Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bộ trưởng Lê Thành Long: Bỏ ngỏ quyền được bán nợ xấu của VAMC
Hữu Tuấn - 24/10/2016 15:46
 
Ngày 24/10, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận về Dự án Luật đấu giá tài sản, trước nhiều ý kiến về vấn đề giao cho VAMC vừa quản lý nợ xấu, vừa được phép bán nợ xấu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã giải thích về vấn đề này.

Các ý kiến của Đại biểu Quốc hội cho rằng Luật Đấu giá tài sản chỉ nên quy định về nguyên tắc đấu giá nợ xấu, tài sản đảm bảo nợ xấu và giao Chính phủ quy định chi tiết về đấu giá nợ xấu, đề nghị không nên để VAMC là tổ chức đấu giá trực tiếp nợ xấu mà nên để một tổ chức độc lập thực hiện, sẽ đảm bảo tính khách quan, độc lập.

Một số ý kiến đồng tình cũng cho rằng, nếu giao cho VAMC vừa quản lý tài sản nợ xấu, vừa bán nợ xấu đã tạo ra sự không bình đẳng, các cơ quan khác không được bán trong khi VAMC lại được bán nợ xấu.

Ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp
Ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp

Giải thích về vấn đề này,  Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, nợ xấu là một hiện tượng có thể nói là có tính chất tạm thời của nền kinh tế. Trong thời gian qua, trong các hoạt động kinh tế  đã tồn đọng một lượng nợ xấu khá lớn. Để xử lý khối nợ xấu này, ngân hàng nhà nước đã thành lập Công ty quản lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam là VAMC. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 53/2013/NĐ-CP điều chỉnh các vấn đề liên quan đến nợ xấu và hoạt động của VAMC.

"VAMC có nhiều nhiệm vụ, trong đó có hoạt động bán đấu giá, kí hợp đồng với các tổ chức hành nghề bán đấu giá để tổ chức bán đấu giá nợ xấu hoặc bán tài sản", Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết.

Theo Bộ trưởng, để xử lý vấn đề này, trong Dự án Luật Đấu giá tài sản do Chính phủ trình Quốc hội, có một vài điều định đưa vào điều khoản thi hành, quy định rất nguyên tắc về việc xử lý nợ xấu và những việc VAMC được làm trong xử lý nợ xấu. Vấn đề này giao Chính phủ quy định kỹ hơn trong một Nghị định để đảm bảo một hoạt động mang tính chất đặc thù trong đấu giá tài sản của VAMC nên Bộ Tư pháp đã trình lên Quốc hội, các cơ quan Bộ ngành, chuyên gia góp ý và đưa ra 2 phương án như trong Tờ trình.

Về nguyên tắc, dù sử dụng phương án nào thì cũng phải đảm bảo nguyên tắc để VAMC bán đấu giá nợ xấu phù hợp quy trình, công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi các bên liên quan và xử lý được một hiện tượng tức thời, đặc thù của nền kinh tế.

Đối với hiện tượng “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá tài sản, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Cơ quan soạn thảo đã cố gắng đến mức tối đa quy định rõ quyền hạn của người đấu giá để hạn chế tình trạng này. Đặc biệt là về quy trình tổ chức bán đấu giá, giá khởi điểm, các quy định về niêm yết phải chặt chẽ, công khai…

“Hy vọng rằng với những quy định chặt chẽ trong Luật Đấu giá tài sản, sẽ hạn chế được tình trạng “quân xanh – quân đỏ” trong đấu giá tài sản”, Bộ trưởng cho biết.

Đối với việc hạn chế một số loại hình doanh nghiệp tham gia hoạt động đấu giá tài sản, Bô trưởng Lê Thành Long khẳng định, hoạt động bán đấu giá tài sản là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, là đặc thù của ngành tư pháp nên chỉ hạn chế một loại hình doanh nghiệp như Doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh. Nguyên nhân là cần phải đảm bảo quy trình, các điều kiện chặt chẽ, trách nhiệm vô hạn của người tổ chức loại hình. Đấy là triết lý cơ bản của việc hạn chế loại hình doanh nghiệp này. Và quy định này không vi phạm Hiến pháp và hoàn toàn phù hợp với điều 7, Luật Đầu tư và Điều 3, Luật Doanh nghiệp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất 2 phương án xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về quy định VAMC có được phép bán nợ xấu:

Phương án 1: Tại khoản 9 Điều 4 của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp đã sử dụng cụm từ “tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam” để sử dụng cho VAMC. Do vậy, xin sử dụng cụm từ này để tiếp thu bổ sung mục 3 gồm 2 điều về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Chương IV. Đồng thời, bổ sung tại một số điều, khoản quy định chung trong Luật như khoản 2 Điều 2 về đối tượng áp dụng, điểm o khoản 1 Điều 3 về tài sản đấu giá...

Phương án 2: Không quy định về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cũng như các quyền, nghĩa vụ liên quan đến đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại dự án Luật này để đảm bảo cơ chế thị trường và nguyên tắc đấu giá theo quy định của Luật này. Sau đó, sẽ đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 53/2013/NĐ-CP theo tinh thần của Luật này nhằm tránh các hệ lụy pháp lý về mặt tài chính sau khi xử lý nợ và đảm bảo tính phổ quát của Luật.
Nghề bán đấu giá tài sản là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đấu giá tài sản trình bày trước Quốc hội sáng 24/10, vấn đề liên quan đến pháp nhân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư