Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Mục tiêu tăng trưởng 6,7% là có thể đạt được
Thanh Hà - 26/05/2017 20:21
 
Trao đổi với báo giới vào chiều tối ngày 26/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, dù tăng trưởng GDP quý I/2017 chỉ đạt 5,1%, nhưng có nhiều cơ sở để nhận định rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay là có thể đạt được.

Thưa Bộ trưởng, nhiều đại biểu Quốc hội, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm nay khó có thể đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, Chính phủ lại rất quyết tâm đạt được mức tăng trưởng 6,7%. Vì sao lại như vậy?

Năm 2017 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%.

Năm 2016, tăng trưởng kinh tế của chúng ta chỉ đạt 6,21%. Do vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân của giai đoạn 5 năm, thì các năm sau phải đạt mức cao hơn, trong đó năm 2017 là năm bản lề, quan trọng nhất, quyết định kết quả của các năm tiếp theo.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Chính vì lý do quan trọng như vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2017.

Mặt khác, ở khía cạnh hội nhập quốc tế, cũng phải thấy rằng, nếu chúng ta không phát triển nhanh thì rất khó có thể thu hẹp được khoảng cách phát triển của chúng ta với các nước, nhất là các nước trong khu vực đang có nhiều cải cách và tiến bộ. Họ có thể vượt chúng ta bất cứ lúc nào nếu chúng ta không phấn đấu.

Đối với Việt Nam, một nước đang phát triển, tăng trưởng còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo nguồn lực để đầu tư phát triển phục vụ tăng trưởng của giai đoạn sau, duy trì ổn định các cân đối lớn, nhất là cân đối nợ công, tạo công ăn việc làm cho xã hội, có nguồn lực để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, phát triển vền vững, góp phần ổn định xã hội, ổn định chính trị của đất nước.

Quan điểm chiến lược và dài hạn của Chính phủ là không tăng trưởng bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng, nhưng cũng không lãng phí cơ hội và tiềm năng. Chính vì vậy, Chính phủ vẫn luôn đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững lên hàng đầu, giải pháp căn bản là khơi dậy mọi tiềm năng, tận dụng triệt để các cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng.

Vậy đâu là cơ sở để Chính phủ quyết tâm đạt được mục tiêu mà nhiều ý kiến cho rằng, khó có thể đạt được đó?

Tăng trưởng kinh tế quý I/2017 đúng là đạt thấp, nên đã đặt ra nhiệm vụ cho những tháng cuối năm hết sức nặng nề và khó khăn. Tuy nhiên, nhìn vào bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước cho thấy có nhiều yếu tố thuận lợi.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới là khá tốt, theo như dự báo của các tổ chức quốc tế có uy tín như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á…

Trong khi đó, tình hình trong nước cũng có nhiều khởi sắc, như nông nghiệp phục hồi mạnh sau những khó khăn của năm 2016; công nghiệp chế biến, chế tạo có bước tăng trưởng tích cực; dịch vụ tăng trưởng khá, nhất là du lịch đã đạt mức kỷ lục bình quân hơn 1 triệu lượt khách quốc tế/tháng; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh; đăng ký doanh nghiệp tăng cao cả về số doanh nghiệp và số vốn…

Đây chính là căn cứ để Chính phủ nhận định mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay là có thể đạt được. Để làm được điều này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng kịch bản cụ thể mục tiêu phấn đấu từng ngành, từng sản phẩm, từng quý để xây dựng những giải pháp để vừa duy trì tăng trưởng ổn định, bền vững trong dài hạn, vừa tác động trực tiếp đến các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng của năm 2017.

Trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, như tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chưa thể bù đắp được phần thiếu hụt do giảm sút tăng trưởng của ngành khai khoáng, trong đó dầu thô là chủ yếu; nông nghiệp vẫn chưa thực sự bền vững trước tác động của giá cả, thời tiết và môi trường; thu hút đầu tư nước ngoài và đăng ký doanh nghiệp tăng mạnh nhưng vốn giải ngân chưa tương xứng…

Mặc dù vậy, căn cứ vào tiềm năng, cơ hội và những việc có thể làm được, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là sẽ dễ dàng, phải rất cố gắng, có giải pháp tốt, có sự chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ của các cấp, ngành. Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp cũng cần phải có niềm tin vào quyết tâm của Chính phủ, đồng hành với Chính phủ thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra.

Thưa Bộ trưởng, đúng là rất quyết tâm, tiềm năng cũng có, nhưng điều quan trọng là Chính phủ sẽ thực thi những giải pháp gì để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm nay?

Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2017, trong đó đã chỉ đạo các giải pháp cụ thể với các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Tiếp theo nghị quyết này, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một chỉ thị riêng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thủ trưởng các ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm cụ thể hóa mục tiêu tăng trưởng cho từng ngành, từng sản phẩm, và đề xuất các giải pháp phù hợp, tùy theo thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định và chỉ đạo thực hiện.

Sẽ có hai nhóm giải pháp cơ bản được đề cập. Đầu tiên là nhóm giải pháp cơ bản hướng tới duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế; cải cách thể chế; nâng cao năng suất lao động; mở rộng thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước…

Nhóm giải pháp thứ hai, cần thực hiện ngay trong năm 2017, hướng tới việc tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, như giảm chi phí kinh doanh, tháo gỡ các ách tắc liên quan đến đất đai, hạ tầng, nguồn nhân lực…; đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn đầu tư; tận dụng bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước đang thuận lợi, triển khai nhanh các giải pháp thúc đẩy sản xuất - kinh doanh các ngành chủ yếu của nền kinh tế như nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo…

Vậy còn các giải pháp ngắn hạn mà Bộ đã đề xuất như tăng khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thô, kiến nghị cho phép Formosa đi vào hoạt động nếu như đã đáp ứng đủ các điều kiện về môi trường…?

Năm ngoái, chúng ta khai thác được trên 15,2 triệu tấn dầu thô, năm nay kế hoạch chỉ khai thác hơn 12,28 triệu tấn, nghĩa là hụt hơn 3 triệu tấn so với năm ngoái. Đó là do chúng ta chủ động điều chỉnh kế hoạch, do muốn tăng trưởng có chất lượng, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, khoáng sản.

Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, nếu có thể khai thác được thì cũng mạnh dạn khai thác thêm để thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng khai thác thêm bao nhiêu, thế nào là phù hợp thì còn tùy thuộc vào tình hình thực tế. Chúng ta tăng khai thác dầu để thúc đẩy tăng trưởng nhưng sẽ không ỷ lại vào điều đó.

Còn chuyện Formosa, đúng là họ đã đầu tư rất lớn. Những vấn đề liên quan đến sự cố môi trường, họ đã cơ bản khắc phục được những điều chúng ta yêu cầu. Nếu đủ điều kiện, đáp ứng được các yêu cầu chúng ta đặt ra về đảm bảo môi trường, thì có thể cho phép Formosa đi vào hoạt động. Dự án lớn như vậy đi vào hoạt động sẽ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ đã quyết tâm rất lớn. Còn với riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tư cách là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ về điều hành kinh tế vĩ mô, lần này sẽ “ra quân” như thế nào?

Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt yêu cầu các Bộ trưởng các bộ, các tư lệnh ngành cam kết và chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp đề ra.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tư cách là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược của Chính phủ cam kết, quyết tâm và phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các giải pháp, hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Cùng với việc dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, ngay trong tháng 6 này, Bộ sẽ tổ chức các đoàn công tác đến các khu vực kinh tế trọng điểm, đến các dự án đầu tư trọng điểm để nắm bắt tình hình, chủ động tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, doanh nghiệp, nếu vượt thẩm quyền, Bộ sẽ tổng hợp báo cáo kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những quyết định cụ thể.

Tôi cho rằng, quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2017 là hoàn toàn đúng đắn và hợp lý. Nhiệm vụ là rất khó khăn nhưng vẫn có thể thực hiện được nếu quyết tâm và thực hiện đúng những giải pháp đã đề ra.

Mục tiêu, giải pháp cũng đã rõ ràng nhưng thực hiện cũng không đơn giản và cũng cần phải quyết liệt thì mới có thể thực hiện được. Vượt qua được khó khăn này và thực hiện được mục tiêu, chúng ta mới có động lực và niềm tin để thực hiện được khát vọng lớn hơn trong dài hạn.

Đầu tư các dự án lớn để thúc GDP tăng trưởng
Tập trung đầu tư vào các dự án lớn, có tính lan tỏa cao là một trong những giải pháp nhằm từng bước thúc đẩye tăng trưởng GDP.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư