Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Bầu Kiên đưa ra một loạt yêu cầu
PV - 28/11/2014 11:43
 
Sáng hôm nay, ngày 28/11, Tòa Phúc thẩm - TAND Tối cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngoài tội danh này, bị cáo Kiên còn bị xem xét thêm 3 tội danh khác là “Trốn thuế”, “Kinh doanh trái phép” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Ngày mai, xét xử phúc thẩm Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm
Vụ bầu Kiên sắp xử phúc thẩm
Bầu Kiên cùng ba đồng phạm kháng cáo
Bầu Kiên, mùi tiền và báo chí
Bầu Kiên bị tuyên phạt 30 năm tù
Hôm nay tuyên án bầu Kiên
Bầu Kiên ngỏ lời xin lỗi các ngân hàng

Tại phiên tòa sáng nay, sau khi kiểm tra căn cước xong của các bị cáo và những người có mặt tại phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, Bầu Kiên đề nghị HĐXX triệu tập đại diện Bộ tư pháp vì một số hồ sơ pháp lí có liên quan đến quy định của Bộ tư pháp. Đồng thời bị cáo Kiên đề nghị HĐXX mời đến tòa đại diện Phòng đăng kí kinh doanh của các tỉnh thành Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Đồng Nai. Theo bị cáo Kiên, vì các công ty của bị cáo là được các phòng đăng kí kinh doanh này cấp phép.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho biết đã có đơn đề nghị gửi TAND tối cao và nhắc lại đề nghị triệu tập Trần Thành Long, Trần Tuấn Dương đến tòa với tư cách nhân chứng vì đây là những người trực tiếp trao đổi, đàm phán hợp đồng.

Bầu Kiên cho rằng, Bộ Công thương đã có văn bản trả lời cơ quan điều tra, nội dung trả lời như thế nào, đề nghị xuất trình cho Tòa phúc thẩm. Yêu cầu Tổng Cục thuế nạp văn bản cho Tòa về việc Tổng Cục thuế trả lời Cục thuế Hà Nội về quyết toán thuế của công ty Thiên Nam. Đề nghị nạp văn bản tại tòa vì đây là văn bản trọng yếu của vụ án.

"Bầu" Kiên muốn được sử dụng quyền tự bào chữa tại phiên tòa. Trước đó, phiên tòa sơ thẩm bị cách ly, bị cáo không biết các bị cáo khác khai gì. Tòa phúc thẩm đề nghị hạn chế sự cách ly nếu không cần thiết vì bị cáo cần biết các bị cáo khác khai gì về mình.

Bầu Kiên cũng đề nghị đưa những câu hỏi đến những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến HĐXX.

Luật sư Lưu Văn Tám, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp cho bị cáo Lý Xuân Hải đề nghị HĐXX, cho các luật sư bào chữa được ngồi gần nhau và giờ giải lao cho phép các luật sư được tiếp xúc với thân chủ của mình và cho người nhà gặp mặt các bị cáo. Luật sư Nguyễn Đình Hưng đề nghị HĐXX cho phép luật sư được mang máy tính và điện thoại di động vào tòa.

Luật sư Vũ Xuân Nam, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên, đề nghị triệu tập một số người có lời khai trong vụ án như nhóm nhân viên của Vietinbank, nhóm nhận tiền vay vốn của Vietinbank…

Sau khi nghỉ hội ý để xem xét đề nghị của các bị cáo và luật sư, HĐXX cho biết, về yêu cầu của các luật sư bào chữa cho cùng một bị cáo được ngồi cạnh nhau, tòa cho biết luật không có quy định. Việc bố trí chỗ ngồi cho các luật sư phụ thuộc vào điều kiện của tòa án.

Về yêu cầu triệu tập thêm các nhân chứng và người liên quan, HĐXX cho biết sẽ triệu tập để làm rõ nếu thấy cần thiết.

Về đề nghị được triệu tập các nhân viên của ngân hàng Vietinbank có liên quan đến hành vi vay tiền của Huyền Như là không cần thiết, tòa không chấp nhận.

Yêu cầu những người triệu tập còn lại, HĐXX sẽ xem xét trong quá trình xét xử.

Về đề nghị của các luật sư được gặp bị cáo trong quá trình giải lao được quy định tại điều 58 Bộ luật Tố tụng hình sự nên được HĐXX chấp nhận.

Về yêu cầu của các luật sư cho người nhà được tiếp xúc với bị cáo, HĐXX cho biết không có quy định nên việc thăm gặp được tiến hành ở các cơ quan khác.

Về yêu cầu của bị cáo Kiên việc xác định tư cách của ông Trần Đình Long và ông Trần Tuấn Dương (Tập đoàn Hòa Phát) khi tham gia tố tụng, tòa cho biết thuộc thẩm quyền của tòa nên tòa sẽ xem xét.

Với các yêu cầu về việc các cơ quan chức năng, người tham gia tố tụng chuyển tài liệu cho bị cáo, sẽ được HĐXX xem xét trong quá trình giải quyết vụ án.

Với yêu cầu bị cáo được ngồi trong quá trình xét xử, HĐXX sẽ xem xét cụ thể trong quá trình xét xử.

  xét xử phúc thẩm bầu kiên: Bầu Kiên đưa ra một loạt yêu cầu  
  Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo tại phiên tòa sáng 28/11. Ảnh: Bảo Thắng  

Trước đó, Ngày 23/6,  TAND Hà Nội đã nhận được đơn của 4 trong 8 người bị xét xử trong vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên). Trong lá đơn dài 2 trang, Nguyễn Đức Kiên (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu - ACB) đã kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm, về cả nội dung bản án và hình phạt đã tuyên đối với ông Kiên.

Cụ thể, cựu phó chủ tịch HĐQT ACB Nguyễn Đức Kiên kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, cho rằng không phạm 4 tội ( Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng) như quy kết với mức án phải nhận là 30 năm tù. Bị cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét toàn diện các chứng cứ buộc tội và gỡ tội.

Ngoài ông Nguyễn Đức Kiên, còn có ông Lý Xuân Hải, ông Trịnh Kim Quang, ông Huỳnh Quang Tuấn gửi đơn kháng cáo.

Trong đó, ông Lý Xuân Hải (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng ACB) kháng cáo cho rằng, ông Hải không có hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, không cấu thành hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã tuyên.

Tiếp đó, ông Trịnh Kim Quang (nguyên Phó Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB) làm đơn kháng cáo cho rằng mình không phạm tội. Ông Quang cũng đề nghị được tiếp tục mời 2 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông tại phiên tòa phúc thẩm.

Tòa án nhân dân TP Hà Nội cũng đã nhận được đơn của ông Huỳnh Quang Tuấn (nguyên Phó Tổng giám đốc ngân hàng ACB) đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại hành vi phạm tội cho bị cáo.

Theo luật định, đến hết ngày 24/6 là hạn cuối cùng để 4 bị cáo còn lại là Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang (đều nguyên là Phó Chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng ACB), Trần Ngọc Thanh (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội), Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) nộp đơn kháng án, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét bản án sơ thẩm

Trước đó, ngày 20/5 Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm.

Ngày 9/6, TAND TP Hà Nội đã tuyên án phạt: Nguyễn Đức Kiên tổng cộng 30 năm tù về cả 4 tội danh nêu trên. Ngoài án phạt tù, bị cáo Kiên còn bị tuyên buộc nộp phạt bổ sung 75 tỉ đồng do trốn thuế và 100 triệu đồng về hành vi lừa đảo.

Trong tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” 2 bị cáo: Trần Ngọc Thanh (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) bị phạt 5 năm 6 tháng tù, Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) bị phạt 5 năm tù.

Ở nhóm bị cáo bị kết tội về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; Lê Vũ Kỳ (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB) bị phạt 5 năm tù và Trịnh Kim Quang 4 năm tù; Lý Xuân Hải 8 năm tù, Phạm Trung Cang 3 năm tù, Huỳnh Quang Tuấn 2 năm tù.

Cũng tại buổi tuyên án, TAND Hà Nội tuyên bố khởi tố vụ án "kinh doanh trái phép tại ngân hàng ACB và Vietbank" và khởi tố vụ án "đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với Huỳnh Thị Huyền Như của Huỳnh Thị Bảo Ngọc - Phó phòng quản lý quỹ Ngân hàng ACB.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư