Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bảy giải pháp kiểm soát lạm phát
TS.Phạm Thái Hà - 08/01/2014 11:58
 
Sự phối hợp ăn khớp giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước là một trong những giải pháp để kiểm soát lạm phát. >>> Ưu tiên tăng trưởng theo hướng nào? >>> Kiềm chế lạm phát đạt mục tiêu kép >>> Chuyển từ kiềm chế sang kiểm soát lạm phát
  TS. Phạm Thái Hà, Phó Chánh Văn phòng Ban Kinh tế Trung ương  
  TS. Phạm Thái Hà, Phó Chánh Văn phòng Ban Kinh tế Trung ương  

Thực tiễn đã chứng minh, trong quá trình phát triển kinh tế, rất nhiều quốc gia đã từng đối mặt với lạm phát và những tác động không mong muốn của lạm phát.

Nhiều nước đã đưa ra những biện pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm kiểm soát lạm phát và kiểm soát lạm phát thành công.

Đối với nước ta, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2013, và năm tới vẫn phải tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát.

Chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phân tích, kiểm soát lạm phát là chỉ báo quan trọng nhất phản ánh tính ổn định của kinh tế vĩ mô, chỉ báo này còn được sử dụng như một công cụ giải quyết mối quan hệ giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với an sinh xã hội. Chính vì vậy, có thể thấy, kiểm soát lạm phát là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ và là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô thời gian qua.

Kinh nghiệm từ các nước

Lạm phát là hiện tượng kinh tế phổ biến của mọi quốc gia trong các giai đoạn phát triển kinh tế. Khi còn ở mức độ vừa phải, nó có những tác động tích cực nhưng khi ở mức độ cao, nó ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, các tổ chức, đến tăng trưởng kinh tế và đời sống của nhân dân.

Trong 3 năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã được cải thiện và tương đối ổn định, lạm phát đã giảm từ mức 2 con số năm 2011 (18,13%) xuống mức 1 con số năm 2012 (6,81%) và 12 tháng năm 2013, lạm phát tiếp tục đi xuống, cuối năm còn 6,04%. Việt Nam là một trong những nước thực hiện kiểm soát lạm phát có hiệu quả nhất khu vực ASEAN.

Nguyên nhân sâu xa gây nên lạm phát vẫn tiếp tục tồn tại như hiệu quả đầu tư thấp (ICOR bình quân 3 năm 2011-2013: 5,53%;  2010: 6,2; 2009: 8,6; 2008: 7,4, các nước trong khu vực chỉ khoảng 3), bên cạnh đó, một số vấn đề liên quan khác như nhập siêu, bội chi ngân sách, nợ công, chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư... cũng đặt ra rất nhiều khó khăn thách thức đối với chính sách quản lý kinh tế vĩ mô, đặc biệt là điều hành chính sách tiền tệ.

Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong việc kiểm soát lạm phát có thể rút ra một số bài học:

Thứ nhất, lạm phát tuy là một trong những nguy cơ bất ổn ngắn hạn đối với nền kinh tế, ảnh hưởng đến tính bền vững của tăng trưởng kinh tế, đến đời sống của nhân dân, nhưng cũng là cơ hội để hoàn thiện công tác điều hành vĩ mô nền kinh tế, tiếp tục thúc đẩy cải cách kinh tế, nhất là lĩnh vực tài chính - tiền tệ và cải cách doanh nghiệp Nhà nước.

Thứ hai, chống lạm phát cần đặt trong tương quan với tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác. Các biện pháp chống lạm phát hiện nay ở các nước (đặc biệt là Trung Quốc) không đơn thuần chỉ là "hy sinh” tăng trưởng mà ngược lại, lấy phát triển kinh tế dài hạn làm cơ sở chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá, việc Việt Nam tập trung chống lạm phát hiện nay cũng chính là để tạo sự ổn định vĩ mô, tạo tiền đề tăng trưởng bền vững hơn trong những năm tới.

Thứ ba, hiện nay, nhiều nước phát triển (Mỹ, Anh, Nhật Bản, các nước thuộc OECD...) và đang phát triển (Thái Lan, Philippines, Brazil, Chile, Isarel, Ba Lan...) đang thực hiện khá thành công chính sách lạm phát mục tiêu, theo đó Ngân hàng Trung ương ấn định một mức lạm phát cụ thể trong trung hạn (các nước đang phát triển ấn định khoảng 2-3%), coi đây là cam kết duy trì ổn định giá cả trong trung và dài hạn, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, người dân và thị trường đối với chính sách tiền tệ.

Thứ tư, công cụ tỷ giá cũng nên được nghiên cứu như là một chính sách trong việc chống lạm phát. Kể từ sau khủng hoảng châu Á (1997-1998), các nước Đông Nam Á chuyển sang chế độ tỷ giá linh hoạt, Trung Quốc tiến hành cải cách tỷ giá đồng Nhân dân tệ từ giữa năm 2005, đã giúp cho các nước này kiềm chế khá thành công sức ép lạm phát trong khi duy trì được các cân đối vĩ mô.

Thứ năm, tăng cường năng lực và phòng chống nguy cơ đổ vỡ hệ thống, đặc biệt là đối với hệ thống ngân hàng. Kinh nghiệm của các nước cho thấy chỉ những nước chuẩn bị tốt về thể chế tài chính – ngân hàng mới có khả năng thực hiện chương trình ổn định vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Một số đánh giá của chuyên gia nước ngoài cho rằng, trong thời gian qua  Ngân  hàng Nhà nước quá chú trọng vào kiểm soát tín dụng nhưng chưa chắc đã đảm bảo lạm phát giảm, trong khi đó lại có thể tạo ra nguy cơ về thanh khoản và mất an toàn cho cả hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, lạm phát cao trong thời gian gần đây một phần do thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán bùng nổ trong năm 2007, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, do vậy cần có các biện pháp quản lý và phát triển hiệu quả thị trường này.

Thứ sáu, công tác phân tích, dự báo cần được đẩy mạnh và tăng cường nhằm nâng cao khả năng dự báo trước những diễn biến kinh tế; tăng cường các chính sách nền tảng để đối phó với rủi ro hệ thống.

Có thể thấy, trong năm 2007-2008 với sự điều chỉnh chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng thương mại đã bị động trong hoạt động kinh doanh, nên khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện thắt chặt tiền tệ khiến khả năng thanh khoản trong một số thời điểm căng thẳng, đẩy lãi suất ngân hàng tăng đỉnh điểm (lãi suất cho vay ngắn hạn VND lên mức 21%). Ngoài ra, về phía cơ quan hoạch định chính sách cũng cần nghiên cứu theo hướng mở rộng hoạt động của các định chế tài chính trung gian khác hoặc phát triển các công cụ tiền tệ nhằm đáp ứng vốn linh hoạt cho hệ thống các ngân hàng thương mại (capital buffer).

Nhìn vào trong nước 

Để kiểm soát được lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng ở trong nước, người viết đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, thực hiện đồng bộ các giải pháp cả về tài chính, tiền tệ, giá cả và các giải pháp bổ trợ khác. Cần có sự phối hợp chặt chẽ, ăn khớp giữa 2 cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tài chính, tiền tệ, giá cả, là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Đảm bảo phát huy ảnh hưởng tích cực lẫn nhau giữa các công cụ, giảm thiểu những tác động trái chiều, triệt tiêu lẫn nhau giữa công cụ tài chính và công cụ tiền tệ.

Thứ hai, tái cơ cấu đầu tư đảm bảo phát triển các ngành then chốt chủ đạo tăng tính chủ động cho nền kinh tế, ngành và doanh nghiệp, tạo đà tăng trưởng bền vững; tăng khả năng cạnh tranh của những sản phẩm chủ yếu, sản phẩm xuất khẩu chủ đạo, giảm nhập siêu, giảm tác động của giá cả nước ngoài đến lạm phát trong nước.

Thứ ba, thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, hiệu quả. Tăng cường quản lý thu ngân sách Nhà nước, tăng cường quản lý đầu tư từ ngân sách Nhà nước, đẩy mạnh các biện pháp tiết kiệm chi, giám sát chặt chẽ và cơ cấu lại nợ công.

Thứ tư, hoàn thiện cơ chế quản lý giá, đảm bảo kiểm soát được giá cả các mặt hàng thiết yếu, vật tư, nguyên liệu chiến lược; chống độc quyền, lũng đoạn thị trường.

Thứ năm, xác định khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ phù hợp với từng giai đoạn nhằm kiềm chế lạm phát. Hoàn thành mục tiêu chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát. Đổi mới và nâng cao hiệu quả sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ.

Thứ sáu, áp dụng mô hình kinh tế lượng để phân tích dự báo lạm phát.

Thứ bảy, triển khai thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, nâng cao năng lực tài chính và chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Kiềm chế lạm phát đạt mục tiêu kép
Lạm phát thấp là một trong 4 đỉnh của tứ giác mục tiêu (tăng trưởng cao, lạm phát thấp, cán cân thanh toán có số dư, thất nghiệp ít). Năm 2013,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư