Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bill Gates không thể kinh doanh tại Việt Nam?
Mạnh Bôn - 12/06/2014 08:48
 
() Mô tả về hệ thống pháp luật của Việt Nam trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường vào chiều 11/6, Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đại biểu Quốc hội TP.HCM) cho rằng, ngay cả người giàu nhất thế giới, ông chủ của hãng phần mềm Microsoft cũng không thể kinh doanh tại Việt Nam chứ chưa nói tới việc biến Microsoft trở thành công ty phần mềm lớn nhất thế giới.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Phòng công chứng: Tồn tại hay giải thể?
Việt Nam không có lobby chính sách
3.000 tỷ để đơn giản hóa giấy tờ công dân

Lý do khiến Bill Gates không thể kinh doanh tại Việt Nam, theo ông Nghĩa là do vị tỷ phú nhiều năm liền đứng đầu danh sách người giàu nhất hành tinh không có bằng đại học, không có trình độ chuyên môn cũng như các loại chứng chỉ, chứng nhận, thẻ hành nghề do cơ quan nhà nước cấp.

Và trước khi thành lập Microsoft, tỷ phú Bill Gates (tất nhiên) chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực phần mềm, công nghệ thông tin. Trong khi đó, theo pháp luật Việt Nam thì muốn thành lập doanh nghiệp trong những lĩnh vực này, người thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp buộc phải tốt nghiệp đại học, có kinh nghiệm, có các loại chứng chỉ, chứng nhận.

  Bill Gates không thể kinh doanh tại Việt Nam?  
  Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội TP.HCM  

Luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư, theo ông Nghĩa cũng chưa là vấn đề gì.

“Vấn nạn của hệ thống pháp luật Việt Nam nằm ở chỗ, Hiến pháp không cấm, luật cho phép, nhưng các văn bản hướng dẫn cứ bó lại, thắt lại quyền của công dân bằng các loại giấy phép”, ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, trong rất nhiều trường hợp, để kinh doanh mà không vi phạm vào tội danh “cố ý làm trái” hay “kinh doanh trái phép”, tổ chức, cá nhân có thể tìm cách chung chi, bôi trơn cho cơ quan thực thi luật pháp.

Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý thì nghi ngờ có lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL). “Nếu chưa thể khẳng định được lợi ích nhóm trong việc xây dựng văn bản QPPL, thì khi đọc văn bản hướng dẫn, người dân dễ dàng nhận thấy cơ quan quản lý nhà nước nhận cái dễ về mình, nhận cái lợi về mình và đẩy cái khó cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; đẩy cái bất lợi cho cơ quan khác”, bà Thúy nói.

Trong khi đó, chất vấn Bộ trưởng Hà Hùng Cường, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch lại lo ngại, với các văn bản QPPL hiện hành, quy chế, thủ tục hiện hành khiến hàng ngàn tỷ đồng của xã hội bị “chôn” lại do không thể phát mại được.  

“Quy trình, thủ tục phát mại tài sản không nơi nào trên thế giới phức tạp, nhiêu khê, rối rắm như ở Việt Nam. Tổ chức tín dụng nào đó muốn phát mại một tài sản nhanh nhất cũng phải mất 4 năm khiến ngân hàng cũng bị thiệt hại, người có tài sản bị phát mại cũng bị thiệt hại và nền kinh tế thì thiệt hại vô cùng lớn do nguồn vốn không được đưa vào đầu tư”, ông Lịch nói.

Đồng tình với nhận định của bà Nguyễn Thị Kim Thuý, ông Lịch cho rằng, tình trạng đơn vị nào được giao xây dựng văn bản QPPL cũng đều muốn kéo quyền và lợi ích về phía mình, nếu phải chịu trách nhiệm thì cũng cố làm cho trách nhiệm nhẹ đi và đẩy cái khó, trách nhiệm cho cơ quan khác, bộ ngành khác, nếu không đẩy được thì đẩy cho xã hội phải chịu hoặc văn bản ban hành theo hướng “không quản được thì cấm”.

Nếu loại bỏ lợi ích nhóm, theo ông Lịch, hệ thống pháp luật hiện hành vẫn còn quá nhiều hạn chế, khiếm khuyết đó là tình trạng văn bản QPPL mâu thuẫn nhau, thậm chí phủ nhận nhau.

“Bộ Tư pháp là người gác cổng các văn bản QPPL, vì thế, trước khi trình bất cứ văn bản nào ra Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cần phải đặt văn bản đó trong cả hệ thống pháp luật, phải nhìn thấy cả “rừng” văn bản, cả hệ thống văn bản, nếu thấy cây mà không thấy rừng thì sẽ gây ra sự hỗn loạn”, ông Lịch phát biểu.   

  Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông Hà Hùng Cường  
  Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông Hà Hùng Cường  

Trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói đại ý rằng, không có lợi ích nhóm, lobby trong xây dựng văn bản QPPL ít nhất từ cấp nghị định trở lên. Công tác phát mại mất nhiều thời gian vì rất phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và còn phụ thuộc vào thì trường bất động sản (tài sản phát mại chủ yếu là bất động sản)… Tất cả văn bản QPPL đều là thể chế hóa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng nên việc chồng chéo, mâu thuẫn vẫn còn nhưng đã được khắc phục đáng kể…

“Mặc dù vậy, cũng phải nói thẳng thắn rằng, hệ thống pháp luật của chúng ta thuộc loại phức tạp, rối rắm nhất thế giới nên rất khó tuân thủ, và muốn tuân thủ được thì chi phí rất lớn. Đây là hệ quả của Luật Ban hành các văn bản QPPL trước đây. Theo đó, ngay cả ông chủ tịch cấp xã cũng được ban hành văn bản có giá trị chẳng khác gì văn bản QPPL”, Bộ trưởng Cường chia sẻ. 

“Bộ trưởng nói không có lợi ích nhóm, vậy rất nhiều luật đều có riêng điều khoản quy định về tổ chức, bộ máy và đều có quy định về quỹ nọ, quỹ kia, ngân sách bảo đảm ra sao thì là cái gì”, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý chất vấn lại.

Mặc dù không đề nghị Bộ trưởng Cường trả lời tiếp, xong Luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng thông tin thêm, nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi gặp lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội rất phấn khởi vì được biết Việt Nam có hệ thống luật pháp thông thoáng, tạo điều kiện cho họ đầu tư, sản xuất, nhưng khi phải đối mặt với thực tế trước một rừng văn bản hướng dẫn với hàng ngàn văn bản QPPL thì họ… bị choáng.
 

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng: Chính phủ còn 4 món nợ lớn với cử tri

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng: Chính phủ còn 4 món nợ lớn với cử tri

(Baodautu.vn) Phát biểu mở đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ vào chiều nay, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Chính phủ còn 4 món với cử tri.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư