Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bình Định dọn đường đón dòng vốn FDI
Hồng Sơn - 16/06/2016 19:12
 
Là địa phương có nhiều tiềm năng để đón dòng vốn đầu tư, trong đó có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng trong thực tế, các nhà đầu tư chưa mấy mặn mà triển khai dự án tại tỉnh Bình Định.

Đơn cử, tính đến cuối tháng 5/2016, Đài Loan có hơn 2.500 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 31 tỷ USD. Các phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… thu hút nhiều dự án của các nhà đầu tư Đài Loan với vốn đầu tư cam kết lên đến hàng tỷ USD. Trong khi đó, đến nay, Bình Định mới thu hút được một dự án của các nhà đầu tư Đài Loan. Đó là Công ty TNHH ANT hoạt động trong lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi, với vốn đầu tư 3 triệu USD.

.
Vào trung tuần tháng 8/2016 sẽ diễn ra “Diễn đàn hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, du lịch và lao động Việt Nam - Đài Loan” tại TP. Quy Nhơn, Bình Định

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên, theo các nhà đầu tư Đài Loan, là do cơ sở hạ tầng tại Bình Định còn thiếu và chưa đồng bộ. Theo ông Tiền Tuyên Phổ, Chủ tịch Hội Đài thương TP.HCM, các địa phương có đưa ra ưu đãi đến đâu cũng không thể “vượt rào” các chính sách của Nhà nước. Do đó, các nhà đầu tư sẽ chỉ chọn những nơi có điều kiện hạ tầng tốt theo phương châm “đường đi tới đâu, nhà đầu tư theo tới đó”, rồi sau đó mới xét tới tiêu chí địa phương có chính quyền sáng suốt, thân thiện với nhà đầu tư.

“Chúng tôi đã từng đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Bình Định, nhưng nhận thấy, hạ tầng nơi đây chưa hoàn thiện, nhất là thiếu cảng biển nước sâu”, ông Tiền Tuyên Phổ nói và đưa ra lời khuyên rằng, Bình Định hãy làm theo gương của nhiều địa phương phía Nam trong việc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

Đã từng đến Bình Định, ông Giản Minh Trí, Chủ tịch Hội Đài thương tỉnh Đồng Nai cảm nhận rõ sự chân thành mời gọi đầu tư của các cấp lãnh đạo của địa phương này. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn cho biết, các nhà đầu tư Đài Loan chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên thói quen của họ là đầu tư vào những địa phương đã có những “chim đầu đàn”, mà điều này thì Bình Định chưa có. Do đó, đề xuất của ông Giản Minh Trí đối với lãnh đạo tỉnh Bình Định là nên lập kế hoạch mời gọi đầu tư vào những lĩnh vực cụ thể và ở đó cần có những doanh nghiệp Đài Loan là “hạt nhân”, rồi từ đó mới có thể kéo theo chuỗi nhà đầu tư khác.

Ở góc nhìn của một doanh nghiệp làm tư vấn cho các nhà đầu tư Đài Loan, ông Trần Tín Minh cho biết, có một doanh nghiệp Đài Loan hoạt động trong lĩnh vực dệt may mong muốn đầu tư một dự án có quy mô vốn khoảng 600 triệu USD, diện tích sử dụng đất khoảng 80 ha. Tuy nhiên, đã gần 1 năm nay, doanh nghiệp này chưa tìm được “bến đỗ” phù hợp để triển khai dự án. Từ kinh nghiệm tư vấn đầu tư cho các doanh nghiệp Đài Loan, ông này đề xuất tỉnh Bình Định nên thực hiện mô hình làm khu công nghiệp có dịch vụ trọn gói cho một lĩnh vực đầu tư. Chẳng hạn, làm một khu công nghiệp chuyên biệt dành để thu hút các dự án dệt may. Đây là lĩnh vực mà các doanh nghiệp Đài Loan có thế mạnh và đang mong muốn tìm cơ hội đầu tư.

Trao đổi với các doanh nghiệp, nhà đầu tư Đài Loan tại buổi gặp gỡ diễn ra tại TP.HCM cuối tuần qua, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, đã có những cơ sở, tín hiệu khả quan để gỡ những “rào cản” trong thu hút đầu tư. Đơn cử, trong mấy năm gần đây, 3 tuyến quốc lộ qua địa bàn Bình Định đã được nâng cấp, mở rộng; sân bay Phù Cát hiện mỗi ngày có hàng chục chuyến bay tới Hà Nội, TP.HCM và tỉnh đang đề nghị đầu tư để sân bay này trở thành cảng hàng không quốc tế; tỉnh đã quy hoạch và đầu tư xây dựng 11 khu công nghiệp, 63 cụm công nghiệp với tổng diện tích 5.000 ha; Khu kinh tế Nhơn Hội đang được tập trung đầu tư, xây dựng, với diện tích 12.000 ha, trong đó đã có 1.400 ha đất sạch sẵn sàng giao cho các nhà đầu tư…

“Đã có một nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu, đề xuất đầu tư cảng biển nước sâu Nhơn Hội với sản lượng thông quan hàng hóa 30 triệu tấn/năm”, ông Dũng nói và thông tin thêm, quy mô của cảng này có 10 bến tàu, tiếp nhận được tàu có trọng tải đến 50.000 tấn. Tuy chưa thể thông tin cụ thể về nhà đầu tư và vốn đầu tư cho dự án này, song lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết, trong tháng 7/2016, hai bên sẽ đàm phán vòng tiếp theo và nếu dự án này được triển khai sẽ mở ra cơ hội rất lớn để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh thu hút dòng vốn FDI, trong đó có vốn đầu tư của các doanh nghiệp Đài Loan.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định cũng rất hoan nghênh dự án có vốn đầu tư lớn của doanh nghiệp Đài Loan hoạt động trong lĩnh vực dệt may và khẳng định, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.

Một tín hiệu khả quan cho việc thu hút vốn FDI của Bình Định thời gian tới là vào trung tuần tháng 8/2016, tại TP. Quy Nhơn sẽ diễn ra “Diễn đàn hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, du lịch và lao động Việt Nam - Đài Loan”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và UBND tỉnh Bình Định tổ chức.

“Bình Định luôn mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh. Các doanh nghiệp sẽ không gặp phải bất kỳ rào cản nào, bởi chúng tôi cam kết mạnh mẽ sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư từ việc hình thành ý tưởng, tìm kiếm cơ hội đầu tư, đến xây dựng dự án và triển khai hoạt động nhanh chóng, hiệu quả”, ông Dũng khẳng định với các nhà đầu tư.

Bình Định sẽ có 3 Thành phố, gồm Quy Nhơn, Hoài Nhơn, An Nhơn
Phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Cao Thắng vừa ký văn bản triển khai đồ án qui hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2035.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư