 127.630 sự cố, gấp hơn 4 lần so tổng sự cố an ninh mạng được trung tâm này ghi nhận trong năm 2015 và gấp gần 6,5 lần số sự cố diễn ra trong năm 2014.

Dường như, an toàn hệ thống mạng của các ngân hàng, doanh nghiệp, tổ chức và nền kinh tế đang bị lung lay trước các cuộc tấn công có chủ đích ngày càng nhiều. Thế nhưng, trên thực tế, doanh nghiệp lại khá thờ ơ với vấn đề bảo mật và coi đó là “chuyện nhà hàng xóm”.

“Chúng tôi đi làm cho các doanh nghiệp tương đối lớn, nhưng khi rà soát về an toàn thông tin thì chỉ trong một ngày thấy rất nhiều vấn đề. Việc này chẳng cần hacker cao thủ, mà chỉ cần trình độ bình thường, sử dụng kỹ thuật phổ biến là có thể truy cập được hệ thống”, ông Tống Viết Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết.

Còn ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC thì nhận xét, Hacker tấn công liên quan tới tài chính ngày càng tăng. Việt Nam không còn là mảnh đất hứa khi game online nhiều, ATM khắp nơi, khiến cơ hội lấy tiền ở Việt Nam ngày càng lớn… Mức độ an ninh thông tin của toàn bộ hệ thống, kể cả các hệ thống trọng yếu quốc gia đang rất đáng lo ngại.

Cho rằng hầu hết các trang thiết bị của Việt Nam đều đi mua, nên không thể nói dựa vào thiết bị của ai đó thì an toàn hơn, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) thẳng thắn rằng, các doanh nghiệp, Chính phủ phải có phương án tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công.

Doanh nghiệp, tổ chức phải làm gì để “sống sót” trước những cuộc tấn công có chủ đích ngày càng gia tăng này? Cách được các chuyên gia nhất trí cao là liên kết với nhau để ứng cứu kịp thời, nhanh chóng.

Bài học trong ứng cứu cuộc tấn công vào Vietnam Airlines là một phương pháp tham khảo rất giá trị. Rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã được Bộ Thông tin và Truyền thông “triệu tập” để xử lý tình huống nghiêm trọng này như VNCERT, Viettel, Tập đoàn VNPT, FPT, các công ty an ninh mạng, Internet, các chuyên gia an ninh mạng… và chỉ trong thời gian ngắn đã khắc phục được sự cố.

Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó giám đốc VNCERT, mạng lưới ứng cứu sự cố quốc gia cần phải có sự kết nối, tham gia của những người làm an toàn thông tin tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị lớn. Kể cả các hacker mũ trắng cũng cần được coi là một thành tố quan trọng.

Ông Nguyễn Trung Chính thì cho rằng, Việt Nam đang thiếu một cơ quan đủ mạnh để đứng ra điều phối sự cố ở cấp quốc gia.

"Chính phủ cần nhanh chóng thành lập một tổ chức như vậy để xử lý những vụ tấn công nhằm vào các hệ thống trọng yếu quốc gia”, ông Chính kiến nghị và cho biết, mới đây, một số doanh nghiệp, viện, trường đã nhất trí sẽ thành lập tổ chức liên minh phòng chống mã độc và đảm bảo an toàn an ninh thông tin, để khi cần sẽ có thể là địa chỉ hữu hiệu giúp các cơ quan, đơn vị liên quan có cách thức xử lý, phòng chống hiệu quả.

Mọi hành động tin tặc cần bị lên án và nghiêm trị
Đó là khẳng định của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình về vụ việc hacker tấn công hệ thống mạng của sân bay Nội Bài và Tân Sơn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư