Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Bị chê đắt, xăng dầu Dung Quất khó bán, PVN kêu cứu
Thanh Hương - 22/02/2016 17:46
 
Thuế nhập khẩu dầu diesel, Jet A1 từ ASEAN là 0% từ năm 2016 khiến mặt hàng cùng loại của Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất bị khách hàng chê đắt và giảm lượng mua.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã liên tiếp có các công văn kêu cứu về tình hình tiêu thụ sản phẩm diesel và Jet A1 của NMLD Dung Quất do bị các khách hàng giảm lượng mua.

Theo ông Nguyễn Sinh Khang, Phó tổng giám đốc PVN, việc ký hợp đồng dài hạn tiêu thụ xăng dầu năm 2016 của Công ty TNHH Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý và vận hành NMLD Dung Quất với khách hàng gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt với sản phẩm dầu diesel và Jet A1 do chênh lệch mức thuế suất thuế nhập khẩu lên tới 10% kể từ năm 2016.

.
Xăng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng chịu áp lực với hàng cùng loại đến từ Hàn Quốc.

Cụ thể mặt hàng dầu diesel và Jet A1 nhập khẩu từ  ASEAN có CO form D chịu thuế nhập khẩu là 0%. Còn mặt hàng tương tự của NMLD Dung Quất áp dụng mức thuế suất ưu đãi MFN là 10%.

“PVN đã chỉ đạo và hỗ trợ BSR đàm phán với khách hàng, dù đã giảm giá bán (mức phụ phí với dầu DO áp dụng 6 tháng đầu năm 2016 mà BSR đề xuất đã thấp hơn 1,3 USD/thùng so với 6 tháng cuối năm 2015), chia sẻ lợi nhuận, nhưng khách hàng chỉ đồng ý áp dụng với thời hạn 2-3 tháng đầu năm và giảm khối lượng đăng ký mua”, báo cáo của PVN cho hay.

Khách hàng lớn nhất là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng chỉ đồng ý áp dụng mức phụ phí trên cho 2 tháng đầu năm 2016, với khối lượng 80.000 m3/tháng, giảm so với mức 120.000 m3/tháng đã thoả thuận trước đó.

Điều này khiến PVN lo ngại sẽ gây nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro lớn cho NMLD Dung Quất trong lập kế hoạch sản xuất, mua dầu thô đầu vào, xây dựng phương án tiêu thụ sản phẩm. Hiện khối lượng dầu diesel và Jet A1 chiếm gần 50% tổng lượng sản phẩm của toàn nhà máy.

Xăng của NMLD Dung Quất cũng chịu áp lực với hàng cùng loại đến từ Hàn Quốc. Thông tư 201/2015/TT-BTC để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Hàn Quốc quy định, thuế nhập khẩu sản phẩm xăng chỉ là 10%, trong khi thuế nhập khẩu đang áp dụng để tính giá xăng của NMLD Dung Quất là 20%, tức là chênh lệch khoảng 4,87 USD/thùng (theo giá trung bình tháng 1/2016 của sản phẩm xăng).

“Ngay sau khi có Thông tư 201/2015/TT-BTC, Petrolimex đã đề nghị BSR có phương án giảm giá xăng bán bổ sung và giá dài hạn cho 6 tháng cuối năm để ngang bằng với giá mặt hàng xăng nhập từ Hàn Quốc”, ông Nguyễn Sinh Khang nhận xét và cho rằng, với thực tế chênh lệch thuế suất quá lớn như hiện nay sẽ dẫn tới tình trạng khách hàng đầu mối tập trung nhập khẩu với chi phí và phụ phí cao, còn sản phẩm của NMLD Dung Quất, dù đã giảm mức phụ phí cũng không thể cạnh tranh nổi.

Trong năm 2015 vừa qua, PVN và BSR cũng đã liên tiếp có nhiều văn bản kêu cứu về tình trạng ế thừa xăng dầu, lo đóng cửa NMLD Dung Quất nhưng kết quả lại rất khả quan. Theo báo cáo PVN đưa ra tháng 1/2016, BSR đã đạt tổng doanh thu hợp nhất là 94.400 tỷ đồng trong năm 2015, bằng 100% kế hoạch năm. Tổng doanh thu của công ty mẹ đạt 94.100 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm nhưng lợi nhuận hợp nhất sau thuế cả năm 2015 của BSR đạt 5.690 tỷ đồng, vượt tới 52% kế hoạch. 

Còn Petrolimex, mục tiêu được Đại hội đồng cổ đông thông qua là 2.450 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2015. Tính hết 9 tháng đầu năm, Petrolimex đã đạt lợi nhuận 1.400 tỉ đồng, nhưng chỉ có 40% đến từ kinh doanh xăng dầu, còn lại là từ kinh doanh ngành khác.

Lọc dầu Dung Quất: Kêu khó nhưng vẫn lãi khủng hơn 5.600 tỷ đồng
Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị quản lý và vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đạt mức lợi nhuận hợp nhất sau thuế là 5.690 tỷ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư