Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bộ Giao thông đề nghị nhà đầu tư dừng nghiên cứu Dự án BOT cải tạo, nâng cấp luồng cửa sông Trà Lý
Anh Minh - 24/12/2017 14:08
 
Bộ Giao thông vận tải cho rằng Dự án cải tạo, nâng cấp luồng cửa sông Trà Lý theo hình thức hợp đồng BOT là không có tính khả thi trong giai đoạn hiện tại.
Một đoạn sông Trà Lý - Thái Bình
Một đoạn sông Trà Lý - Thái Bình

Trong văn bản vừa gửi Công ty cổ phần Hạ tầng Đông Á, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật đề nghị nhà đầu tư này dừng việc lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi (F/S) Dự án cải tạo, nâng cấp luồng cửa sông Trà Lý theo hình thức hợp đồng BOT. Bộ Giao thông vận tải sẽ xem xét việc tiếp tục đầu tư dự án vào thời điểm thích hợp, khi đủ điều kiện.

Theo Bộ Giao thông vận tải, trên cơ sở hồ sơ Báo cáo F/S Dự án do Công ty cổ phần Hạ tầng Đông Á tổ chức lập, trình ngày 24/3/2016, Bộ này đã có văn bản lấy ý kiến tham gia của các ngành, địa phương liên quan. Đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã nhận được các ý kiến tham gia của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV); UBND tỉnh Thái Bình.

Theo ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan thì hồ sơ Báo cáo F/S Dự án còn nhiều vướng mắc, như: cơ sở pháp lý của việc thu phí sử dụng đường thủy để hoàn vốn, mức phí đề xuất là khá cao, việc đầu tư cải tạo nâng cấp tuyến đường thủy quốc gia hiện hữu sẽ hạn chế quyền lựa chọn cho người dân, việc tham vấn cộng đồng đối với dự án. Do vậy, khó tiếp tục thực hiện dự án theo hình thức BOT. 

Được biết, ý tưởng về dự án này được Công ty cổ phần Hạ tầng Đông Á đề xuất từ năm 2015, đến nay được xem xét, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương để lập nghiên cứu khả thi.

Theo đề xuất, dự án này chủ yếu nhằm phục vụ vận chuyển than cho hai nhà máy nhiệt điện Thái Bình I và II trên sông Trà Lý bằng cách dùng tàu pha sông biển loại 2.000 tấn đi qua cửa Trà Lý với quãng đường từ chân hàng đến nhà máy là gần 100km thay vì chỉ đi trong các tuyến sông với quãng đường 247km. Tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 1.888 tỷ đồng bao gồm cả lãi vay và hoàn vốn trong thời gian 18,3 năm. Phương án hoàn vốn là thu phí 30.000 đồng/tấn than trong năm đầu và mỗi năm tiếp theo tăng thêm 6%; thu phí phương tiện lưu thông khác được hưởng lợi từ dự án.

Dấu chấm hết cho Dự án BOT Quốc lộ 30
Sau 3 năm triển khai, Dự án BOT Quốc lộ 30 nối hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp đã hội đủ những điều kiện để dừng cuộc chơi đầy trắc trở.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư