Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Bộ ba bất khả thi: So sánh sơ bộ Việt Nam và Trung Quốc
Nguyễn Thị Thùy Linh - 23/09/2014 08:09
 
() Theo lý thuyết về Bộ ba bất khả thi trong mô hình kinh tế học Mundell - Fleming, một quốc gia không thể thực hiện đồng thời 3 mục tiêu: ổn định tỷ giá, tự do hóa dòng vốn và chính sách tiền tệ độc lập. Xét về Bộ ba bất khả thi này, các lựa chọn chính sách tiền tệ của Việt Nam có nhiều điểm khá tương đồng với Trung Quốc.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Tăng trưởng tín dụng: Nói chưa đi đôi với làm
Điều hành chính sách tài khóa - tiền tệ phải ở tầm nghệ thuật
Nhà băng bức xúc chuyện “ăn” chênh lệch lãi 6%
  Bộ ba bất khả thi: So sánh sơ bộ Việt Nam và Trung Quốc  
  Một quốc gia không thể thực hiện đồng thời 3 mục tiêu: ổn định tỷ giá, tự do hóa dòng vốn và chính sách tiền tệ độc lập (Ảnh minh họa)  

Từ năm 2011 trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành một loạt văn bản luật liên quan vấn đề quản lý dòng vốn. Nói chung, các quy định yêu cầu, hoạt động của dòng vốn chuyển từ trong nước ra nước ngoài như việc cho vay ra nước ngoài, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài… phải được các cơ quan chính phủ cho phép. Những văn bản luật mới nhất đề cập vấn đề này là Thông tư 36/2013/TT-NHNN và Thông tư 37/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013.

Với dòng vốn từ nước ngoài vào Việt Nam, tất cả hoạt động vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nước ngoài, việc phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng… cũng phải nằm trong hạn mức vay nước ngoài hàng năm của Chính phủ do Thủ tướng phê duyệt. Quy định mới nhất được nêu rõ trong các văn bản như Thông tư 12/2014/TT-NHNN ngày 31/3/2014, Thông tư 25/2014/TT-NHNN ngày 15/9/2014.

Với dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, trong năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quy định hạn chế hoạt động chuyển vốn hưởng chênh lệch lãi suất (carry-trade) nhằm hưởng lãi suất tiền gửi đồng nội tệ do lãi suất thị trường tại Việt Nam thời gian qua luôn cao hơn lãi suất tại các thị trường tài chính quốc tế. Cụ thể, các văn bản luật gần đây nhất là Thông tư 05/2014/TT-NHNN ngày 12/3/2014, Thông tư 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014.

Việc quản lý ngoại tệ mang qua biên giới của người cư trú và không cư trú cũng được quản lý chặt chẽ hơn và hiện nay, chỉ có người cư trú mang quốc tịch Việt Nam mới được mở tài khoản tiền gửi bằng ngoại tệ.

Về quản lý tỷ giá, trong giai đoạn 2001 - 2007, Việt Nam thực thi cơ chế neo tỷ giá có điều chỉnh (crawling peg). Theo đó, tỷ giá trung tâm được điều chỉnh thường xuyên với các bước nhỏ theo các chỉ số định lượng như lạm phát. Từ năm 2008 đến nay, Việt Nam thực hiện cơ chế neo tỷ giá với biên độ được điều chỉnh (crawling bands), với biên độ tỷ giá tại các ngân hàng thương mại được điều chỉnh nhiều lần. Từ cuối năm 2011 đến nay, tỷ giá của Việt Nam tương đối ổn định, với tỷ giá bình quân liên ngân hàng được điều chỉnh tăng tổng cộng 2% so với trước và biên độ dao động thu hẹp về mức 1%.

Xét về Bộ ba bất khả thi, các lựa chọn chính sách tiền tệ của Việt Nam về tổng thể có nhiều điểm giống Trung Quốc.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã thi hành chính sách kiểm soát dòng vốn nhằm theo đuổi mục tiêu lạm phát. Cụ thể, nước này kiểm soát chặt chẽ vay nợ nước ngoài và có nhiều quy định quản lý thận trọng dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài để ngăn chặn hoạt động chuyển vốn hưởng chênh lệch lãi suất (carry-trade) và chống các cú sốc chu chuyển vốn.

Về tỷ giá, từ tháng 7/2005, Trung Quốc thực thi cơ chế neo tỷ giá có điều chỉnh. Nhờ vậy, trong những năm sau đó, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng mạnh. Trung Quốc cũng đã phải phát hành nhiều giấy tờ có giá để hút về lượng cung tiền tăng thêm do mua vào dự trữ ngoại hối.

Tại Việt Nam, dự trữ ngoại hối cũng đã tăng mạnh, từ 13,5 tỷ USD vào cuối năm 2011, lên 36 tỷ USD vào giữa năm 2014. Khối lượng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước phát hành cũng tăng tới 138% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm nay.

Theo nhiều nhà phân tích, điểm khác biệt nổi bật giữa Việt Nam và Trung Quốc trong quản lý tỷ giá là đồng nhân dân tệ của Trung Quốc luôn bị giữ ở mức thấp hơn giá trị thực so với USD, trong khi tại thời điểm giữa năm 2010, VND bị định giá cao hơn 20% so với USD, dù ước lượng theo phương pháp tỷ giá cân bằng (PEER) hay tỷ giá thực hữu hiệu (REER) và luôn tăng giá thực kể từ năm 2010 đến nay.

Việc phá giá nội tệ trong thời gian dài của Trung Quốc là một trong những yếu tố quan trọng giúp cán cân thương mại của Trung Quốc thặng dư lớn và đóng góp phần lớn vào lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ của nước này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư