Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Bình Thuận với mục tiêu trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ
Ngọc Tuấn - 11/09/2015 08:43
 
Bình Thuận giàu tài nguyên du lịch, với nhiều bãi biển và cát đẹp, đó là điều kiện cần để Bình Thuận sớm điền tên mình vào bản đồ du lịch Việt Nam với tư cách điểm đến hấp dẫn bậc nhất Nam Trung Bộ.

Điểm đến hấp dẫn

Với vẻ đẹp tuyệt mỹ của những bãi cát trắng dài hút tầm mắt, rực rỡ trong nắng vàng nhiệt đới và nức tiếng với nhiều resort chất lượng để tạo nên biệt danh rất đáng ngưỡng mộ là “thủ đô resort”, Mũi Né đang tạo sức hút mãnh liệt với du khách quốc tế đến để khám phá và tận hưởng kỳ nghỉ nơi thiên đường biển.  

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận đánh giá, với tiềm năng như vậy, gần một thập kỷ nay, Bình Thuận trở thành địa chỉ đỏ cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch và tất nhiên, Mũi Né cũng dần trở thành điểm đến nổi tiếng thế giới. Nhiều loại hình như du lịch nghỉ dưỡng biển hình thành với các sản phẩm đa dạng như nghỉ dưỡng, dịch vụ spa, tắm bùn khoáng, dịch vụ thể thao trên biển như lướt ván diều, lướt ván buồm, lặn biển.... Bên cạnh đó, du lịch Bình Thuận cũng từng bước phát triển thêm các loại hình du lịch MICE, du lịch tham quan, nghiên cứu văn hoá, lễ hội, làng nghề truyền thống, vui chơi giải trí…

Du khách đến Bình Thuận để tận hưởng kỳ nghỉ tại “thiên đường du lịch”  ảnh: hoàng thủy
Du khách đến Bình Thuận để tận hưởng kỳ nghỉ tại “thiên đường du lịch” . Ảnh: Hoàng Thủy

 

Ngoài vành đai du lịch Hàm Tiến - Mũi Né, Bình Thuận còn được biết đến với một vành đai phát triển du lịch khác là Phan Thiết - Tiến Thành - La Gi. Ở vành đai này, dù phát triển sau, nhưng việc sở hữu nhiều điểm tham quan hấp dẫn, đậm chất văn hóa lịch sử bản địa như Dinh Thầy Thím, Núi Tà Cú, Hải đăng Kê Gà, tháp Poshanư  hay cuộc sống của những làng chài ven biển… nên bất chấp những ảnh hưởng từ kinh tế khó khăn, những nỗ lực đầu tư các dự án du lịch tại vành đai này đã tạo được những dấu ấn nhất định và hơn thế, các nhà đầu tư đã định hình được chuỗi dịch vụ du lịch cao cấp tại các resort nổi tiếng như The Princess D’Annam, Sài Gòn – Suối Nhum, Sea Lion Beach, Villa De Soy…

Với tốc độ tăng trưởng trên 30%, hàng năm du lịch nơi đây đã đón tiếp khoảng 3,7 triệu lượt khách, trong đó khoảng 410.000 lượt khách quốc tế, tạo nguồn doanh thu hơn 6.000 tỷ đồng. Hiện tại đã có khoảng 400 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng diện tích đất gần 7.800 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư thực hiện trên 60.000 tỷ đồng. Bình Thuận đang trên đường biến mình thành một trung tâm du lịch mang tầm vóc quốc gia.

Vươn tới trung tâm du lịch tầm cỡ khu vực

Hướng phát triển rộng mở, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, TP. Phan Thiết được xây dựng trở thành đô thị du lịch. Bình Thuận hướng tới trở thành Trung tâm Du lịch - Thể thao biển quốc gia trên cơ sở hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch, thể thao biển, bao gồm du lịch sinh thái biển, trung tâm thể thao biển, văn hóa miền biển… gắn với du lịch sinh thái rừng, trung tâm nghĩ dưỡng cao cấp.

Theo ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, với mục tiêu phát triển du lịch là ưu tiên trọng tâm, Bình Thuận đang tích cực cải cách thủ tục hành chính, điều chỉnh kịp thời các chính sách về đất đai, tạo môi trường đầu tư thông thoáng thu hút mạnh đầu tư vào lĩnh vực này. Cùng với đó, trong khoảng thời gian gần đây, Bình Thuận khuyến khích sáp nhập các dự án nhỏ và thu hút được nhiều dự án lớn, góp phần khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch.

Ngoài chính sách thông thoáng trong thu hút đầu tư, Bình Thuận đang củng cố ngày càng vững chắc thương hiệu du lịch Mũi Né - Phan Thiết. Ngoài ra, địa phương này quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng loại hình, sản phẩm du lịch lợi thế và khai thác tối ưu sự kết hợp văn hóa, thể thao để phục vụ phát triển du lịch. Khai thác và nâng cao chất lượng các hoạt động, sự kiện lễ hội, văn hóa, thể thao, nhằm thu hút khách du lịch. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có và tập trung phát triển xây dựng các sản phẩm du lịch tiêu biểu, đặc thù có chất lượng, có trọng tâm và sức cạnh tranh cao trên các thị trường. Nhằm tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch cùng với tiếp tục đầu tư, xây dựng phát triển khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né là một trong những khu du lịch của quốc gia và tạo lực thúc đẩy khu du lịch Hàm Tiến đến La Gi phát triển. Phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh lên hướng Hàm Thuận - Đa Mi và Thác Bà, huyện Tánh Linh.

Du lịch Bình Thuận đón nhận nhiều tín hiệu vui khi hàng loạt dự án hạ tầng giao thông đối ngoại trọng điểm được triển khai như dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A , dự án Sân bay Phan Thiết và tới đây là Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết – Nha Trang. Bình Thuận cũng đang từng bước đầu tư các tuyến đường ven biển và các tuyến Phan Thiết - Hàm Tiến - Mũi Né, Mũi Né – Suối Nước, Suối Nước – Hoà Thắng… Trong tương lai gần, khi nút thắt hạ tầng được cởi bỏ và với những tiềm năng sẵn có, Bình Thuận có một động lực mạnh mẽ để vươn mình thành “người khổng lồ du lịch”.

Du lịch miền Trung: Tư duy đã mở, nhưng thiếu chiến lược liên kết
Miền Trung cần liên kết để nâng tầm thương hiệu và phát huy lợi thế phát triển du lịch của vùng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư