Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Bến Tre phát huy lợi thế trong thu hút đầu tư
Hưng Phú - 16/07/2016 19:17
 
Tỉnh Bến Tre chỉ cách TP.HCM, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước 86 km, nên có nhiều cơ hội trong thu hút đầu tư.

Giao thông đã thông suốt

Bến Tre là một trong 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nằm liền kề vùng kinh tế động lực phía Nam, có trục Quốc lộ 60, 57 đi qua - đây là hai trục giao thông  quan trọng, thúc đẩy gắn kết phát triển kinh tế của địa phương với các tỉnh ĐBSCL và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong các năm 2009, 2010 và 2015, lần lượt 3 cây cầu lớn trên Quốc lộ 60 - nút thắt giao thông là Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên đã được thông xe. Cầu Đại Ngãi, cây cầu cuối cùng trên tuyến này sẽ hoàn thành trong vài năm tới, Quốc lộ 60 sẽ thông suốt, mở ra cơ hội tăng tốc phát triển cho nhiều địa phương trên tuyến huyết mạch này, trong đó có tỉnh Bến Tre.

Năm 2015, Bến Tre xếp hạng 12/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Ảnh: P.K
Năm 2015, Bến Tre xếp hạng 12/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Ảnh: P.K

Bến Tre có địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ, tạo điều kiện cho việc hình thành các khu vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản tập trung theo hướng hàng hóa, với lợi thế chủ yếu là kinh tế vườn, là một vựa trái cây lớn, với sản lượng hơn 300.000 tấn/năm. Bến Tre còn được gọi  là “xứ dừa” với diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước, sản lượng gần nửa tỷ trái/năm, đây là nguồn nguyên liệu chủ lực cho các ngành công nghiệp chế biến.

Ngoài ra, Bến Tre còn nổi tiếng với làng nghề hoa kiểng Chợ Lách. Hoa kiểng ở đây không chỉ làm đẹp cho mọi nhà, mà còn được xuất khẩu mang ngoại tệ về cho đất nước. Bến Tre còn có lợi thế trong phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch tìm hiểu, học tập về di tích lịch sử văn hóa, với 16 di tích cấp quốc gia, 28 di tích cấp tỉnh…

Ngành chăn nuôi của Bến Tre phát triển khá mạnh trong khu vực, với đàn gia súc (chủ yếu là bò và heo) trên 600.000 con. Công nghiệp chế biến thực phẩm từ gia súc, gia cầm đang có tiềm năng lớn và là thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm.

Với 65 km đường bờ biển và một vùng lãnh hải rộng lớn, Bến Tre có nhiều lợi thế phát triển mạnh nghề nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản; phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá và du lịch biển.

Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư

Trong thời gian qua, tỉnh Bến Tre rất chú trọng công tác cải cách hành chính theo mô hình “một cửa liên thông”, cải thiện môi trường kinh doanh, nhằm tăng cường thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư. Trong đó đặc biệt quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư ngay từ giai đoạn tiếp cận dự án, lựa chọn địa điểm và thực hiện các thủ tục có liên quan đến triển khai dự án; rút ngắn tối đa thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư từ 5-10 ngày so với quy định; hỗ trợ nhà đầu tư sau khi có giấy phép… 

Về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năm 2015, Bến Tre được xếp hạng 12/63 tỉnh, thành phố (tăng 6 bậc so với năm 2014), thuộc nhóm điều hành tốt và nằm trong tốp 10 thực hiện rất tốt các chỉ số thành phần: tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, chi phí thời gian. Tại khu vực ĐBSCL, PCI của tỉnh Bến Tre chỉ đứng sau Ðồng Tháp, Long An, Kiên Giang.

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Bến Tre, trong những tháng đầu năm nay, tình hình thu hút đầu tư vào địa phương đã có nhiều khởi sắc, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 40 triệu USD. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, địa phương đã thu hút được 49 dự án FDI với vốn đăng ký 620 triệu USD; 128 dự án vốn đầu tư trong nước, với số vốn đăng ký 12.700 tỷ đồng. Đến cuối năm 2015, đã đầu tư hoàn chỉnh về hạ tầng giao thông và lấp đầy 2 KCN: Giao Long (giai đoạn I), An Hiệp.

Diện tích đất công nghiệp sau khi được điều chỉnh quy hoạch có hơn 880 ha. Tổng nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp gần 7.600 tỷ đồng, toàn tỉnh có gần 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 600 triệu USD/năm.

Bên cạnh thế mạnh về nông nghiệp, thì công nghiệp được xác định là khâu then chốt, mũi nhọn của tỉnh. Trong giai đoạn 2016 - 2020, định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh sẽ theo mô hình tăng trưởng bền vững và hợp lý, tập trung tại các khu - cụm công nghiệp được quy hoạch; chuyển dần đầu tư chiều rộng sang chiều sâu, chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng các sản phẩm chủ lực, phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân 14,5%/năm. Giai đoạn 2016 - 2020 sẽ phát triển 300 doanh nghiệp công nghiệp.

Để phát triển công nghiệp, Bến Tre tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Ngoài việc mở rộng 2 KCN Giao Long và An Hiệp thêm 218 ha, tỉnh đang mời gọi đầu tư 5 KCN mới, với tổng diện tích khoảng 1.600 ha để đáp ứng nhu cầu thuê đất của nhà đầu tư.

Phát biểu tại buổi lễ sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Kết luận số 41 của Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo nhấn mạnh: “Thu hút đầu tư hạ tầng KCN là một trong những ưu tiên của tỉnh Bến Tre trong giai đoạn 2016 - 2020, địa phương sẽ dành những ưu đãi cao nhất cho lĩnh vực này.”

Bến Tre: Gần 2.700 tỷ đồng đầu tư phát triển giao thông nông thôn
Bến Tre đã huy động, đóng góp khoảng 2.675 tỷ đồng xây dựng mới, nâng cấp 4.566 km đường huyện, liên xã, ấp, đường trục nội đồng; xây...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư